Tháng 2/2024, Tông Khánh Hậu, người được coi là ông trùm ngành giải khát Trung Quốc, chủ tịch tập đoàn Wahaha, qua đời vào tháng 2/2024 ở tuổi 79. Hơn một năm sau, những bí mật gia tộc và tranh chấp quyền thừa kế của tập đoàn này đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Tông Phức Lệ (Kelly Zhong), 43 tuổi, đang đảm nhận chức chủ tịch kiêm CEO công ty Wahaha, lâu nay được công chúng biết đến là người con duy nhất của ông Tông Khánh Hậu với người vợ Thi Ấu Trân. Tuy nhiên, cô hiện đối mặt hai vụ kiện với ba nguyên đơn tự xưng là em cùng cha khác mẹ, muốn ngăn cản Tông Phức Lệ xử lý các tài sản trị giá khoảng hai tỷ USD.

Tông Phức Lệ tại sự kiện ở Hàng Châu năm 2020. Ảnh: Sipa USA
Truyền thông Hong Kong ngày 15/7 đưa tin ba nguyên đơn là Tông Kế Xương (Jacky Zhong), Tông Tiệp Lệ (Jessie Zhong) và Tông Kế Thịnh (Jerry Zhong), hồi tháng 12/2024 đệ đơn kiện lên tòa án Hong Kong, xin lệnh ngăn chặn Tông Phức Lệ rút tiền từ tài khoản của ông Tông Khánh Hậu tại ngân hàng HSBC.
Đơn kiện nói rằng tài khoản tại ngân hàng HSBC thực chất là quỹ tín thác mà ông Tông đã hứa hẹn cho mỗi người con 700 triệu USD.
Ba người này cũng khởi kiện tại một tòa án ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, để "đảm bảo quyền lợi của mình".
Theo Sina, ba người nói trên được cho là con của Tông Khánh Hậu với Đỗ Kiến Anh, phụ tá thân tín của ông. Điều đáng chú ý là khi Tông Phức Lệ sang Mỹ du học năm 14 tuổi, ông Tông Khánh Hậu đã cho bà Đỗ Kiến Anh đi theo với tư cách là người giám hộ để chăm sóc.
Đỗ Kiến Anh sinh năm 1966 tại Hàng Châu, tốt nghiệp Đại học Chiết Giang năm 1984, làm việc trong tập đoàn Wahaha năm 1991. Ông Tông đã trực tiếp phỏng vấn bà Đỗ và đánh giá cao năng lực chuyên môn, cũng như tính cách quyết đoán của bà. Bà Đỗ bắt đầu sự nghiệp ở Wahaha với vị trí thư ký văn phòng tổng giám đốc, sau đó thăng tiến và trở thành một trong những cấp dưới được ông Tông tín nhiệm nhất.
Đỗ Kiến Anh sang Mỹ cùng Tông Phức Lệ năm 1996 và cùng năm, bà sinh con trai Tông Kế Xương ở Los Angeles, sinh con gái Tông Tiệp Lệ năm 2007 và con trai út Tông Kế Thịnh năm 2017. Trong thời gian ở Mỹ, bà quản lý hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của Wahaha, thường xuyên đi lại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Ông Tống Khánh Hậu và con gái Tống Phức Lệ. Ảnh: Sina
Sau khi ông Tông qua đời, Tông Phức Lệ kiểm soát tập đoàn Wahaha. Cô cho dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất của 18 nhà máy chi nhánh Wahaha tại Thẩm Dương, Trùng Khánh, Thâm Quyến..., với lý do "điều chỉnh và tối ưu hóa". Đỗ Kiến Anh giữ 40% cổ phần của những nhà máy này, nghĩa là đóng cửa nhà máy sẽ cắt đứt nguồn thu từ cổ tức của bà Đỗ.
Sau khi đóng cửa 18 nhà máy, Wahaha thuê các công ty ngoài gia công sản phẩm và mọi hợp đồng thuê đều thông qua hệ thống công ty Hồng Thắng do Tông Phức Lệ kiểm soát.
Tông Phức Lệ yêu cầu các nhà phân phối ký hợp đồng mới với Hồng Thắng, chuyển quyền kiểm soát 1,6 triệu điểm bán lẻ của Wahaha như các tiệm tạp hóa, siêu thị, từ hệ thống cũ sang hệ thống mới do Hồng Thắng nắm giữ.
Nhân sự cấp cao trong công ty cũng bị loại bỏ. Đội ngũ làm việc dưới thời ông Tông Khánh Hậu bị Tông Phức Lệ cho nghỉ việc, thay bằng đội ngũ thân tín từ Hồng Thắng với lý do "nhân viên cũ chỉ nghe lời cha tôi, tôi cần dùng người của mình".
Theo những người "con riêng", quỹ tín thác mà ông Tông thành lập được hứa hẹn rót 2,1 tỷ USD nhưng mới nhận 1,8 tỷ USD. Tông Phức Lệ dùng tên công ty Wahaha để rút thành công 1,1 triệu USD, khiến ba người "con riêng" nộp đơn kiện, với lo ngại cô có khả năng rút toàn bộ tiền khỏi quỹ này.
Việc họ có nhận được tiền từ quỹ tín thác hay không còn phụ thuộc vào tính hợp lệ của di chúc. Tòa án Hong Kong đã ra quyết định chặn Tông Phức Lệ rút tiền từ tài khoản HSBC để yêu cầu bổ sung giấy tờ.
Theo di chúc của bố do Tông Phức Lệ công bố, toàn bộ cổ phần và tài sản của ông Tông ở bên ngoài Trung Quốc đại lục đều thuộc về cô và không có quỹ tín thác nào. 1,8 tỷ USD kia thực chất là tiền của công ty dùng để làm ăn ở thị trường nước ngoài được gửi trong tài khoản của ông Tông.
Tuy nhiên, ba người "con riêng" lập luận bản di chúc này không có hiệu lực pháp lý do chưa được công chứng, yêu cầu tòa án tuyên bố vô hiệu hóa bản di chúc và áp dụng luật thừa kế, chia đều cổ phần cho 4 người con, thành lập quỹ tín thác mới và rót đủ 2,1 tỷ USD như "lời hứa" của ông Tông.

Đỗ Kiến Anh tại sự kiện ở thành phố Hàng Châu vào tháng 9/2020. Ảnh: Đại học Tây Hồ
Thành lập vào năm 1987, Wahaha (nghĩa là em bé đang cười) có ba nhóm cổ đông lớn là một công ty đầu tư thuộc chính quyền quận Thượng Thành, thành phố Hàng Châu, với 46% cổ phần, gia đình Tông Khánh Hậu chiếm 29,4% cổ phần và một nhóm cổ đông đại diện cho nhân viên của Wahaha với 24,6% cổ phần.
Tập đoàn Wahaha ngày 14/7 khẳng định các vụ kiện không liên quan đến hoạt động của công ty.
Tuy nhiên, cuộc đấu pháp lý đang khiến hình ảnh của công ty bị ảnh hưởng. "Wahaha không chỉ là vua nước giải khát của Trung Quốc, mà còn là một biểu tượng cho sự thịnh vượng của các doanh nghiệp tư nhân", Eric Han, một quản lý cấp cao tại Suolei, công ty tư vấn quản lý doanh nghiệp ở Thượng Hải, nhận định. "Rắc rối này khiến giới doanh nhân và người tiêu dùng Trung Quốc phải nhíu mày".
"Ông Tông Khánh Hậu lâu nay là doanh nhân đáng kính, nhưng chuyện ông ấy có con riêng khiến tôi nghi ngờ về sự trung thực và kế hoạch cho tương lai công ty mà ông ấy vạch ra", ông Zhang Mingjun, một doanh nhân tại Thượng Hải trong lĩnh vực kỹ thuật điện, bình luận.
Uông Phong, chủ tịch của Ye Lang Capital, tập đoàn dịch vụ tài chính có trụ sở tại Thượng Hải, nhận định "những mối bất hòa trong gia đình và các cuộc chiến quyền lực trong phòng họp có thể làm tổn hại đến tinh thần của nhân viên và hình ảnh thương hiệu, đặc biệt là vào thời điểm các công ty đang trong quá trình chuyển giao từ thế hệ doanh nhân đầu tiên sang con cái của họ".
Hồng Hạnh (Theo Sina/Hkcd/Netease)