Theo USA Today, điện thoại nóng lên do nhiều nguyên nhân như đặt trong ôtô vào ngày nóng, để lâu dưới ánh nắng trực tiếp, sử dụng một số tính năng trong điều kiện nóng hoặc dưới ánh nắng trực tiếp thời gian dài, pin hoặc bộ sạc bị lỗi, lỗi ứng dụng hoặc cài phần mềm độc hại. Sạc cũng có thể khiến điện thoại ấm lên, dù sạc bằng dây cáp hay không dây.
Điện thoại Galaxy của Samsung và iPhone của Apple đều được thiết kế để hoạt động trong khoảng 0-35 độ C. Chúng sẽ bộc lộ dấu hiệu khi bắt đầu quá nhiệt, nhưng vẫn cho phép thực hiện cuộc gọi khẩn cấp.

Điện thoại hiển thị cảnh báo khi quá nóng. Ảnh: Jason Cipriani/Cnet
iPhone sẽ hiện cảnh báo nhiệt độ, cho biết "cần giảm nhiệt trước khi có thể tiếp tục sử dụng". Thiết bị cũng thực hiện một số điều chỉnh, bao gồm sạc chậm hơn, màn hình mờ hơn, đèn pin và flash cho ảnh bị vô hiệu hóa.
Điện thoại Samsung cũng đưa ra cảnh báo khi quá nóng nhằm ngăn thiết bị hỏng hóc, gây kích ứng da hay rò rỉ pin. "Để giảm nhiệt thiết bị, độ sáng màn hình và tốc độ xử lý sẽ bị giới hạn, quá trình sạc pin cũng dừng lại. Các ứng dụng đang chạy sẽ đóng, cuộc gọi và mọi tính năng khác bị hạn chế, ngoại trừ cuộc gọi khẩn cấp, cho đến khi thiết bị nguội đi. Nếu thông báo thứ hai xuất hiện do nhiệt độ tăng thêm, thiết bị sẽ tắt", Samsung cho biết.
Cnet khuyến nghị không sử dụng các ứng dụng đòi hỏi cao về đồ họa hoặc bộ xử lý khi điện thoại đang sạc, bao gồm game nặng hoặc ứng dụng phát trực tuyến. Trang tin này cũng khuyên người dùng cập nhật phiên bản mới nhất của phần mềm hệ thống và các ứng dụng vì lỗi phần mềm có thể gây quá nhiệt, đồng thời không nên dùng bộ sạc kém chất lượng của bên thứ ba.
Về ốp lưng, Kewin Charron, quản lý cấp cao tại Back Market, khuyên người dùng chọn loại cho phép điện thoại "thở" và duy trì sự thoáng mát. "Vào những tháng hè, bạn nên sử dụng ốp mỏng và nhẹ hơn. Ốp dày có thể làm tăng nguy cơ quá nhiệt vì hạn chế lưu thông không khí và giữ nhiệt, cản trở thiết bị làm mát đúng cách", ông giải thích với Sun.
Nếu điện thoại quá nóng, người dùng không cần hoảng loạn đến mức nhúng ngay xuống nước hay đặt vào tủ lạnh, hộp đá. "Ngay cả khi điện thoại có khả năng chống nước cao nhất, việc ngâm vào nước lạnh để làm mát vẫn là ý tưởng tồi", James Brown, giám đốc công ty bảo hiểm Protect Your Bubble, chia sẻ trên tờ Sun.
Brown cho biết, đặt thiết bị ở nơi có nhiệt độ đóng băng để làm lạnh nhanh cũng không tốt. "Làm như vậy có thể gây ra hiện tượng ngưng tụ hơi nước bên trong điện thoại, về lâu dài sẽ làm hỏng thiết bị", ông giải thích.
Apple khuyến cáo tắt thiết bị khi thấy nóng, sau đó chuyển đến nơi mát hơn, tránh ánh nắng trực tiếp và để nguội dần. "Các thiết bị iOS và iPadOS có cơ chế bảo vệ tích hợp để ngăn tình trạng quá nóng. Nếu nhiệt độ vượt phạm vi hoạt động bình thường, thiết bị sẽ bảo vệ các thành phần bên trong bằng cách cố gắng điều chỉnh nhiệt", công ty này cho biết.
Samsung cũng cung cấp hàng loạt lời khuyên cho người dùng khi nhận thấy điện thoại nóng lên, như khởi động lại (xung đột giữa các ứng dụng đang chạy có thể làm nóng điện thoại), tắt Wi-Fi, GPS và Bluetooth khi không sử dụng, đóng các ứng dụng làm tăng mức tiêu thụ pin hoặc chạy ngầm, giảm độ sáng màn hình, giảm tần số quét. Hãng này khuyến cáo tạm ngừng sử dụng nếu thấy thiết bị quá nóng và dừng sạc để đợi thiết bị nguội hơn.
Thu Thảo tổng hợp