Năm 2022, điểm chuẩn khối ngành Sư phạm tiếp tục tăng. Tính theo mức điểm chuẩn cao nhất ở từng trường, sáu trường Sư phạm lớn của cả nước đều giữ nguyên hoặc tăng từ 0,95 đến 2. Như tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, điểm chuẩn cao nhất năm ngoái là 24 và năm nay là 26.
Thực tế, điểm chuẩn các ngành như Giáo dục tiểu học, Sư phạm Toán, Sư phạm Tiếng Anh của các trường Sư phạm vẫn tăng đều trong 3-5 năm qua. Khoảng cách điểm chuẩn giữa các ngành và các trường đào tạo giáo viên cũng được thu hẹp khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điểm sàn riêng cho khối này.
Các chuyên gia tuyển sinh chia sẻ điểm chuẩn xét tuyển đại học phụ thuộc vào bốn yếu tố gồm phổ điểm, ngưỡng đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu, số nguyện vọng đăng ký. Với ngành Sư phạm năm nay, yếu tố chỉ tiêu tác động không nhỏ khiến điểm chuẩn tăng.
Lãnh đạo một trường Sư phạm thông tin tổng chỉ tiêu các ngành Sư phạm năm nay giảm khoảng 20-30%, một số trường giảm mạnh hơn mức này.
Như với Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ tiêu năm ngoái là 750 thì năm nay chỉ còn 436. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm ngoái tuyển 1.364 chỉ tiêu cho 14 ngành đào tạo giáo viên, năm nay giảm còn 851 cho 12 ngành; hai ngành không còn tuyển là Giáo dục Quốc phòng An ninh và Sư phạm Công nghệ.
Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định) ban đầu dự kiến tuyển 1.300 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo giáo viên nhưng rồi phải ra thông báo điều chỉnh bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giao tuyển 770.
Sáu ngành là Sư phạm Toán học, Vật lý, Hoá học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý ban đầu dự kiến tuyển 50-80 chỉ tiêu nhưng sau đó chỉ được tuyển 8-18 khiến trường phải đưa ra mức điểm sàn xét tuyển (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) cao kỷ lục 28,5.
Ngay thời điểm công bố điểm sàn hồi đầu tháng 8, ông Lê Xuân Vinh, Trưởng Phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Quy Nhơn, cho biết điểm sàn lên tới 28,5 là do chỉ tiêu tuyển sinh của sáu ngành này rất ít.
Lãnh đạo một trường sư phạm lý giải chỉ tiêu giảm mạnh do các tỉnh không đặt hàng theo Nghị định 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm ban hành năm 2020. Trong khi đó, chỉ tiêu các trường Sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao dựa trên năng lực đào tạo, nhu cầu của các địa phương và cả nước.
"Dù có nhu cầu, nhiều tỉnh không mặn mà đặt hàng đào tạo giáo viên bởi thực tế còn nhiều bất cập về mặt chính sách", vị này nói và lấy ví dụ việc đặt hàng giáo viên theo nghị định 116 nhưng việc tuyển dụng giáo viên công lập lại theo nghị định 115 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo đó, không có gì đảm bảo chắc chắn những giáo sinh được đào tạo theo nghị định 116 sẽ được tuyển vì tuyển dụng là phải mở và công bằng cho mọi ứng viên. Những giáo sinh này không được tuyển dụng khi tốt nghiệp sẽ dẫn đến nhiều vấn đề pháp lý phải giải quyết.
Một lý do khác là gần đây các trường đại học có xu hướng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển. Điều này khiến chỉ tiêu xét bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại trường THCS Trần Văn Ơn, TP HCM hôm 7/7. Ảnh: Quỳnh Trần
Xét theo ngành, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử tăng vọt. Tại Trường Đại học Quy Nhơn, ngành này năm ngoái thuộc nhóm có đầu vào thấp nhất trong các ngành đào tạo giáo viên với 19 điểm thì năm nay trở thành cao nhất với mức 28,5, tức tăng 9,5. Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế năm ngoái lấy 19, năm nay lấy tới 25.
Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc), ngành Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn cao nhất với 38,67, tính theo thang điểm 40, tức trung bình mỗi môn thí sinh phải đạt gần 9,7 nếu không có điểm ưu tiên khu vực, đối tượng. Trong khi năm ngoái, điểm chuẩn ngành này là 25,5 và vẫn tính theo thang 40, tức trung bình mỗi môn chỉ cần đạt gần 6,4.
Ngoài yếu tố chỉ tiêu giảm, điểm chuẩn ngành này tăng mạnh do phổ điểm môn Lịch sử thi tốt nghiệp THPT cao hơn rất nhiều so với năm 2021. Điểm trung bình của gần 660.000 thí sinh dự thi môn này là 6,34, cao hơn 1,37 so với năm ngoái.
Về phổ điểm tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), đỉnh phổ điểm năm ngoái ở 17,5-18,5 thì năm nay dịch sang phải, lên mức 19,5-20, lượng thí sinh đạt trên 27 điểm nhiều hơn.
Điểm chuẩn Sư phạm tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng việc giảm chỉ tiêu, tình trạng thiếu giáo viên đang gây khó khăn cho ngành giáo dục có khả năng thêm trầm trọng.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức giữa tháng 8, hàng loạt địa phương kêu thiếu giáo viên cho năm học mới như Thanh Hoá gần 9.000, Hà Nội hơn 7.000, Nghệ An khoảng 6.000, TP HCM hơn 5.000.
Trong giai đoạn 2022-2026, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông, riêng năm học 2022-2023 là 27.850. Theo lãnh đạo một trường Sư phạm, dù có được giao thêm biên chế, tình trạng thiếu giáo viên vẫn sẽ diễn ra bởi thời gian để tuyển dụng được biên chế kéo dài ít nhất vài tháng, nguồn tuyển lại hạn chế.
"Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy có chỉ tiêu vẫn không tuyển được", ông nói. Việc nhiều địa phương có nhu cầu tuyển dụng giáo viên nhưng không mặn mà chuyện đặt hàng các trường Sư phạm đào tạo sẽ ảnh hưởng đến việc khắc phục tình trạng này.
Dương Tâm