Khoảng 9 tháng trước, Trần Lâm Nam Bảo (2004) khi đó là học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM) từng trở thành tâm điểm mạng xã hội khi "trình làng" loạt thiết kế sách giáo khoa 6 môn độc đáo. "Nếu như sách giáo khoa được khoác màu áo mới" - Tiêu đề của topic này đã gây bão trong một hội nhóm hơn 500 nghìn thành viên với đủ mọi lứa tuổi, thu hút tới hàng trăm ngàn lượt thích, bình luận và chia sẻ.

Dự án thiết kế lại bộ sách giáo khoa bao gồm 6 môn học: Vật lý, Ngữ văn, Lịch sử, Hóa học, Địa lý và Sinh học. Nam sinh cho biết mình đã sử dụng nhiều phần mềm thiết kế như Adobe Photoshop, Adobe Illustrator và Adobe InDesign - bộ công cụ thiết kế nổi tiếng của Adobe và sử dụng nhiều gam màu khác nhau, đặc trưng cho từng cuốn sách.

photo-7-16681317826941846328177.jpgphoto-6-1668131781110853219843.jpgphoto-5-1668131779716562660499.jpg
photo-4-1668131778257107678010.jpgphoto-3-1668131776702457511062.jpg

Các hình ảnh sử dụng được chính Nam Bảo vẽ hoặc lấy cảm hứng từ nhiều trang web nguồn khác nhau như Behance, Pinterest… Ngoài ra, nam sinh tham khảo cách dựng bố cục và xử lý hình ảnh ở nhiều nơi và tự học trên mạng.

Nam Bảo cho biết, sách giáo khoa đã làm khá tốt nhiệm vụ là nơi lưu giữ kiến thức cần có của học sinh, đồng thời cũng tạo điều kiện cho học sinh tự tìm hiểu bài và liên hệ thực tiễn. Ở góc nhìn của Nam, điểm chưa hài lòng duy nhất là tính thu hút, bắt mắt và gây hứng thú với học sinh. Đây cũng là điểm chung mà những cuốn sách thiên về học thuật gặp phải. Bảo mất hơn 7 ngày để hoàn thành, mỗi ngày 1 cuốn.

Bảo có niềm đam mê thiết kế từ nhỏ. Từ cấp 1, thời gian rảnh rỗi nam sinh thường thích chơi Lego và game thiết kế nhà 3D trên iPad. Lên cấp 2, Bảo nhận ra mình có niềm yêu thích với việc đứng trên bục giảng và thuyết trình, cùng với đó thì cậu luôn đảm nhận phần PowerPoint khi làm việc nhóm. Đến năm lớp 9, Bảo nhận thiết kế áo đồng phục của lớp, rồi sau đó được bạn bè mời làm logo và bài đăng trên mạng xã hội cho các dự án kinh doanh của các bạn.

Từ đó niềm đam mê làm ra những thứ bắt mắt trên Photoshop của Bảo lớn dần. Năm lớp 9 cũng là thời điểm cậu biết đến khái niệm "thiết kế đồ họa" và bắt đầu chuỗi ngày "cắm mặt" vào màn hình nghiên cứu "trên trời dưới đất" về lĩnh vực này.

Giành học bổng Đại học RMIT Việt Nam, là tân sinh viên ngành Cử nhân Thiết kế

Mới đây, Trần Lâm Nam Bảo là 1 trong 2 chủ nhân của Học bổng Sáng tạo Đại học RMIT Việt Nam năm 2022 (trị giá 50% học phí). Bảo hiện đã bước vào những tuần học đầu tiên của ngành Cử nhân Thiết kế (Thiết kế ứng dụng sáng tạo) tại Đại học RMIT, cơ sở Nam Sài Gòn.

Bảo chia sẻ, mình nhận được email thông báo học bổng lúc đang ngồi ở bàn làm việc. Khi đọc thư thì em gần như không tin vào mắt mình, sau đó cảm giác rất nhẹ nhõm vì mình đã vượt qua được mọi khó khăn để đạt được mục tiêu lớn nhất.

Bảo từng có "cơ duyên" cùng RMIT khi đội của nam sinh này giành giải cao nhất trong cuộc thi do trường tổ chức. Ban đầu Bảo nhắm vào học bổng cao nhất (Học bổng toàn phần). Nam sinh chủ động tìm kiếm cơ hội để phát triển bản thân và đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong những dự án trong và ngoài trường. Nhưng tiếc là cũng vì dành quá nhiều thời gian cho các dự án mà Bảo không sắp xếp được thời gian học ở trường và không đủ điểm trung bình lớp 12 từ 9,0/10,0 trở lên để tranh Học bổng toàn phần.

photo-2-16681317733061609511618.jpg

Theo Bảo, phần khó nhất trong quá trình chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển học bổng là hồ sơ thể hiện năng lực sáng tạo (portfolio).

"Em không muốn hồ sơ này chỉ như một phòng trưng bày tranh ảnh hay sản phẩm thiết kế của mình, mà là một cuốn sách thể hiện cả con người em nữa. Em nhận thức được đây không chỉ là ‘portfolio của một designer’, mà là của một ứng viên tranh suất học bổng.

Vì vậy, em đã đưa vào một vài câu chuyện cá nhân của riêng mình theo dạng blog, như là quá trình em mang luồng gió sáng tạo vào môi trường trường học, hay cách em tạo nên một dự án mang lại ảnh hưởng trên khắp cả nước như thế nào, và cả ước mơ được vào RMIT của em", Bảo chia sẻ.

Một khó khăn lớn nữa là thời gian, vì quyết định vào RMIT và tranh Học bổng Sáng tạo là bước đi khá "bất ngờ" của Bảo và gia đình vào phút cuối nên cậu gần như phải chạy nước rút trong vòng 3 tuần để hoàn thành 4 đầu việc cùng lúc: Học lấy chứng chỉ IELTS, làm portfolio, ôn thi đại học, và dự án riêng (làm thiết kế chính cho Đại nhạc hội Tuổi Hồng của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai). Bảo cho rằng đây là khoảng thời gian gần như căng thẳng nhất mình từng trải qua trong đời.

photo-1-1668131771653747220421.jpg

Nói về bản thiết kế sách giáo khoa "gây bão" thời gian trước, Bảo cho rằng, bên cạnh việc dự án đã mang lại cho mình rất nhiều cơ hội lớn sau đó, bài học lớn nhất mà cậu học được chính là bất kỳ một sản phẩm sáng tạo nào được nhiều người biết đến luôn không thể tránh được những ý kiến trái chiều, nhưng giá trị tích cực của nó vẫn sẽ luôn còn đó và được tiếp cận bởi những người thật sự hiểu giá trị của nó.

Bảo cho biết, bản thân rất thích những thứ liên quan tới sáng tạo khác như là làm phim hay âm nhạc, nhưng thiết kế luôn là thứ mà cậu tự tin nhất và có thể nói về nó hàng giờ đồng hồ mà không chán: "Hiện tại nó là tình yêu lớn nhất của em, nhưng em vẫn luôn muốn giữ cho mình một cái đầu mở để thử sức thêm những ngành mới, biết đâu một ngày em có thể rẽ theo hướng khác", Bảo chia sẻ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022