Chiều 10/11, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng Đại học Hà Nội cho biết, đơn vị này không liên kết với Hội đồng Anh trong việc tổ chức thi chứng chỉ IELTS. Tuy nhiên, liên quan đến văn bản của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài mới đây, trường quyết định tạm dừng triển khai thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thiện đề án liên kết này.
Động thái của các cơ quan chức năng hiện nay là tạm ngừng để yêu cầu các đơn vị hoàn thiện thủ tục chứ không phải cấm, vì vậy thí sinh không nên lo lắng.
"Việc rà soát lần này là cần thiết, đó là quá trình thanh lọc, kiểm soát chất lượng một số trung tâm chưa được cấp phép rõ ràng nhưng lâu nay hoạt động "bát nháo", giúp cho kỳ thi các chứng chỉ ngoại ngữ được an toàn hơn. Tuy nhiên, việc tạm dừng này không nên quá lâu vì ảnh hưởng đến nhiều người", vị này nói.
(Ảnh minh hoạ: N.N)
Trường đang xây dựng đề án để được liên kết hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm cung cấp địa điểm thi liên quan đến tiếng Hàn, Nhật, Trung… Sau khi hoàn thiện đề án trình Bộ GD&ĐT cấp phép, kỳ thi sẽ được tổ chức sao cho đảm bảo an toàn, đúng quyền lợi của thí sinh. Thời gian hoàn thiện chỉ trong vòng 15 ngày đến một tháng.
Ông Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trường đang tạm hoãn việc thi, cấp các chứng chỉ ngoại ngữ liên quan đến Thông tư 11 năm 2022 của Bộ GD&ĐT về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Cũng giống các trường đại học khác, việc tạm hoãn này nhằm hoàn thiện đề án trình Bộ GD&ĐT.
"Thời gian hoàn thiện đề án nhanh hay chậm còn phụ thuộc rất nhiều đối tác, không chỉ Đại học Ngoại Ngữ. Nhà t rường luôn mong muốn và nỗ lực hoàn thiện sớm đề án để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh", TS Đỗ Tuấn Minh nói.
Ngày 10/9, Trung tâm ngoại ngữ và tin học (Sở GD&ĐT TP.HCM) cũng thông báo trên trang web về việc tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ cho đến khi có thông báo mới.
Trung tâm này chuyên tổ chức các kỳ thi lấy chứng chỉ của Đại học Cambridge như YLE (Starters, Movers, Flyers), PET, KET, FCE, TKT (dạy tiếng Anh); ngoài ra còn có chứng chỉ PTE và TOELF. Việc tạm hoãn này nhằm hoàn tất hồ sơ theo quy định ở Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Sáng 8/11, Bộ GD&ĐT văn yêu cầu các Sở tăng cường quản lý liên kết, tổ chức cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Bộ yêu cầu kiểm tra, rà soát điều kiện để tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài theo Thông tư 11, được ban hành cuối tháng 7.
IELTS là hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế, gồm bốn kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc và Viết. Chứng chỉ IELTS được công nhận ở hơn 11.000 cơ sở đào tạo ở 140 quốc gia.
Ngoài mục tiêu bổ sung vào hồ sơ du học, làm việc tại nước ngoài hoặc giảng dạy tiếng Anh tại các trung tâm, trường học ngoài công lập thì chứng chỉ IELTS ở Việt Nam còn được coi một trong những yếu tố xét tuyển vào đại học, là điều kiện để xét công nhận chuẩn đầu ra tốt nghiệp đại học và sau đại học.
Hai đơn vị tổ chức thi IELTS ở Việt Nam là Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục quốc tế IDP. Cả hai đơn vị này đều đã thông báo tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ ở Việt Nam.