Là một trong số ít những người đạt 9.0 IELTS tại Việt Nam, Nguyễn Hàn Bách (SN 2007), học sinh lớp 11I2 trường THPT Tây Hồ thành công chinh phục chứng chỉ ngoại ngữ có giá trị toàn cầu. Cụ thể, kỹ năng Nghe, Nói, Đọc của em đạt 9.0, kỹ năng Viết đạt 8.5.

Hàn Bách đã có chia sẻ thú vị về phương pháp học, các tài liệu liên quan và đặc biệt về bố mẹ em - người đã luôn tin tưởng, tôn trọng và tạo điều kiện để em dành được kết quả tốt nhất trên con đường chinh phục học thuật.

photo-4-1709025810099801374811.png

Chuyến đi Mỹ một mình giúp tiếng Anh thăng hạng, tạo bệ phóng ước mơ

Nhận được kết quả vào ngày 4/2, Bách vẫn không tin kết quả đó là sự thật. Khi đang đi kiểm tra máy tính cùng các bạn, Bách nhận được email thông báo kết quả, em đã kiểm tra trên cả 3 website uy tín để biết… bản thân không nhìn nhầm.

Ngay sau đó, các bạn hò reo vui mừng, gửi lời chúc đến Bách. Trong ngày, thầy Hiệu trưởng cũng gọi điện chúc mừng thành tích mà em đạt được. Còn chị Đặng Diễm Hương - mẹ của em tâm sự, điểm số trên như một món quà nhỏ của gia đình trước thềm năm mới. Chị và gia đình vỡ òa trong hạnh phúc và “xin phép” con được “flex” trên MXH. Gia đình chị nhận được sự động viên, lời chúc mừng từ người thân, bạn bè rất nhiều.

Từ nhỏ, Hàn Bách đã được gia đình tạo điều kiện cho học tiếng Anh. Tuy nhiên, trình độ của em chưa thật sự nổi bật. Chỉ sau chuyến đi Mỹ một mình năm học lớp 6, nam sinh mới thật sự bứt phá. Dù lần đầu ra nước ngoài không có bố mẹ bên cạnh nhưng Hàn Bách không hề thấy lo sợ, em tự tin bay sang Hàn Quốc rồi mới qua Chicago (Mỹ) với thời gian bay là hơn 1 ngày.

Bách đã có kỳ nghỉ hè thú vị bên Mỹ với người thân. Sau hơn 1 tháng, trình độ ngoại ngữ của em cải thiện rõ rệt. Bách quay trở về với khả năng Nói phát triển nhanh vượt bậc, phá bỏ mọi rào cản trước đây. Tiếng Anh như ngấm vào Bách, giúp cách phát âm của em chuẩn hơn.

Nam sinh Hà Nội tâm sự: “Ngoài mục đích sang Mỹ tận hưởng kỳ nghỉ hè bên người thân, em cũng nhắc nhở bản thân phải nâng cao trình độ tiếng Anh. Thế nên, dù người thân của em có thể nói tiếng Việt nhưng em luôn ‘ép’ mình phải trao đổi bằng tiếng Anh. Thật sự chuyến đi để lại cho em nhiều kỷ niệm khó quên, em nhớ mãi về buổi cắm trại náo nhiệt, trại tập hát, các trò chơi được tham gia cùng anh chị họ,...

Tất cả mọi thứ đến một cách tự nhiên, và ngoại ngữ cải thiện cũng vậy, đến mức em không thể nhận ra sự khác biệt rõ rệt”.

photo-3-1709025806626884029370.png

Hàn Bách cũng tâm sự về dự định tương lai, em thích được đi du học ở Bắc Âu vì đây là nơi có dịch vụ an sinh, nền công nghiệp, khoa học,... đặc biệt phát triển. Ngành học mà nam sinh muốn theo đuổi là Vũ trụ và Năng lượng nguyên tử.

“Nhắc đến Mỹ, Anh, Pháp, người ta thường nghĩ đến những startup hay những công trình to lớn, vĩ đại, định giá cả tỷ USD. Nhưng cũng là các công trình khoa học thì ở Bắc Âu có tính thực tế, thiết thực và dễ thực thi hơn. Nếu có khả năng trở nên vĩ đại thì em muốn làm những điều nhỏ bé để hỗ trợ cho loài người, vì thế em chọn Bắc Âu”, Bách hào hứng cho biết.

Để sớm chinh phục giấc mơ du học, trong thời gian tới, Bách sẽ đăng ký thi thêm bài đánh giá năng lực SAT. Ngoài ra, em cũng có dự định học thêm tiếng Pháp để phục vụ cho sở thích cũng như công việc sau này.

Học tiếng Anh một cách thụ động là phương pháp tốt nhất

Ngay từ nhỏ, Bách đã có môi trường học tiếng Anh lý tưởng. Trước khi thi IELTS, Bách từng tham gia nhiều kỳ thi ngoại ngữ khác và đạt kết quả đáng tự hào. Những kỳ thi đã tham gia thật sự đã mang đến Hàn Bách nhiều bài học quý để chinh phục IELTS, cũng như giúp em giữ vững tinh thần, tránh lo lắng, hoang mang.

Ngoài ra, khi đăng ký thi chứng chỉ IELTS, Bách luôn tự nhủ, đây chỉ là một trải nghiệm để đánh giá năng lực ngôn ngữ, chứ không đặt nặng điểm số, thành tích.

Bách chia sẻ, vào những năm học cấp 2, em có tham gia các khóa học tiếng Anh của một trung tâm Anh ngữ nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Sau khi lên bậc THPT, em hoàn toàn không đi học thêm, chỉ học chương trình ở trường và tự trau dồi các kỹ năng tiếng Anh ở nhà.

Kỹ năng Bách khiêm tốn tự nhận kém nhất đó là Viết với số điểm 8.5. Với Task 1, bài thi yêu cầu diễn đạt sơ đồ, người thi cần chia bố cục bài viết logic, hợp lý theo hướng ngang - dọc, trên - dưới. Cách viết này cũng giúp chúng ta dễ dàng so sánh giữa các ý, tránh bỏ sót ý. Với Task 2, Bách đưa ra lời khuyên các bạn nên luyện nghe tranh biện bằng tiếng Anh mỗi ngày để tăng khối lượng từ vựng, giúp cách diễn đạt phong phú, mượt mà. Bài thi viết có thời gian làm là 60 phút. Lưu ý trong quá trình luyện tập là mọi người nắm vững phong cách của bài viết, cách phân đoạn, cách làm rõ ý.

Về kỹ năng Nói - đây là kỹ năng Bách tự tin nhất, em đã đạt số điểm tuyệt đối 9.0. Mẹo để giúp người học có thể nói giỏi, nói hay là tham gia tranh biện nhiều. Ngoài ra, các bạn cần tích cực nói chuyện với người nước ngoài và những người có kỹ năng Nói vượt trội. Bách thường trò chuyện với các bạn, anh chị của mình bằng tiếng Anh để rèn luyện phản xạ ngôn ngữ.

Hàn Bách chia sẻ quan điểm: “Với phần thi Nói, nếu các bạn muốn đạt điểm 8,5 hay 9.0 thì bạn phải có khả năng nói tự nhiên nhất có thể. Vừa qua, em thấy trên MXH xuất hiện nhiều tranh cãi về vấn đề ‘săn’ Tây để rèn luyện kỹ năng Nói. Một mặt em thấy đó là điều tốt vì sẽ giúp chúng ta nâng cao khả năng nhanh chóng. Tuy nhiên, điểm hạn chế là sẽ khiến người khác cảm thấy bị làm phiền, khó chịu, đặc biệt là khách du lịch.

Nhìn ở góc độ tích cực, chúng ta đừng nên dùng từ ‘săn’ Tây, hãy hiểu đơn giản là kết bạn với một người nước ngoài và học hỏi tiếng Anh từ họ. Chúng ta đừng tạo tâm lý ‘phải học’, ‘phải nói’, đừng ép bản thân như vậy thì cuộc trò chuyện sẽ trở nên thân mật, gắn kết hơn nhiều”.

photo-2-17090258017151289070895.png

Về kỹ năng Đọc và Nghe, đây là 2 kỹ năng dễ rèn luyện, trau dồi nhất, chỉ cần bạn chăm chỉ. Về phần Đọc, khi đi thi, các bạn cần lưu ý đọc để lấy nội dung, đọc lướt nhanh sẽ dễ dàng đạt điểm cao. “Các bạn yêu thích tìm hiểu nội dung gì thì nên tìm tài liệu bằng tiếng Anh, thay vì tiếng Việt. Đây là cách rèn luyện kỹ năng Đọc hiệu quả. Các tài liệu nước ngoài khá phong phú, thú vị, có đủ mọi lĩnh vực như Khoa học, Sinh học, Nghệ thuật,...”, nam sinh Hà Nội bật mí.

Về kỹ năng Nghe, Bách khuyên mọi người cần hiểu bản chất vấn đề, chứ không nên áp dụng mẹo “nghe tìm từ”. Với mọi kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết, Hàn Bách khẳng định bản thân em không học tủ, học theo mẹo mà học theo cách tự nhiên để ngôn ngữ thấm nhuần theo năm tháng. Tức là hàng ngày, em sử dụng tiếng Anh để tìm đọc tài liệu, tìm kiếm thông tin, nghe nhạc, xem phim,... Dần dần, em trở nên yêu thích tiếng Anh, chứ không hề ép bản thân học kiểu nhồi nhét kiến thức. Và cách học này cũng giúp Bách cảm thấy việc học ngôn ngữ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng, không áp lực.

“Em chưa bao giờ cố gắng học tiếng Anh, em chỉ coi nó là cuộc sống, là hơi thở của mình. Một số kênh Youtube em thường nghe hàng ngày là CGP Grey, OverSimplified, Kurzgesagt - In a Nutshell,... Với điểm 9.0 IELTS, em không coi đó là điều gì kinh khủng, lớn lao, em chỉ hào hứng vì với kết quả đó, em sẽ được chấm thi IELTS cho người khác”, nam sinh bày tỏ.

photo-1-1709025798207486052848.png

“Cảm ơn bố mẹ vì đã luôn tôn trọng ý kiến của con”

Hàn Bách chia sẻ, gia đình chính là nền tảng giúp em có thể đạt được những thành tựu trong học tập. Với cả bố và mẹ, em đều có thể chia sẻ chuyện trường lớp, chuyện riêng tư, định hướng tương lai.

Nam sinh Hà Nội tâm sự: “Về chuyện học tập, em thường hỏi ý kiến của bố bởi bố là thần tượng của em, trước đây bố cũng có thành tích học tập đáng nể. Vì thế nên càng nhìn vào bố, em càng tự nhủ bản thân phải nỗ lực nhiều hơn. Đây là áp lực mà em tự đặt ra cho mình, chứ bố mẹ em chưa bao giờ gây áp lực hay so sánh. Còn những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống, em sẽ tâm sự với mẹ bởi mẹ nhẹ nhàng và có sự đồng cảm, kiên nhẫn, cũng như đưa ra được lời khuyên hữu ích”.

Chị Đặng Diễm Hương - mẹ của Hàn Bách cho biết, để các con có thể tâm sự, coi bố mẹ là những người bạn thì vợ chồng anh chị luôn đặt niềm tin vào con. Điều thứ hai, chị sẽ ủng hộ những việc con muốn, không chỉ về học tập mà tôn trọng cả những sở thích, quan điểm, góc nhìn của con. Sự kết nối giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn con đến tuổi dậy thì.

“Tôi lựa chọn giúp con nhưng đó phải là những điều con yêu thích, đồng ý, đồng thuận mới đem lại kết quả tốt, chứ không phải đem những thứ bố mẹ muốn áp đặt vào con. Cách giao tiếp trong nhà cũng cần lựa chọn, ngay cả khi con mắc lỗi sai, tôi cũng chấp nhận. Bởi việc xảy ra không thay đổi được kết quả, điều quan trọng là con nhận được gì từ lỗi sai. Chứ làm sai thì người lớn cũng thường mắc nên đây là chuyện rất bình thường”, chị Diễm Hương chia sẻ phương pháp giáo dục con.

Ảnh: NVCC

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022