Lĩnh vực khát nhân lực

Theo quy hoạch phát triển kinh tế Việt Nam nhiều năm qua, công nghệ thông tin (CNTT) vẫn luôn là một trong những ngành mũi nhọn để nước ta sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong tất cả các ngành và lĩnh vực. Tại rất nhiều thành phố, lĩnh vực này đem tới tốc độ tăng trưởng cao, góp phần trọng yếu vào quá trình phát triển chung.

Là một trong những thành phố xác nhận CNTT là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, TP. Đà Nẵng cho biết, ở đây hiện có khoảng 44.000 nhân sự, phần lớn là phần mềm và nội dung số. Giai đoạn 2022 - 2025, Đà Nẵng cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân sự/năm, giai đoạn 2026 - 2030 cần thêm 8.000 nhân sự/năm.

Không chỉ riêng tại Đà Nẵng, thị trường lao động CNTT của cả Việt Nam đều đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi làn sóng đầu tư nước ngoài mang tới nhiều cơ hội lớn. Việt Nam đang thu hút các công ty IT lớn trên thế giới và trong khu vực đầu tư, nên các hoạt động tuyển dụng và xây dựng đội ngũ kỹ sư phát triển sản phẩm, dịch vụ được đẩy mạnh.

Đồng thời, làn sóng chuyển đổi số tại Việt Nam cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Các đơn vị kinh doanh truyền thống cũng bước vào mô hình thương mại điện tử. Do đó, họ rất cần bổ sung nhân sự IT vào bộ máy vận hành của doanh nghiệp.

Điều này đã tạo nên thiếu hụt nhân sự IT của thị trường. Ông Đinh Việt Hưng, Giám đốc khối công nghệ Tập đoàn One Mount (quận 1, TP HCM), cho rằng nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ đang rất cao. Nhu cầu nhân sự IT sẽ còn tăng trong ít nhất 15 năm tới.

photo-2-1671364168550116875507.jpg

Thu nhập luôn hấp dẫn, nhiều vị trí lương cao

Theo báo cáo "Mức lương và mong đợi nghề nghiệp của chuyên gia IT 2022-2023" từ ITviec, 1.257 nhân sự ngành CNTT tại Việt Nam (16/8 đến 9/9) đã cho thấy, IT vẫn là một trong những ngành nghề hấp dẫn nhất hiện nay vì có mức thu nhập ổn định, thu hút sự quan tâm từ người lao động Việt Nam.

Tất cả vị trí trong khảo sát có kinh nghiệm trải dài từ dưới một năm đến hơn 8 năm, mức thu nhập hàng tháng từ 10 triệu đồng trở lên. Con số này cao hơn thu nhập bình quân tháng của người lao động Việt Nam trong quý III/2022 là 6,7 triệu đồng mỗi tháng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Cũng theo số liệu từ khảo sát này, các vị trí liên quan đến Game và Management - Consulting đem lại mức thu nhập cao hơn các vị trí khác. Nhân viên Game Developer chưa đầy một năm kinh nghiệm có thể đạt mức thu nhập 19 triệu đồng mỗi tháng. Mức thu nhập cho vị trí này cũng tăng đều theo số năm kinh nghiệm trong ngành. Game Developer đã làm việc hơn 5 năm có thể được trả lương hơn 30 triệu đồng mỗi tháng.

Đáng chú ý, Quản lý dự án (Project Manager hoặc Project Leader) là một trong những vị trí đem lại mức lương cao so với mặt bằng chung. Một Quản lý dự án chưa đầy một năm kinh nghiệm có thể nhận mức lương 19,5 triệu đồng mỗi tháng, trong khi các vị trí còn lại chỉ đem lại thu nhập 11-13 triệu đồng. Từ 5 đến 8 năm kinh nghiệm, vị trí Quản lý dự án cũng được trả mức lương lên đến 44,5 triệu đồng/tháng.

Theo kết quả từ báo cáo của ITviec, một chuyên gia CNTT với 7 năm kinh nghiệm và sử dụng thành thạo ngôn ngữ lập trình SWIFT (dùng để phát triển iOS và OS X) có khả năng đạt mức thu nhập lên đến 50 triệu đồng/tháng.

Còn trong báo cáo "State of Software Delivery 2022" (tạm dịch: Phân phối phần mềm năm 2022) của CircleCI, các ngôn ngữ TypeScript, Python và Go nằm trong top 5 ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất thế giới. Với chuyên gia thành thạo Go trên 5 năm kinh nghiệm có thể nhận lương 40 triệu đồng/tháng.

photo-1-167136416695143596920.jpg

Nâng cao chất lượng lao động: Học CNTT ở đâu tốt?

Ngành nghề khát nhân lực là thế nhưng theo khảo sát của Viện Chiến lược CNTT Bộ TT-TT cho thấy, chỉ có khoảng 15% sinh viên (SV) CNTT mới tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Còn lại là 72% SV không có kinh nghiệm, thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng mềm.

Theo PGS-TS Lê Thành Bắc, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, thực tế nhân lực CNTT ở các trường trên cả nước về số lẫn chất lượng đều chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội (đặc biệt là kỹ sư chất lượng cao), do kinh tế số phát triển nóng.

Trong khi đó, quy mô đào tạo của các trường cần lộ trình, bị ràng buộc điều kiện chỉ tiêu, tuyển giảng viên CNTT đã khó lại bị chảy máu chất xám sang doanh nghiệp lương cao, môi trường thông thoáng. PGS-TS Lê Thành Bắc cho biết dù nhà trường hợp tác với doanh nghiệp nhưng vẫn tồn tại nhiều thỏa thuận mang tính hình thức, thiếu cơ chế ràng buộc và phối hợp xử lý phát sinh nên hiệu quả chưa cao.

Danh sách các trường đại học đào tạo CNTT nổi tiếng có thể kể đến như là:

Đại Học FPT,

Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM,

Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội,

Đại học Bách khoa TP.HCM,

Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM,

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông,

Đại học Bách Khoa Hà Nội,

Học viện Kỹ thuật Quân sự (Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn),

Đại học Công Nghệ (UET) – Đại Học Quốc Gia Hà Nội…

Chủ yếu ngành CNTT thường tuyển sinh khối A00 (Toán, Lý Hóa) và khối A01 (Toán, Lý, Anh). Đối với khối A00, đây là khối có nhiều học sinh lựa chọn nhất và có rất nhiều trường đã và đang sử dụng khối này để xét tuyển học sinh vào ngành CNTT.

Tổng hợp

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022