Theo kế hoạch ngày 12/10, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Chủ biên sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, trả lời trực tuyến VnExpress. Do bận việc đột xuất, ông Hùng không thể tham gia. Ngày 21/10, ông đã trả lời một số trong hơn 800 câu hỏi độc giả gửi về, tập trung về bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
- Khi biên soạn sách giáo khoa lớp 1, Ban biên soạn căn cứ vào đâu để đánh giá mức độ tiếp thu của học sinh và đã nghiên cứu cụ thể tại các vùng miền khác nhau thế nào?
-Việc biên soạn sách giáo khoa lớp 1 trước hết căn cứ vào Chương trình môn học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 12/2018. Sách phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần đạt mà chương trình đề ra, đồng thời phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh. Nói cách khác, dung lượng và độ khó của các bài học cần bảo đảm vừa sức với học sinh.
Khi biên soạn sách, chúng tôi coi sự phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh là ưu tiên hàng đầu. Để bảo đảm điều này, trước hết chúng tôi tham vấn các giáo viên đang trực tiếp đứng lớp. Ngoài một số giáo viên tiểu học ở Hà Nội được mời tham dự thường xuyên các cuộc họp triển khai biên soạn sách, chúng tôi còn xin ý kiến tư vấn của nhiều cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học ở Quảng Trị và TP HCM.
Tiếng Việt 1 đã được tổ chức dạy học thử nghiệm ở một số trường tại Hà Nội, ở các quận nội thành (Hà Đông, Bắc Từ Liêm) và huyện ngoại thành (Sóc Sơn). Lựa chọn ưu tiên là những trường thuộc địa bàn khó khăn để đo lường được chính xác hơn những thách thức từ thực tiễn đối với sách mới. Tiến độ dạy học và độ khó của các bài học đều được xem xét qua thực nghiệm.
Các ngữ liệu có thể khó đối với học sinh đều được chúng tôi nhờ giáo viên cho học sinh lớp 1 đọc và thử trả lời câu hỏi để kiểm tra khả năng hiểu. Số âm chữ và vần trong mỗi bài, ngoài căn cứ vào việc dạy thực nghiệm, chúng tôi còn dựa vào kinh nghiệm biên soạn sách giáo khoa dạy Tiếng Việt ở Việt Nam qua các giai đoạn.
Chẳng hạn, Tiếng Việt 1 của chúng tôi có nhiều bài 3 vần. Trước đây, ở Việt Nam từng có một số sách thiết kế nhiều bài 3 vần như vậy. Sách Học vần lớp 1 do bà Nguyễn Thị Nhất chủ biên (1977) có đến 17 bài 3 vần. Trước đó, ở miền Nam, sách Em học vần (1969 và 1971), phần vần chỉ có 25 bài, trong đó có 24 bài thiết kế 3-6 vần. Nhờ vậy, với cuốn sách này, giai đoạn học âm chữ và vần kết thúc trong hơn 4 tháng.
- Vì sao tôi không thấy bóng dáng của các bộ sách trước đây trong sách giáo khoa mới?
- Nếu đọc kỹ có thể thấy sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống kế thừa rất nhiều kinh nghiệm của các bộ sách giáo khoa Tiếng Việt trước đây. Hệ thống âm chữ và vần thì vẫn phải dựa vào hệ thống âm chữ và vần của tiếng Việt, không thể khác.
Bên cạnh nhiều đổi mới để có được một bộ sách dạy tiếng hiện đại, chúng tôi đã học hỏi khá nhiều kinh nghiệm của các tác giả đi trước. Chẳng hạn, hoạt động nói và nghe ở tập một sách Tiếng Việt 1 mới đã kế thừa sách Tiếng Việt 1 năm 2000, nhưng thay đổi ở cách thức kết nối với nội dung khác của bài học. Nhiều bài đọc quen thuộc với học sinh qua nhiều thế hệ cũng có trong sách mới của chúng tôi như các tác phẩm của Thanh Tịnh, Huy Cận, Phan Thị Thanh Nhàn, Tô Hà, Hoàng Minh Chính, Lê Huy Hòa, Thạch Quỳ...
Tuy nhiên, ngữ liệu mới vẫn là chủ yếu vì yêu cầu giáo dục có nhiều nội dung mới như chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường, kỹ năng sống, bình đẳng giới... Có nhiều bài học cùng chủ điểm với sách trước đây như gia đình, nhà trường nhưng ngữ liệu cũng cần thay đổi để phù hợp với thực tiễn đời sống của trẻ em Việt Nam ngày nay.
Sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, không dạy hết tất cả vần ở học kỳ 1 như nhiều người nghĩ mà vẫn để 27 vần sang học kỳ 2, nhưng không dạy các vần riêng biệt mà cài đặt vần mới vào các văn bản trọn vẹn. Các bài 3-4 vần ở học kỳ 1 hầu hết gồm những vần đơn giản và giống nhau về cách đọc và chữ viết. Trên cơ sở một vần đã học, ví dụ vần "on", học sinh có thể vận dụng cách đánh vần o - nờ - on để đánh vần các vần "ôn", "ơn". Nhìn kỹ trang sách thì sẽ thấy số lượng các tiếng, từ ngữ học sinh cần đọc và viết trong những bài này không nhiều hơn so với các bài 2 vần. Những bài kiểu này chúng tôi ưu tiên lựa chọn để dạy thực nghiệm. Kết quả, học sinh học rất hiệu quả.
Ý kiến cho rằng những bài 3-4 vần học sinh phải học nặng gấp đôi là hoàn toàn không có cơ sở. Nhờ kỹ thuật thiết kế bài học có tham khảo kinh nghiệm biên soạn sách Tiếng Việt 1 trước đây, chúng tôi rút ngắn được thời gian học vần mà vẫn phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh, tạo cho các em cơ hội phát triển kỹ năng suy luận, phát huy được vốn ngôn ngữ nói vào việc học đọc và viết.
- Tôi có con chuẩn bị vào lớp 1, hiện tại nếu theo chương trình sách thì cải cách và đổi mới liên tục. Nếu nhà có 2 anh em thì không thể học cùng bộ sách được. Phụ huynh chúng tôi ngày xưa đi học một buổi, về ôn bài một buổi không học thêm vẫn phát triển cả thể chất tinh thần và kiến thức. Ông nghĩ sao về việc này?
- Trước hết, tôi muốn đính chính rằng chương trình và sách giáo khoa không cải cách và đổi mới liên tục. Sách giáo khoa lớp 1 đã dùng 20 năm, thường được gọi là sách giáo khoa năm 2000. Quãng thời gian 20 năm này dài hơn chu kỳ dùng sách của nhiều nước như Hàn Quốc, Phần Lan vì họ thường đổi mới theo chu kỳ khoảng 10 năm. Như vậy, chu kỳ 20 năm của chúng ta là khá lâu. Có lẽ, ý kiến cho rằng sách đổi mới liên tục là do một số thử nghiệm tài liệu dạy học (chứ không phải đổi mới chương trình và sách giáo khoa) trong thời gian qua.
Ngày xưa, anh chị em có thể chỉ cách nhau 2-3 năm, bây giờ cách nhau nhiều năm khá phổ biến nên việc anh chị để lại sách cho em không thuận lợi như trước. Bên cạnh đó, điều kiện sống hiện nay tốt hơn nên phần lớn gia đình cũng muốn mua sách giáo khoa mới cho con. Tuy nhiên, nói như vậy không phải sách giáo khoa học một năm rồi bỏ đi. Nhiều học sinh vẫn có thể dùng lại sách cũ được tặng bởi theo quy định mới, học sinh không điền, viết, làm bài tập vào sách giáo khoa và được khuyến khích giữ gìn sách để tặng lại cho các em lớp sau.
Trước kia, học sinh chỉ học một buổi, vẫn có thời gian chăn trâu, cắt cỏ và lớn lên thành công vì nội dung giáo dục và tiến độ học phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực của ngày đó. Bây giờ, ngoài những kiến thức mới được bổ sung theo đà phát triển của khoa học và công nghệ, học sinh còn phải học nhiều môn và nội dung giáo dục khác như ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật, kỹ năng sống, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới... Nếu sử dụng sách giáo khoa ngày xưa với tiến độ như cũ thì nguồn nhân lực trong tương lai sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Chúng ta không nên nghĩ rằng con mình vừa học vừa chơi mà vẫn đủ kiến thức, kỹ năng để có công ăn việc làm tốt. Nếu không đặt ra áp lực cho việc học thì nguồn nhân lực rất khó đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Không chỉ Việt Nam, các nền giáo dục đều phải đổi mới, đặt ra yêu cầu cao hơn với người học. Vấn đề là học sinh phải được học những điều thực sự hữu ích và chịu áp lực vừa phải. Đấy là tôi đang nói về việc dạy học ở phổ thông nói chung. Còn đối với lớp 1 thì tôi nhất trí với quan điểm không nên bắt các cháu học nhiều thứ mà nên ưu tiên cho việc bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách, rèn luyện thể chất và phát triển một số kỹ năng thiết yếu, trong đó có kỹ năng ngôn ngữ.
Xin nói thêm, tôi cũng không đồng tình với việc có quá nhiều sách giáo khoa cho học sinh lớp 1. Trên thế giới không có nước nào có sách giáo khoa lớp 1 cho môn Giáo dục thể chất (về căn bản vẫn là môn Thể dục như lâu nay) và những hoạt động giáo dục như Hoạt động trải nghiệm. Tôi từng có ý kiến trên nhiều diễn đàn về vấn đề này. Cần phải kiểm soát lượng sách các loại vào nhà trường để không tăng gánh nặng lên học sinh.
PGS TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: Thanh Hằng
- Theo khuyến cáo của ngành giáo dục, tôi không cho con học trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên đi học được mấy tuần, cháu vẫn chưa đọc được các vần trong sách, từ đó có cảm giác tự ti. Cháu đã học cả ngày trên trường, tối về hai bố con đánh vật đến 11h đêm mà vẫn không giải quyết hết đống bài học. Vậy xin hỏi phó giáo sư là sách giáo khoa giảm tải ở khâu nào?
- Tôi rất thông cảm với phụ huynh và giáo viên năm nay. Covid-19 làm các cháu học mầm non phải nghỉ học 3 tháng, không được học chương trình tiền tiểu học, còn giáo viên bị rút ngắn thời gian tập huấn sách giáo khoa mới. Thầy cô còn lúng túng với sách mới nên học sinh cảm thấy khó khăn là điều dễ hiểu. Do đó, những điều phụ huynh nêu hoàn toàn có cơ sở và chúng tôi rất chia sẻ.
Tuy nhiên, đổi mới ngay trong hoàn cảnh khó khăn cũng không có nghĩa là ép học sinh học dồn. Theo cách thiết kế của Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, phần âm chữ học rất chậm. Sách cũ học 6 tuần, sách Tiếng Việt 1 mới có 7 tuần, gồm tuần đầu tiên chỉ học tô, viết các nét đơn giản và làm quen với các con chữ. Đến tuần thứ hai, các em mới học chữ a, số lượng các âm chữ cần học, số tiếng, từ cần đọc và viết ở mỗi bài trong suốt 6 tuần không có sự khác biệt đáng kể so với sách cũ trong khi thời gian được tăng thêm 2 tiết/tuần.
- Tôi thấy những ngày qua mọi người tranh cãi về việc sử dụng từ ngữ địa phương trong sách giáo khoa. Trong bộ sách ông chủ biên, ngôn ngữ được dùng là gì và sách giáo khoa nên dùng ngôn ngữ nào cho phù hợp?
- Ngôn ngữ dùng trong sách giáo khoa cấp tiểu học được chương trình quy định là "phải được chọn lọc trong phạm vi vốn từ văn hóa, có ý nghĩa tích cực, đảm bảo mục tiêu giáo dục phẩm chất, ngôn ngữ, thẩm mỹ và phù hợp với tâm lý học sinh". Tuy nhiên, chương trình không giới hạn chỉ được dùng những từ mà cả nước đều sử dụng.
Chẳng hạn chúng ta có từ lợn và heo, đậu phụng và lạc. Dùng từ nào thì cũng không bao quát được hết phạm vi các vùng miền trên cả nước. Vì vậy, ngoài những từ toàn dân cả nước đều dùng, tôi nghĩ sách giáo khoa vẫn được dùng một số từ thuộc phương ngữ nếu những từ đó được "phủ sóng" trên một phạm vi tương đối lớn.
Trong sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, số lượng từ địa phương chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 10-20 từ, nhưng đó cũng là những từ phổ biến trên một địa bàn lớn. Chẳng hạn, chúng tôi sử dụng một số từ như cá hố, quả muỗm. Quả muỗm phổ biến tại miền Bắc, được coi là phương ngữ. Tương tự, cá hố chỉ phổ biến ở miền Trung từ Quảng Bình đến Phú Yên. Hai từ này tuy là phương ngữ nhưng phổ biến trên một phạm vi không gian tương đối lớn, lại đáp ứng yêu cầu về ngữ liệu của bài học.
Giới thiệu cho học sinh các vùng khác biết về cá hố, quả muỗm cũng là điều cần thiết để các em được tăng thêm vốn từ và hiểu biết về cuộc sống. Khi đưa phương ngữ vào sách, chúng tôi chỉ lấy danh từ và có kèm theo hình ảnh minh họa. Sách dạy tiếng nên hạn chế tối đa sử dụng từ ngữ địa phương là đại từ, tính từ, động từ, phụ từ...
- Triết lý giáo dục của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống là gì?
- Ngay từ cái tên "Kết nối tri thức với cuộc sống" đã thể hiện triết lý giáo dục của bộ sách. Các bài học trong sách được lấy chất liệu từ cuộc sống của học sinh. Ngay từ tập 1, ngữ liệu được dùng rất gần gũi với những tình huống giao tiếp và trải nghiệm của trẻ.
Cách thiết kế các bài học cũng nhằm đến việc giúp học sinh cảm nhận việc học tiếng Việt gần với giao tiếp tự nhiên hàng ngày. Ngay từ bài 1 khi học chữ a, các em được nói câu "Nam và Hà ca hát". Nhiều người băn khoăn tại sao lại để học sinh đọc một câu quá dài ngay bài đầu tiên. Tuy nhiên, các em không phải tự đọc mà chỉ nói hoặc đọc theo thầy cô sau khi đã xem tranh và nói về những gì xem được.
Cách giới thiệu các âm chữ hoặc vần thông qua một câu trọn vẹn gắn với những hình ảnh sinh động, thay vì thông qua các từ ngữ rời, được chúng tôi học hỏi từ sách giáo khoa Tiếng Việt trước đây. Năm 2014, sách giáo khoa dạy tiếng của Phần Lan, nhà xuất bản Otava, cũng giời thiệu các âm chữ cần học theo cách này.
Sách Tiếng Việt 1, bộ Kế nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: Thanh Hằng
- Tôi xin được trình bày một vài thắc mắc về cuốn sách Tiếng Việt của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống như sau: Khi dạy các nguyên âm đôi (ia, ua, ưa,...) thì cho học sinh đánh vần, đọc trơn như thế nào? Bài 14 ch - kh (trang 40), trong bảng phân tích tiếng "khỉ" tại sao có dấu hỏi ở trên chữ i trong khi các tiếng khác bỏ hết dấu thanh đi? Bài 16 m, n (trang 44), sao lại dạy âm m trước n trong khi nếu dạy vậy thì khi dạy viết sẽ gặp khó khăn hơn vì chữ m có cấu tạo nhiều nét hơn?
- Về đánh vần, học sinh được đánh vần bình thường i-a-ia, tương tự với ua, ưa. Với bảng phân tích tiếng "khỉ", đây là lỗi về chế bản. Đúng ra chữ i không có dấu hỏi ở phía trên trong mô hình âm tiết. Lỗi này chỉ có ở một số sách in đợt đầu tiên, sách in đợt sau không còn lỗi nữa.
Còn về hai chữ m và n, khi học đến bài này, việc viết chữ nào trước không còn quan trọng nữa. Trước đó, trẻ đã học viết chữ b khó hơn rất nhiều. Việc xếp chữ m trước n tuân thủ theo nguyên tắc trật tự các con chữ trong bảng chữ cái.
Một số người nói sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, đưa nhiều từ khó, chẳng hạn trong phần luyện đọc có "gụ", "ngót", "hoạt", "khoát"... Tôi nghĩ đã có sự hiểu lầm ở đây. Các tiếng này không được đưa vào sách với tư cách là từ mà chỉ được dùng làm ngữ liệu để học sinh luyện đánh vần và đọc trơn. Về nguyên tắc, các tiếng này có thể vô nghĩa, nhưng chúng tôi luôn cố gắng chọn tiếng có nghĩa. Phần này chỉ để giúp học sinh luyện đọc các tiếng chứa vần mới học, không đặt ra yêu cầu học sinh hiểu nghĩa, do đó cũng không tính đến việc những tiếng này có dễ hiểu, có phải thuộc phương ngữ hay không.
- Con tôi đang học bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Sau 5 tuần, cháu mới thuộc bảng chữ cái. Cháu chán học, mệt mỏi còn tôi dạy cháu mà cảm giác bất lực vì mấy lý do: cháu học chậm, chương trình đã dạy đến bài 19, viết câu dài "ngõ nhỏ nhà bà". Tôi tự hỏi con mình dốt hay do chương trình, nội dung cuốn sách nhiều và nặng?
Ngoài ra, ở trang 113 sách Tiếng Việt, chúng tôi tranh cãi câu chuyện về nhân vật thỏ. Khi va vào sóc, nó nói cảm ơn nhưng khi được bác voi cứu, nó lại xin lỗi. Thực sự tôi không rõ ý đồ tác giả, xin PGS Hùng giải thích.
- Phụ huynh không nên lấy kỹ năng học vần ngày xưa để dạy con vì kỹ thuật dạy học ở mỗi thời một khác. Quý phụ huynh chỉ nên theo dõi, động viên con học tập và tăng cường trao đổi với giáo viên xem tiến độ học của con như thế nào. Nếu có hỗ trợ thì chỉ nên ở mức phù hợp, không can thiệp sâu và bắt trẻ học theo cách của mình ngày xưa.
Trong Tiếng Việt 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, học sinh cần 7 tuần mới học hết bảng chữ cái chứ không phải 5. Ngoài ra, "ngõ nhỏ nhà bà" là cụm từ, không phải câu. Bình thường, học sinh vẫn luyện viết hai từ gồm bốn tiếng nên cụm từ "ngõ nhỏ nhà bà" không dài hơn so với phần luyện viết hàng ngày trong sách mới và cũng không nhiều hơn so với số lượng chữ viết trong Tiếng Việt năm 2000. Bài 19 trong sách Tiếng Việt mới thì tương ứng với khoảng bài 23 trong Tiếng Việt 1 năm 2000. Ở bài 23 này, học sinh cũng cần viết 4 chữ (gà ri, ghế gỗ).
Câu chuyện Bài học đầu tiên của thỏ con được dùng cho tiết kể chuyện. Chuyện kể trước khi ra khỏi nhà, thỏ được mẹ dặn khi được ai giúp đỡ thì nói cảm ơn, khi gây ra lỗi với ai thì nói xin lỗi. Tuy nhiên, thỏ đã nhớ nhầm lời mẹ dặn, dẫn đến việc va vào sóc thì cảm ơn, được bác voi giúp lại xin lỗi. Qua sự nhầm lẫn đó, thỏ đã học được bài học đầu tiên về giao tiếp. Tranh in trong sách giáo khoa thể hiện tình huống thỏ nói nhầm như vậy. Văn bản truyện đầy đủ được in trong sách giáo viên, thầy cô sẽ kể và giải thích cho học sinh tình huống nhầm lẫn của thỏ.
- Mấy ngày qua, nhóm biên soạn sách của ông chịu sức ép thế nào trước phản ánh của dư luận nói chung về sách giáo khoa lớp 1 mới?
- Tôi rất quan tâm đến phản ứng của dư luận về sách giáo khoa lớp 1 nói chung trong thời gian qua. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng cảm thấy chịu áp lực. Chúng tôi hiểu sách giáo khoa là tài liệu đặc biệt, có ảnh hưởng lớn đến xã hội, vì vậy luôn chú ý lắng nghe và tôn trọng ý kiến góp ý của giáo viên, phụ huynh và công chúng nói chung.
Cho đến nay, Tiếng Việt 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, nhận được phản hồi tốt từ cán bộ quản lý và giáo viên ở các địa phương. Chúng tôi đã biên soạn cuốn sách này với tất cả tâm huyết dành cho trẻ và cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Vì vậy, nếu có sai sót thì tôi tin là không có sai sót lớn và sẽ nhận được góp ý với tinh thần xây dựng.
Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 14.000 trường tiểu học, tỷ lệ chọn bộ Cánh Diều cao nhất 32%, kế đó là Kết nối tri thức 28%, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục 8%, hai bộ sách Chân trời sáng tạo và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục mỗi bộ quanh ngưỡng 16%.
Sau một tháng đưa sách mới vào sử dụng, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây áp lực. Sách nhiều chữ, dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1.
Thanh Hằng (ghi)