Tại cuộc họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 20/10, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết thông tin trên.
Ông Độ cho hay ngày 15/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các tác giả sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều chỉnh sửa, thay đổi một số nội dung. Cụ thể, với các từ ngữ như "nhá", "nom", "chén", "cuỗm", "lỡ xô", "bê đồ", "khổ mỡ", "tợp", Hội đồng thẩm định đề nghị tác giả tìm từ ngữ khác phù hợp hơn.
Các đoạn hoặc bài gồm "Hai con ngựa", "Cua, cò và đàn cá", "Lừa, thỏ và cọp", "Ve và gà", "Ước mơ của tảng đá", "Quạ và chó" cũng được yêu cầu thay thế. Các tác giả được yêu cầu không sử dụng truyện ngụ ngôn và văn bản đã nghĩa khi thay thế các đoạn, bài trong sách. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích nhóm biên soạn chọn truyện trong kho tàng văn học Việt Nam.
Việc chỉnh sửa sách Cánh Diều được Hội đồng thẩm định báo cáo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo xem xét, phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11.
Ngoài sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, Thứ trưởng Độ cho biết cũng đang yêu cầu rà soát bốn bộ sách còn lại.
Bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM phối hợp biên soạn. Ảnh: Dương Tâm.
Thứ trưởng Độ cũng chia sẻ một số khó khăn khi triển khai sách giáo khoa mới trong năm học 2020-2021. Vì Covid-19, học sinh phải ở nhà 6 tháng (từ tháng 2 đến hết 8) nên gần như không được học nhận biết mặt chữ, làm quen và chuẩn bị tâm lý khi vào lớp 1. Các trường đều tổ chức dạy học chính thức sau ngày 5/9, học sinh không có thời gian làm quen nền nếp, tâm lý như các năm trước. Điều này rất khó khăn cho các trường tiểu học và học sinh lớp 1.
Covid-19 cũng khiến việc tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên bị gián đoạn và rút ngắn, chủ yếu thông qua trực tuyến, gây ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng, khiến nhiều thầy cô chưa thực sự tự tin khi giảng dạy sách mới. Phụ huynh cũng gặp khó khăn khi chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình do thời gian gặp gỡ, tương tác với giáo viên và nhà trường bị rút ngắn. Nhiều người thường so sánh chương trình cũ và mới, đưa ra đánh giá chưa đầy đủ, gây áp lực cho giáo viên, nhà trường.
Đưa ra các số liệu về chương trình Tiếng Việt tiểu học cũ và mới, Thứ trưởng Độ khẳng định chương trình mới không tăng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu đạt vào cuối năm học. Sách giáo khoa không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà theo chủ đề, mạch kiến thức. Giáo viên, nhà trường phải nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, đặc điểm học sinh trường mình để xây dựng kế hoạch phù hợp.
"Tốc độ dạy chương trình nhanh hay chậm có thể khác nhau giữa các trường, cùng một chủ đề nhưng có nơi dạy 2 tiết, nơi khác 3-4 tiết, miễn không vượt quá tổng thời gian môn học trong năm. Điều này lý giải vì sao có sự chênh lệch tiến độ giữa một số trường chọn cùng bộ sách", ông Độ nói.
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường phân bổ hợp lý nội dung, thời lượng dạy học giữa các môn của lớp 1. Giáo viên không giao thêm bài tập về nhà nhằm không gây quá tải cho học sinh. Trường hợp cảm thấy ngữ liệu của sách chưa phù hợp với học sinh địa phương, giáo viên và nhà trường cần chủ động tìm ngữ liệu thay thế phù hợp dưới sự hỗ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Bài 42 trong sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều. Ảnh: Trần Thành
Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới. Có 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trong đó 4 bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Riêng bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM biên soạn.
Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 14.000 trường tiểu học, tỷ lệ chọn bộ Cánh Diều cao nhất 32%, kế đó là Kết nối tri thức 28%, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục 8%, hai bộ sách còn lại quanh ngưỡng 16%.
Sau một tháng đưa sách mới vào sử dụng, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây áp lực. Sách nhiều chữ, dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1. Vài ngày sau đó, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều gây tranh cãi khi sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch không phù hợp và bị cho là "dạy thói xấu cho học sinh".
Thanh Hằng