photo1663714991406-1663714991800832067620.jpg

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Trước đó, có thí sinh thí sinh phản ánh, khi truy cập vào Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) để xác nhận nhập học thì bất ngờ thấy hiển thị trúng tuyển hàng loạt nguyện vọng. Song cũng có thí sinh gặp khó khi Hệ thống báo trượt hàng loạt nguyện vọng, dù các em đủ điều kiện trúng tuyển.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, với phần mềm xét tuyển năm nay, nếu không tính đến việc thí sinh sơ suất khi đăng ký hay điều chỉnh nguyện vọng, thì Hệ thống mới chỉ ghi nhận một lỗi hiển thị thông tin và Bộ GD&ĐT đã khắc phục xong.

Việc lùi lại lịch nộp tiền trực tuyến lệ phí xét tuyển không phải do lỗi của Bộ. Việc này thực hiện trên nền tảng thanh toán của dịch vụ công quốc gia.

Với việc phần mềm lỗi hiển thị thông tin, Bộ đã nhận được phản ánh và đã yêu cầu đơn vị chức năng khắc phục ngay từ 12 giờ 30 ngày 18/9. Tuy nhiên, khi hệ thống chạy để khắc phục sẽ mất một khoảng thời gian nhất định.

Do vậy, trong khoảng thời gian này, nếu thí sinh đăng nhập vào Hệ thống, có thể sẽ thấy một vài hiện tượng tưởng như là lỗi, nhưng thực ra không phải. Bộ có thể khẳng định để thí sinh yên tâm: Dù có lỗi hiển thị trước đó thì kết quả xét tuyển của các em không bị ảnh hưởng.

thutruonghoangminhson-887-16637150250352045099276.jpg

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho thí sinh

Ngoài ra, một vài trường hợp thí sinh nhìn thấy số liệu sai là do cơ sở đào tạo vẫn đang trong quá trình cập nhật thông tin. Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, từ 17 giờ ngày 17/9 các trường phải cập nhật xong dữ liệu, nhưng vì một số lý do mà sau thời hạn trên trường chưa cập nhật đủ.

Trước phản ánh về việc Hệ thống tự thay đổi phương thức xét tuyển; Thứ trưởng thông tin, Bộ GD&ĐT đang xác minh. Về mặt lý thuyết, không thể có chuyện đó. Kể từ thời điểm các trường bắt đầu tải dữ liệu xuống, thì thông tin trên Hệ thống không hề thay đổi. Lúc đó Hệ thống không cho phép con người tác động vào dữ liệu.

Nếu như do lỗi của hệ thống thì khó mà xảy ra duy nhất một trường hợp, mà sẽ có nhiều trường hợp khác bị lỗi tương tự. Tuy nhiên, Bộ vẫn sẽ truy vết để xác định có sự tác động từ ai đó khác (ngoài thí sinh, vì Hệ thống chỉ cho phép thí sinh sửa được thông tin của mình) trong và sau quá trình đăng ký - điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh không.

Nếu là lỗi của Bộ thì sẽ khắc phục theo hướng đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho thí sinh. Còn nếu lỗi của thí sinh thì phải tùy xem tính chất của lỗi, việc xác định tính chất lỗi này sẽ dựa vào tính logic của quá trình đăng ký - điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh.

Nếu vì thí sinh chọn sai phương thức xét tuyển mà bị trượt, thì không ai giúp được cả. Nếu thí sinh cho rằng, em chọn khác, mà hệ thống lại “nhảy” ra khác - để xác định có việc này hay không, Bộ cần có thời gian để truy vết. Sau thời gian truy vết, nếu xác định do lỗi của Bộ, thì Bộ sẽ xử lý theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của thí sinh.

Trong quá trình thực hiện trực tuyến các khâu xét tuyển, việc thí sinh phải có các thao tác như: xác thực nguyện vọng, xác thực trúng tuyển… là cần thiết, vì nó liên quan tới bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời một học sinh sau khi rời ghế nhà trường phổ thông. Các yêu cầu này nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cho thí sinh do sự bất cẩn trong quá trình thao tác trên mạng, bắt buộc các em phải kiểm tra lại các thông tin đăng ký. Quy trình này cũng nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích của thí sinh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022