GS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với VnExpress bài viết về những yêu cầu của học sinh thời nay.

Trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường 24/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên các em phải học tập và rèn luyện để phát triển toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ. Để dễ nhớ tôi tạm biểu diễn sự toàn diện đó thành công thức:

Đức + Trí + Thể + Mỹ = Con người toàn diện.

Các dấu + trong công thức trên mang hàm ý, thể hiện sự gắn bó hữu cơ giữa các yếu tố căn bản để tạo nên con người toàn diện.

GS-Tran-Van-Nhung-2241-1493889-8325-9854

GS Trần Văn Nhung.

Bước sang thể kỷ 21, thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, công thức này có gì thay đổi? 

Tôi cho rằng về cơ bản, công thức này vẫn còn giữ nguyên giá trị của nó. Có chăng là cách diễn giải sự gắn bó, các yếu tố căn bản và khái niệm con người toàn diện trong thế kỷ 21, với những điểm nhấn, với những kỹ năng sống đặc trưng mới của thời đại.

Tôi muốn diễn giải công thức trên một cách chi tiết hơn, rõ hơn với thế kỷ 21. Đó là:

Đạo đức + Trí tuệ + Sức khỏe + Kỹ năng sống +Tiếng Anh + Công nghệ thông tin = Con người lý tưởng trong thế kỷ 21.

Khi đem so sánh hai công thức trên ta sẽ thấy chúng không khác nhau mấy và đã được lồng ghép vào nhau. Kỹ năng sống đã có một phần nằm trong đạo đức, trí tuệ và sức khỏe. Nói cách khác, trong kỹ năng sống có đạo đức, trí tuệ và sức khỏe. Ba yếu tố này tạo nên kỹ năng sống và kỹ năng sống, đến lượt nó, sẽ tác động trở lại những yếu tố này.

Kỹ năng sống cùng với tiếng Anh và công nghệ thông tin đã góp một phần tạo ra trí tuệ, tạo ra nhân cách và năng lực. Kỹ năng sống + tiếng Anh + công nghệ thông tin là tập hợp những kỹ năng sống và làm việc cần thiết để cho một công dân hội nhập thành công trong thời đại toàn cầu hóa.

Trong bài thơ Thú nhàn, nhà thơ Cao Bá Quát (1808-1855) đã tiên đoán tài tình về thời đại toàn cầu hóa ngày nay: “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng”. Tôi tạm diễn giải ý nôm na của câu thơ trong thời hiện đại như sau: Một con người thông minh giàu bản ngã có thể khai thác nhiều vô tận kho tàng trí tuệ của nhân loại, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông (IT/ICT) ngày nay. Nguồn thông tin, dữ liệu, trí tuệ chung của cả loài người bằng tiếng Anh, nằm trong kho trời chung của cả thế giới. Ai khôn ngoan biết sử dụng Google, Internet thì người đó giàu có vô hạn, vì thông tin là quyền lực (information is power).

Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng với vốn tiếng Anh và công nghệ thông tin tốt là đủ cho một công dân toàn cầu ngày nay thì chưa đúng. Để hội nhập quốc tế thì tiếng Anh và công nghệ thông tin đành rằng là rất quan trọng, nhưng đấy mới chỉ là sự quan trọng của công cụ hội nhập. Cái căn bản và cái quyết định sức mạnh và hiệu quả hội nhập quốc tế của con người Việt Nam vẫn là “phần mềm” bên trong cái “vỏ” tiếng Anh và công nghệ thông tin.

Đó là sự chuẩn bị công phu, bài bản và khẩn trương về kiến thức, văn hóa, giáo dục, sự tinh thông nghề nghiệp, sự tự tin, tính khiêm tốn, sự trung thực... Nói cho gọn lại là cái phông, kiến thức văn hóa nền quyết định khả năng hội nhập, chứ không chỉ công cụ hội nhập.

Tôi cho rằng, qua giao tiếp, qua công việc ở trong nước và ngoài nước, cái mà người Việt chúng ta còn thiếu không chỉ có tiếng Anh và công nghệ thông tin, mà trước hết, trên hết và chủ yếu là văn hóa, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, kỹ năng hội nhập và hợp tác quốc tế.

Cái phông, kiến thức nền rất tổng quát nhưng cũng rất cụ thể. Khi ta đi ra, người ta đi vào để hợp tác, để làm ăn, thì văn hóa giao tiếp, văn hóa đàm đạo, văn hóa công cộng, văn hóa giao thông, văn hóa lễ tân, năng lực tiếp cận và giải quyết vấn đề... là những cái đầu tiên bạn nhìn, bạn có ấn tượng, bạn hiểu về ta.

Người xưa dạy vạn sự khởi đầu nan cũng chính là như thế. Làm sao cho những “sự khởi đầu” bớt nan giải đi. Đường hướng đã có rồi, thế giới mà cụ thể là những nước gần ta như Nhật Bản, Singapore đã thực hiện rất thành công, chúng ta cứ chần chừ mãi là sao?

GS Trần Văn NhungEmail: tvnhung@moet.edu.vn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022