Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ ý kiến về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến.
Chúng ta biết cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất gắn với công cuộc cơ khí hoá máy chạy bằng thủy lực và hơi nước. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ hai gắn với động cơ điện và dây truyền sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba là kỷ nguyên máy tính và tự động hóa.
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (cách mạng 4.0) mà cả thế giới đang sôi động hiện nay là về sản xuất thông minh dựa trên thành tựu đột phá trong các lĩnh vực: trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, mạng di động, Internet vạn vật, điện toán đám mây, máy móc tự động… với nền tảng là các đột phá của công nghệ số.
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng. |
Khái niệm "công nghiệp 4.0" được đưa ra vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover, giới thiệu các dự kiến của chương trình công nghiệp 4.0 của nước Đức. Tiếp đó, Mỹ ra Chiến lược quốc gia về sản xuất tiên tiến cho ba thập kỷ tới; Pháp có Bộ mặt mới của công nghiệp nước Pháp; Hàn Quốc có Chương trình tăng trưởng của Hàn Quốc trong tương lai; Trung Quốc là Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025; Nhật Bản là Xã hội thông minh 5.0…
Cách mạng công nghiệp 4.0 với quá trình tính toán được làm trên không gian số và kết quả tính toán này được trả lại dùng cho sản xuất trong thế giới các thực thể. Đây là thay đổi cơ bản về phương thức sản xuất của con người, sản xuất được điều khiển và hỗ trợ quyết định từ không gian số.
Chẳng hạn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, ngành học máy (machine learning) nhằm làm cho máy có thể tự học để nâng cao năng lực hành động. Học máy là việc phân tích các tập dữ liệu ngày càng lớn và phức tạp để đưa ra các quyết định hành động. Thí dụ đó là các quyết định khi chương trình AlphaGo của Google đánh thắng nhà vô địch cờ Vây; là quyết định trong các phần mềm dịch từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác hay các phần mềm nhận biết tiếng nói con người; là các quyết định chẩn đoán bệnh của hãng IBM…
Gần đây việc số hoá trong Sinh học phân tử đã trở nên dễ dàng với giá rẻ hơn rất nhiều. Một hệ gene có thể được số hóa trong vài giờ với chi phí ít hơn 1.000 USD.
Lĩnh vực Tin - sinh học - dựa vào các phương pháp của học máy để phân tích nguồn dữ liệu sinh học khổng lồ nhằm khám phá hiểu biết về sự sống đang góp phần vào những tiến bộ của công nghệ sinh học, mở ra nhiều triển vọng cho y học và nông nghiệp. Công nghệ nano cũng có những bước tiến hứa hẹn dựa vào công nghệ số.
Nhẽ nào cuộc cách mạng vĩ đại này không liên quan gì đến công cuộc đổi mới toàn diện và triệt để giáo dục nước nhà mà trước mắt là việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể?
Chúng ta đừng quên trên 200.000 cử nhân, kỹ sư đang chưa tìm được việc làm. Rất đông sinh viên hoặc học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đang khoác áo GrabBike hay UberMOTO. Với điện thoại thông minh, các em đã đánh bại các bác xe ôm truyền thống đang dùng những loại điện thoại cũ kỹ. Đấy chỉ là một chuyện rất nhỏ.
Nhìn ra nước ngoài ta thấy Tập đoàn sản xuất Foxconn của Đài Loan, nhà cung cấp chính của Apple, đã mua hàng nghìn robot để làm việc. Chỉ trong năm nay, họ đã thay thế 60.000 công nhân trong các nhà máy. Trong tương lai gần, công ty dự định sẽ triển khai một triệu robot.
Ở Việt Nam theo số liệu thống kê của trang web việc làm Vietnamworks, số lượng việc làm ngành Công nghệ thông tin được đăng tải trên website tuyển dụng này đã tăng từ 6.142 năm 2012 lên 9.846 việc làm (năm 2013) và đạt con số 14.997 vào năm 2016. Như vậy là chỉ trong 4 năm, nhu cầu việc làm ngành Công nghệ thông tin đã gia tăng tới 2,44 lần.
Không thể nào có nền kinh tế 4.0 dựa trên nền tảng khoa học công nghệ lạc hậu. Không thể nào có nền khoa học công nghệ phát triển dựa trên nền tảng giáo dục, đào tạo lạc hậu. Cuộc cách mạng công nghiệp mới hiện nay tạo ra những cơ hội ngang nhau trên phạm vi toàn cầu. Điều quan trọng nhất là ai nắm bắt được cơ hội sớm thì sẽ thành công cao hơn.
Nền giáo dục, đào tạo của chúng ta hiện có lạc hậu hay không, thực sự đang là một vấn đề lớn cần thẳng thắn trao đổi.
Về giáo dục đại học thì rõ ràng sinh viên ngày nay có nhiều cơ hội tiếp cận, tích lũy, chắt lọc cái mới, cái hay, có nhiều cơ hội để trở thành sinh viên toàn cầu. Phần thưởng cuối cùng không còn là bằng cấp trên giấy tờ nữa mà là bằng cấp theo nghĩa mở rộng, trao đổi tri thức, sáng tạo, giá trị đóng góp cho xã hội.
Giáo dục phổ thông phải chuẩn bị ra sao cho một bước tiếp theo ở bậc đại học đang thay đổi về chất và thị trường lao động rộng lớn nhưng cần đòi hỏi chất lượng cao? Doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung có nhu cầu như thế nào thì sinh viên sẽ hướng tới tìm học những nơi đáp ứng được nhu cầu đó. Các đại học, cao đẳng không đáp ứng được nhu cầu thị trường của kỷ nguyên công nghiệp 4.0 sẽ không có sinh viên.
Theo tôi hiện nay chúng ta không cần giống như Hàn Quốc khi ban đầu dạy học sinh hoàn toàn bằng sách giáo khoa dịch của Nhật Bản, nhưng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhất định không thể chẳng giống ai trên thế giới.
Về phần mình tôi thấy, 6 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, sao mà khó nhớ thế và không hiểu bằng cách nào để có thể đạt được ở từng học sinh chúng ta. Kinh nghiệm khi trao đổi với thầy trò nhiều trường trung học, tôi thấy dễ nhớ nhất và quan trọng nhất nên là: Hiếu thảo, hiếu học, mạnh khoẻ và thành đạt.
Có hiếu thảo, hiếu học mới có thể trở thành con ngoan, trò giỏi. Hiếu thảo không chỉ là yêu thương bố mẹ, ông bà, mà còn cần quý trọng thầy, cô và biết ơn những người đã hy sinh để cho mình có cuộc sống an bình hôm nay. Hiếu học là biết học cho chính mình, cho tương lai của mình và học những gì đáp ứng được cho nền công nghiệp 4.0.
Sức khỏe còn quý hơn vàng, ngoài sức khoẻ vật chất còn cần rèn luyện sức khoẻ tinh thần, nâng cao khả năng hưởng thụ âm nhạc, hội họa, văn chương…
Thành đạt không phải ở các tấm bằng mà chính là đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Việc tích hợp trong các môn học và việc dạy nghề nên có thay đổi về chất.
Về đào tạo, theo tôi nên đi theo hai hướng. Một là đáp ứng được cho các nhà máy, các công ty công nghiệp (để họ không phải đào tạo lại). Hai là phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chương trình Sinh ra từ làng của Đài truyền hình Việt Nam, với tấm gương của các tỷ phú trẻ nông thôn chắc là còn hấp dẫn gấp nhiều lần so với các bài giảng chung chung về kỹ thuật nông nghiệp.
Các chương trình bộ môn nên giao cho hội khoa học chuyên ngành xây dựng dưới sự chỉ đạo của Bộ. Về môn Giáo dục Quốc phòng, nên nghe ý kiến của hầu hết trường, là tổ chức dạy tập trung thành từng đợt chứ không học rải rác trong từng tuần.
Về các môn học, tôi xin nhắc lại là nên xem việc Toán - Tin chiếm 200 tiết trong khi Lý - Hoá - Sinh cả ba môn chỉ có 140 tiết thì liệu có thỏa đáng hay không. Có nước nào tích hợp Lý với Hóa với Sinh hay không?
Bộ không nên biên soạn Sách giáo khoa mà chỉ cần dành công sức để xét duyệt nội dung các bộ sách giáo khoa mà thôi.
Việc cho học sinh tự chọn môn học ở lớp 11 và 12 là bất khả thi và không hợp lý.
Đề nghị chỉ nên phân bốn ban Toán Lý, Hóa Sinh, Xã hội và Quản trị Kinh doanh, để chuẩn bị cho việc học tiếp hoặc rẽ ngang sang học nghề, tự tìm việc làm.
Một lần nữa tôi mong muốn Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
GS Nguyễn Lân Dũng