Trước năm 2019, việc tự chủ mở ngành và các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài chỉ phân cấp cho các đại học quốc gia, đại học vùng và 23 trường được thí điểm tự chủ. Từ 1/7/2019, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) có hiệu lực, các đại học trong cả nước nếu đủ điều kiện tự chủ được tự mở ngành đào tạo và chương trình liên kết mà không cần trình cơ quan quản lý xin chủ trương và cấp phép như trước đây (trừ nhóm ngành sức khỏe và sư phạm).

Với cơ chế trên, trong những năm gần đây, các trường đại học đã chủ động dừng tuyển sinh một số ngành không còn đáp ứng nhu cầu của xã hội và chủ động thay thế bằng các ngành mới phù hợp, cần thiết hơn trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại và xu hướng trong tương lai gần.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại hội nghị Tự chủ đại học hôm 4/8, số lượng ngành đào tạo do các trường tự chủ mở tăng lên 1,5 lần kể từ năm 2016 đến năm 2022 (từ khoảng 100 lên gần 250 ngành). Trong khi đó, số lượng ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt ngày càng giảm mạnh - hơn 3 lần trong cùng giai đoạn (xem sự dịch chuyển số lượng ngành ở biểu đồ dưới đây).

Mo-nganh-dao-tao-1511-1659691974.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1YiL3c7kVRI44rwd3GAe-w

Trả lời VnExpress hồi tháng 4, đại diện tuyển sinh của một trường đại học ở Hà Nội cho rằng việc mở thêm ngành là xu hướng tất yếu khi các đại học được trao quyền tự chủ. Dù vậy, việc các trường ồ ạt mở ngành mới gây lo ngại về khâu kiểm định chất lượng.

Những ngành mới mở với những giới thiệu hấp dẫn, dễ thu hút thí sinh. Tuy nhiên, người học chưa có căn cứ kiểm chứng chất lượng đào tạo những ngành này. Các yếu tố cơ hội việc làm, thu nhập, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động chưa được được đánh giá đầy đủ. "Nếu quản lý không chặt chẽ, dễ dẫn đến tình trạng đào tạo ồ ạt, lãng phí công sức của nhà trường, tiền bạc và thời gian của người học", chuyên gia này nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc mở ngành mới thúc đẩy các trường phải quản lý, nâng cao chất lượng bởi Luật quy định việc mở ngành đi kèm với trách nhiệm giải trình và bảo đảm chất lượng, phải đánh giá và kiểm định chất lượng ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, một số trường đại học hiện gặp khó khăn trong việc bảo đảm đội ngũ giảng viên để duy trì ngành đào tạo theo quy định.

Theo Bộ, việc phát triển các ngành mới đòi hỏi giảng viên phải cập nhật kiến thức mới và chứng minh cho các bên liên quan về năng lực thông qua các đề tài, công bố quốc tế liên quan đến ngành đào tạo mới. Đồng thời, việc cạnh tranh các giảng viên giỏi giữa các trường cũng khiến cho việc duy trì ngành đào tạo và xác định chỉ tiêu tuyển sinh ở nhiều trường gặp khó khăn.

Cùng với việc mở ngành, các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới cũng nở rộ.

Tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, các trường tự chủ phê duyệt tổng cộng 186 chương trình.

Trong số 408 chương trình liên kết đào tạo, 101 chương trình liên kết với các trường đại học tại Vương quốc Anh, 59 chương trình với Mỹ, 53 với Pháp, 37 với Australia.

Nếu phân loại các chương trình liên kết theo nhóm ngành đào tạo, tỷ lệ các chương trình trong nhóm ngành Kinh tế và Quản lý chiếm đa số với 64% (trong đó có 85/408 chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh). Các chương trình liên kết trong nhóm ngành Khoa học và Công nghệ chiếm 25%;Khoa học xã hội và nhân văn 8% và các ngành khác (như Y khoa, Dược, Luật) 3%.

Số lượng nhiều nhưng hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài còn một số hạn chế. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hạn chế đầu tiên là trong việc lựa chọn trường đối tác ở nước ngoài. Hiện có tới 62,71% đại học đối tác của các chương trình liên kết đào tạo không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (theo QS RankingTHE năm 2021).

Chất lượng tuyển sinh đầu vào của các chương trình liên kết tương đối thấp, tính cả về năng lực ngoại ngữ, kết quả học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều này thể hiện khá rõ khi điểm trúng tuyển vào chương trình liên kết đào tạo luôn thuộc nhóm thấp nhất ở mỗi trường.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng tác động lan tỏa của các chương trình này hiện chưa được như kỳ vọng. Hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam không thu được những tác động tích cực từ các chương trình liên kết, cụ thể các là không lan tỏa được chất lượng đào tạo cho các chương trình trong nước, không nâng cao được năng lực chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên. "Thực tế này đã làm mất đi ý nghĩa và sứ mệnh của các chương trình liên kết", Bộ nhận định.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022