Thầy Tiến, giáo viên Địa lý của trường THCS Đồng Tiến, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, được điều động ra xã đảo Thanh Lân dạy học thêm từ năm 2020, cùng một số giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục.

Theo thầy giáo 36 tuổi, khó khăn lớn nhất là đi lại, đặc biệt những hôm có gió mùa Đông Bắc (từ tháng 11 đến tháng 3). Thầy Tiến nhớ lần là hành khách duy nhất trên chuyến tàu giữa sóng to năm ngoái. Tàu rung lắc, hất văng đồ đạc xuống sàn, trong khi thầy chao đảo, phải bám tay lên trần tàu.

"Cũng sợ nhưng đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của tôi với học trò", thầy Tiến chia sẻ.

-7378-1663061183.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CdPNWy3SXdUCm5h_tFu56w

Thầy Tiến (áo trắng) hướng dẫn học sinh trường THCS Đồng Tiến học bài trong khuôn viên trường năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo số liệu của Tổng cục Tống kê, trong 10 năm 2012-2022, tổng số học sinh cả nước tăng 4 triệu, từ 17,8 lên 21,8 triệu, tương đương 22,51%. Trong khi đó, số giáo viên tăng 8,7%. Nếu tính riêng bậc phổ thông, học sinh tăng hơn 21% còn giáo viên giảm 4,05% (từ 847.500 xuống 813.200).

Nhiều địa phương thuê giáo viên về hưu, hợp đồng với sinh viên mới ra trường hay cử giáo viên chuyên biệt ở tiểu học lên dạy THCS hoặc từ THCS xuống dạy tiểu học như một giải pháp tạm thời.

Nhiều năm qua, cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên âm nhạc ở tỉnh Hòa Bình, được điều động dạy cả tiểu học và THCS sau khi hai trường sáp nhập từ năm học 2016. Cả hai trường có 19 lớp, với tổng số gần 600 học sinh nhưng chỉ mình cô Hồng là giáo viên âm nhạc.

"Tôi đang dạy khối 1, 2, 3 nhưng do thiếu người nên được điều động lên dạy lớp 8, 9, tổng cộng 8 lớp với 8 tiết mỗi tuần", cô giáo 35 tuổi nói.

Tương tự cô Hồng, cô Bùi Thị Hoàn, giáo viên một trường THCS miền núi phía Bắc, cũng phải dạy môn Mỹ thuật ở cả tiểu học và trung học cơ sở. Không mất nhiều thời gian di chuyển nhưng cô Hồng gặp khó khăn khi phải chuẩn bị nhiều loại giáo án, sổ sách của hai cấp.

"Đối tượng học sinh không đồng đều nên việc tổ chức các hoạt động chung cho nhiều lứa tuổi rất khó", cô Hồng chia sẻ.

Do không thể đi bồi dưỡng chuyên môn ở cả hai cấp, cô Hồng không nắm được phương pháp hay chỉ đạo mới về chuyên môn của cấp THCS. Cô buộc phải tìm tòi, tham gia tập huấn của phòng, sở, cụm trường hoặc học hỏi đồng nghiệp.

Cô Hoàn cũng thấy không dễ dàng khi vừa dạy trung học cơ sở vừa dạy tiểu học. "Các cô phải 'vừa dạy vừa dỗ' vì học sinh nhỏ tuổi. Buổi nào thiếu họa phẩm, các con 'thưa cô' cũng hết cả tiết", cô Hoàn nói.

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức giữa tháng 8, hàng loạt địa phương kêu thiếu giáo viên, trong đó có TP HCM thiếu hơn 5.200 cho năm học mới. Các môn thiếu giáo viên nhiều nhất là tiếng Anh, Tin học.

Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 4, TP HCM, nhiều năm qua không thể tuyển đủ giáo viên tiếng Anh, Tin học và các môn chuyên biệt. Hiệu trưởng Lê Ngọc Phong cho hay, với các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, giáo viên chủ nhiệm có thể đảm đương vì đã được tập huấn nhưng môn tiếng Anh, đặc biệt Tin học, "cực kỳ khó" tuyển dụng. Các trường khác trong quận cũng gặp tình trạng này.

Theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022-2023 được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM công bố ngày 9/9, các Phòng Giáo dục và Đào tạo có thể điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học hay biệt phái, điều động giáo viên tiếng Anh, Tin học cấp THCS giảng dạy tại trường tiểu học.

Thầy Phong ủng hộ chủ trương của Sở do trước đây cũng có giai đoạn TP HCM điều động giáo viên bộ môn ở cấp hai xuống tiểu học. Trường thầy Phong cũng tiếp nhận một giáo viên ngữ Văn và hiện là tổ trưởng chuyên môn khối 5.

"Các giáo viên khi được điều động chắc chắn thời gian đầu sẽ gặp khó khăn vì chưa quen tâm lý học sinh cấp một nhưng sẽ nhanh chóng thích nghi do có kiến thức, kỹ năng sư phạm và được tập huấn", thầy hiệu trưởng nói.

Tuy nhiên, hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình cho rằng đây chỉ là giải pháp trước mắt và về lâu dài, cần có sự điều chỉnh về số tiết dạy cùng chế độ đãi ngộ, tiền lương để giữ chân giáo viên.

"Quan trọng là giải quyết được bài toán đãi ngộ, đồng lương. Biệt phái hay điều động cũng được nhưng quan trọng là thu nhập của họ như nào. Điều xuống mà thu nhập giảm, ảnh hưởng kinh tế gia đình thì họ cũng trăn trở", thầy Phong nói.

*Tên một số giáo viên đã thay đổi

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022