TS Nguyễn Nhật Nguyên, giảng viên Đại học Jean Moulin Lyon 3, được chính phủ Pháp phong hàm giáo sư ngành Khoa học quản lý hôm 6/6, ở tuổi 34. Theo biên bản do Bộ Đại học và Khoa học công bố, anh Nguyên xếp hạng 12 trong 83 người đăng ký kỳ thi năm nay.

"Kết quả thay đổi hoàn toàn cuộc sống và sự nghiệp của tôi", TS Nguyên nói. Anh sẽ trở thành viên chức, hưởng lương của chính phủ Pháp.

giao-su2-9531-1720525367.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Biqz_tvcOrpi3Bjvblv5Jw

Anh Nguyễn Nhật Nguyên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Nguyễn Nhật Nguyên là cựu học sinh lớp tiếng Pháp, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên. Năm 2021, sau khi tốt nghiệp loại giỏi với điểm khóa luận 18,1/20 - cao nhất ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học Kinh tế TP HCM, anh nhận học bổng du học thạc sĩ từ Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF).

Anh tiếp tục học lên tiến sĩ nhờ học bổng của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, rồi làm giảng viên không biên chế ở Đại học Lille 2. Năm 2019, anh được phong hàm phó giáo sư tại Đại học Jean Moulin Lyon 3.

Kỳ thi giáo sư cấp quốc gia ngành Khoa học quản lý lần đầu diễn ra năm 1976, được tổ chức hai năm một lần. Giảng viên một đại học xây dựng ở Pháp cho hay việc phong giáo sư ở một số ngành sẽ do trường thực hiện, song với ngành Luật, Chính trị, Kinh tế, Quản lý..., ứng viên phải qua kỳ thi toàn quốc. Người vượt qua kỳ thi sẽ nhận mức lương cao hơn hẳn so với đồng nghiệp và được giới học thuật nể trọng.

"Ai làm nghiên cứu cũng mong lên giáo sư nhưng rất ít đạt được, chủ yếu được cấp bằng HDR - tiêu chuẩn để được trường bổ nhiệm hay làm người hướng dẫn chính", tiến sĩ này nói.

Anh Nguyên nói mục tiêu khi đăng ký là muốn trải nghiệm văn hóa học thuật Pháp, cũng như độ khó của kỳ thi này. Các ứng viên phải trải qua 4 vòng thi toàn quốc, kéo dài từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 6 năm nay.

Với anh, vòng thứ ba đặc biệt khó. Sau khi bốc thăm chủ đề, thí sinh được đưa vào phòng kín trong 8 tiếng, chỉ có sách và tài liệu. Họ cần thiết kế một bài giảng 30 phút, chứa kiến thức căn bản của ngành Khoa học quản lý và ví dụ thực tiễn từ văn hóa đại chúng Pháp.

Ở vòng 4, ứng viên được cung cấp hơn 200 trang tài liệu từ nhiều nguồn, dựa vào đó thiết kế 30 phút bài giảng chuyên ngành. Họ phải đưa ra một tình huống quản trị và những giải pháp, làm sao truyền tải kiến thức đến người nghe. Ở vòng này, thí sinh có 15 phút phản biện trước hội đồng.

"Tôi đã rất cuống khi đọc hàng trăm trang tài liệu trong hai tiếng vẫn chưa biết phải làm gì. Cuối cùng, tôi đưa ra mô hình áp dụng triết học vào kinh doanh", anh Nguyên kể.

Ba ngày sau kỳ thi, anh Nguyên nhận tin trúng tuyển, được phân về Đại học Rouen Normandie với vị trí giáo sư ngành Khoa học quản lý. Anh cho hay cột mốc này có ý nghĩa lớn vì bản thân không được đào tạo chính thống tại Pháp và đây cũng không phải ngôn ngữ mẹ đẻ.

00-7800-1720525367.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jGLJjnrKgKevb_ALlbR9rA

Anh Nguyên và thầy giáo cũ Huỳnh Tấn Châu ở trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên, năm 2023. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Theo tân giáo sư, bí quyết giúp anh thành công là đọc nhiều sách và học những kiến thức không nằm trong lĩnh vực của mình. Khi sang Pháp, anh kết nối với bạn bè, đồng nghiệp để tìm hiểu thêm về văn hóa, chính trị.

Nhờ kiến thức sâu rộng nên khi làm luận án tiến sĩ, anh kết hợp tư tưởng triết học phương Tây và phương Đông (thiền tông) để giải thích hiện tượng giao lưu văn hóa. Luận án được Đại học Lille 2 đề cử cho hạng mục luận án tốt nhất ngành Marketing năm 2016.

Thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, là giáo viên dạy Toán khi anh Nguyên học ở trường, khóa 2004-2007. Thầy ấn tượng với học trò ở sự thông minh, học tập có chiều sâu và có tư chất của người làm khoa học.

"Đây không chỉ là niềm tự hào của nhà trường mà còn của tỉnh Phú Yên", thầy Châu cho hay khi biết tin anh Nguyên được phong hàm giáo sư cấp quốc gia ở Pháp.

Anh Nguyên sẽ bắt đầu công việc ở Đại học Rouen Normandie vào tháng 9. Với vị thế mới, ngoài giảng dạy, anh còn tham gia kiểm định, đánh giá các nghiên cứu khoa học hay tuyển dụng giáo sư cấp trường...

Hiện, anh tập trung hoàn thành cuốn sách bằng tiếng Pháp về hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng dẫn hoặc phản biện một số luận án tiến sĩ và về Việt Nam thỉnh giảng.

Anh mong thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa Đại học Rouen Normandie, Đại học Jean Moulin Lyon 3 và các trường trong nước, viết sách chuyên môn bằng tiếng Việt cho bậc thạc sĩ, tiến sĩ.

"Hành trình tôi đi qua có nhiều thú vị nhưng cũng có thăng trầm. Hãy biết nắm bắt cơ hội và cởi mở với những gì diễn ra xung quanh, dù sống ở nước nào", anh đúc kết.

giao-su1-7710-1720525367.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3rLfluayM0J0JEKmPJwnaA

Giáo sư Nguyên (giữa) và đại diện một công ty làm bánh lâu đời của Pháp trong môn học do anh phụ trách, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022