Khi Covid-19 bùng phát, du học sinh đến từ Trung Quốc và các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh không thể quay lại Anh học tập hoặc hủy bỏ dự định du học. Vì vậy, các trường học đối mặt nguy cơ thiếu hụt hàng trăm triệu bảng Anh tiền học phí, không thể kéo dài hợp đồng ngắn hạn với giảng viên, nhân viên.    

Cuối tháng 3, Đại học Bristol đã sa thải 84 lao động hợp đồng ngắn hạn. Đại học Newcastle và Đại học Sussex cũng đang cân nhắc phương án trên. Tình trạng này gây nên nỗi hoang mang cho giảng viên, nhân viên đại học trên khắp nước Anh.

truong-dai-hoc-2045-1586164062.jpg

Đại học Bristol, nơi sa thải 84 nhân viên ký hợp đồng lao động ngắn hạn vì Covid-19. Ảnh: University of Bristol.

Theo khảo sát của Liên hiệp các trường đại học và cao đẳng Anh (UCU), 50% giảng viên tại các đại học làm việc theo dạng hợp đồng ngắn hạn. Roger Seifert, giáo sư ngành Quản lý nhân lực và Quan hệ công nghiệp tại Đại học Kinh doanh Wolverhampton, cho biết trường hợp hợp đồng chấm dứt trước khi dịch bệnh xảy ra, người lao động sẽ không được hưởng chế độ hỗ trợ thất nghiệp vì Covid-19 của chính phủ. Họ phải chuyển sang tìm kiếm trợ cấp thất nghiệp. 

UCU thông tin sẽ gửi thư đến Gavin Williamson, Bộ trưởng Giáo dục Anh để đề nghị chính phủ chi trả 80% lương cho tất cả nhân viên, kể cả lao động hợp đồng ngắn hạn.

Jo Grady, Tổng thư ký UCU, nhận xét Covid-19 đã làm bộc lộ yếu kém trong tuyển dụng nhân lực tại đại học Anh. Vốn thiên về tính linh hoạt, ngắn hạn, cách tuyển dụng của các trường đã hạn chế khả năng xây dựng môi trường làm việc an toàn, lâu dài cho người lao động. "Chúng tôi muốn tất cả nhân viên đang làm việc sẽ tiếp tục được tuyển dụng và trả lương", Jo Grady nói. 

Đến ngày 5/4, Covid-19 đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 1,3 triệu người nhiễm bệnh, hơn 69.000 người chết. Anh ghi nhận 47.806 người nhiễm, trong đó 4.934 người tử vong. 

Tú Anh (Theo The Guardian, THE)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022