Tết là dịp sum họp vui vẻ. Các bậc phụ huynh có thời gian ngồi lại với nhau, ăn uống và chuyện trò. Trẻ con cũng được ghé thăm họ hàng, gặp gỡ, chơi đùa với anh chị em họ. Tuy nhiên, Tết cũng là thời điểm có nhiều tình huống bất ngờ xảy ra khiến người lớn chỉ biết lúng túng.
Mùng 2 Tết vừa rồi, chị Hương và chồng đưa con gái Bon về ngoại chơi. Vừa đến nơi, ông bà ngoại và cậu mợ của Bon đã lì xì ngay cho Bon. Bon thích lắm, con bé nhận lì xì, cảm ơn mọi người rồi chạy đi chơi cùng cô em họ trong khi người lớn thì ngồi uống trà, cắn hướng dương nói chuyện.
Không lâu sau đó, bé Bon nước mắt giàn giụa chạy òa vào lòng chị Hương. Chị Hương hỏi con làm sao, Bon không nói. Em dâu chị Hương thấy vậy cũng vừa dỗ vừa hỏi Bon chuyện gì xảy ra, chưa dứt lời, con của em dâu chị Hương, tức em họ của Bon đã nói: "Mọi người ơi, Tết này con được lì xì nhiều cực, tận 50 bao lì xì! Chị Bon được có 30 cái thôi, con được lì xì nhiều hơn chị!".
Ảnh minh họa
Nhìn thấy vẻ mặt tự hào của cháu họ, vợ chồng chị Hương lập tức hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện. Có vẻ như cô cháu họ này của chị vô tư không nghĩ gì, được lì xì và khoe ngay với Bon khiến cô chị họ Bon tủi thân.
Em dâu chị Hương cũng ngại, liền mắng con không nên so sánh như vậy. Về phần mình, chị Hương cũng dắt con gái vào một phòng khác để an ủi cô bé. Chị nói với Bon 2 điều về tiền lì xì và Bon nhanh chóng vui trở lại.
Đầu tiên, chị Hương nói với con, lì xì cũng có thể coi là một hình thức xã giao, nghĩa là con nhận được lì xì từ ai thì bố mẹ con cũng phải lì xì lại cho con của người đó. Em họ nhận được nhiều lì xì hơn có thể là vì bố mẹ của em đã lì xì nhiều người hơn, trong khi bố mẹ con lì xì ít hơn. Vậy nên, những gì con nhận được không liên quan đến sự thể hiện của cá nhân con.
Thứ hai, lì xì là một phong tục tốt đẹp, gửi gắm lời chúc người lớn nhắn nhủ đến cháu con. Lì xì dù ít dù nhiều đều là “quà” của người khác. Vì con còn bé, người lớn yêu quý con và muốn chúc phúc con nên mọi người mới mừng tuổi con. Không nên so đo, không nên đong đếm, như vậy sẽ làm mất giá trị của lì xì.
Nhận tiền lì xì là cơ hội để xây dựng quan điểm tiền bạc đúng đắn của trẻ
Là cha mẹ, bạn phải có ý thức nuôi dưỡng quan niệm tiền bạc đúng đắn cho con cái, không nên nghĩ rằng trẻ con không biết gì, dạy từ giờ là quá sớm, và cũng không nên ngại ngùng khi nói về "tiền". Cha mẹ có trách nhiệm dạy con cách quản lý tiền, cách tiêu tiền, cách tiết kiệm tiền, đó sẽ là bước quan trọng giúp con bước vào cuộc sống tự lập. Và việc nhận tiền mừng tuổi vào dịp Tết là cơ hội quan trọng để xây dựng quan niệm tiền bạc đúng đắn cho trẻ.
1. Tạo thói quen tiết kiệm tiền lì xì
Đối với trẻ con, tiền lì xì ngày Tết có thể được coi là một khoản tiền lớn, thậm chí đủ làm tiền tiêu vặt cả năm. Chính vì vậy, phụ huynh nên tranh thủ dịp này để dạy trẻ cách tiết kiệm.
Dựa vào số tiền tiêu vặt hàng tháng của trẻ, nhân với 12 tháng, đó là tiền tiêu vặt của một năm. Lấy số tiền mừng tuổi trừ đi số tiền tiêu vặt, số còn dư trẻ có quyền giữ làm “quỹ riêng”, hành động này giúp trẻ có thói quen tiết kiệm từ nhỏ.
Ảnh minh họa
2. Cha mẹ nên giới hạn số tiền tiêu vặt của trẻ
Cha mẹ cho phép trẻ hàng tháng rút một số tiền tiêu vặt để tự quản lý, nếu trẻ không có đủ khả năng quản lý, có thể chia nhỏ số tiền hàng tháng thành từng tuần. Dù sao đi nữa, phải để trẻ biết: tiền là có hạn, nếu con tiêu hết hôm nay thì ngày mai sẽ không còn nữa.
Để trẻ tham gia mua sắm. Cho trẻ trải nghiệm thực tế 10.000 - 20.000 đồng có thể mua được thứ gì. Nếu trẻ muốn mua món đồ có giá trị, trẻ sẽ phải tiết kiệm hoặc từ bỏ những thứ khác muốn mua.
3. Nuôi dưỡng khả năng quản lý tiền bạc cho trẻ
Nuôi dưỡng khả năng quản lý tiền bạc của trẻ không phải để chúng sau này thành công, mà là dạy chúng xây dựng quan niệm tiền bạc đúng đắn từ nhỏ, hình thành thói quen quản lý tài chính tốt, để tương lai có một cuộc sống ổn định, phong phú.
Một số trẻ dù có tiền tiêu vặt nhưng không hề tiêu một đồng nào, mua hàng vẫn để cha mẹ trả tiền, tiền của mình thì tiết kiệm; một số trẻ lại quá “hoang”, tiền tiêu vặt của một tuần hết trong một ngày, không biết cách lên kế hoạch chi tiêu dài hạn.
Bạn dạy trẻ cách quản lý tiền bạc, mục đích không phải để trẻ trở thành "người keo kiệt", cũng không để trẻ thoải mái tiêu tiền mà không kiểm soát được lòng ham muốn. Tiền là công cụ của chúng ta, chỉ đơn giản tiết kiệm không phải là cách quản lý tốt, đem nó sử dụng vào những việc có ý nghĩa nhất mới là cách tốt nhất.
Giáo dục về tiền bạc, thực chất là giáo dục về đạo đức. Tiền bạc có thể phản ánh quan điểm giá trị và quan điểm sống của một người, cách sử dụng và kiếm tiền của người đó có thể thể hiện rõ ràng nhất quan điểm giá trị và quan điểm sống của họ.
Trẻ em hiện tại không phải lo lắng quá nhiều về việc ăn mặc, đó là hạnh phúc của chúng, nhưng cũng mang lại nhiều cám dỗ hơn cho chúng. Vì vậy, chúng cần có khả năng mạnh mẽ hơn để chống lại mong muốn tiêu dùng cá nhân, có quan niệm tiền bạc đúng đắn, như vậy sau này mới có thể thực sự tự lập, trở thành một người thật sự hạnh phúc!