Học Hán Nôm để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt?
“Trước đây chúng ta cứ nói rằng không dùng chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng hiện nay phải nói ngược lại, phải học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, PGS. TS Đoàn Lê Giang khẳng định. Theo ông Giang, từ bỏ chữ Hán cũng là lý do khiến thanh niên Việt Nam đơn giản nhất, học hành hời hợt nhất, các nhà khoa học xã hội của Việt Nam cũng kém nhất so với học giả các nước và nước ta nghèo nhất, lạc hậu nhất so với Nhật, Hàn hay Trung Quốc. Ví dụ như ở Nhật, người tốt nghiệp phổ thông phải biết ít nhất 1.945 chữ Hán, đến hết đại học thì phải biết khoảng 3.000 chữ. Trung Quốc cũng yêu cầu số lượng tương tự. Hàn Quốc thì hết phổ thông, học sinh phải biết khoảng 1.000 chữ. Chỉ có Việt Nam là không đặt ra yêu cầu này.
Bắt học sinh phải cõng thêm một môn chữ Hán nữa là không cần thiết.Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho rằng việc dạy Hán Nôm trong nhà trường phổ thông dứt khoát là phải đặt ra. Theo ông Mạnh, việc không có tri thức về Hán Nôm khiến hiện nay nhiều từ ngữ tiếng Việt bị nói sai. Bên cạnh đó, hầu hết các môn học hiện nay đều có tính liên thông, kế thừa từ bậc phổ thông lên đại học, riêng môn Hán Nôm là không có. Việc dạy các văn học cổ hiện nay chỉ dạy thông qua phiên âm chứ không đưa nguyên văn Hán Nôm vào đã dẫn đến nhiều sai sót trong cách dạy cũng như cách hiểu văn học cổ.
Sao phải học?
Thực ra đây không phải là một vấn đề mới vì cách đây hơn 20 năm, đã có những đề xuất đầu tiên về việc này. Tiêu biểu là bài viết của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo trên tạp chí Kiến thức ngày nay năm 1994. Kế sau đó, hàng loạt bài viết khác của các tác giả như Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Cảnh Toàn, Lê Văn Quán v.v… cũng đã tán thành với quan điểm mà Cao Xuân Hạo nêu ra: cần phải đưa chữ Hán vào dạy và học trong trường phổ thông. Đến hôm nay, sau hơn 20 năm án binh bất động, vấn đề này một lần nữa được khơi lại.
Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến phản đối đề xuất này. Một độc giả cho rằng xét cho cùng, chữ Hán cũng chỉ là một công cụ để cho ta tìm hiểu về quá khứ dân tộc, không biết chữ Hán dứt khoát không thể đồng nghĩa với việc khiến cho kiến thức về văn hoá lịch sử dân tộc bị kém đi. Độc giả này dẫn ý kiến của nhà ngôn ngữ học Lê Xuân Thại trong Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc năm 2009 khi ông phản bác lại “những người nước ngoài nào đó” rằng “Thứ chữ này (chữ Hán) không phải là chữ của Việt Nam mà là chữ Hán trước đây cha ông chúng tôi dùng, bây giờ chữ của Việt Nam là chữ quốc ngữ. Cho nên thứ chữ này bây giờ ít người đọc được là chuyện bình thường”.
Bên cạnh đó, cũng lưu ý rằng ở trường phổ thông hiện nay, trong bộ môn Ngữ văn, không phải người ta không quan tâm đến các yếu tố gốc Hán này. Học sinh vẫn được học về ngữ nghĩa từ Hán Việt, về các yếu tố Hán Việt và việc mở rộng vốn từ Hán Việt. Trong xu thế giảm tải chương trình học phổ thông hiện nay thì việc bắt học sinh phải cõng thêm một môn chữ Hán nữa là không cần thiết. Còn muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, ngoại trừ các nhà chuyên môn thì không nhất thiết phải học tiếng Hán mà chỉ cần giảng dạy các tiết tiếng Việt nghiêm túc, kiểm tra chặt chẽ là có thể cải thiện được.
Bích Việt