Kết thúc đợt xét tuyển vừa qua, hầu hết các trường ĐH, CĐ đều thiếu số lượng lớn chỉ tiêu. Việc thiếu chỉ tiêu tuyển sinh không chỉ diễn ra ở các trường top giữa và top dưới mà ngay cả các trường top trên cũng phải tuyển sinh bổ sung số lượng lớn.
Tại Đại học Y Hà Nội, hết ngày 19/8, trường chỉ tuyển được 71% chỉ tiêu toàn trường. Do đó, để tuyển đủ chỉ tiêu được giao, trường buộc phải hạ điểm sàn xuống mốc thấp nhất trong lịch sử tuyển sinh của trường. Khoa Dinh dưỡng có mức điểm sàn hạ thấp nhất xuống 20,5 điểm. Đại Học Y Hà Nội phải “chạy đua” với các trường khác để tuyển thêm 230 chỉ tiêu còn thiếu.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển bổ sung gần 800 chỉ tiêu, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển bổ sung hơn 500 chỉ tiêu, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng phải tuyển sinh bổ sung tới 811 chỉ tiêu; Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xét tuyển bổ sung hơn 2.000 chỉ tiêu;…
Tương tự, Trường ĐH Thương mại tuyển bổ sung tới 1450 chỉ tiêu; ĐH Huế xét tuyển bổ sung 4.578 chỉ tiêu ĐH, CĐ; Học viện Tài chính tuyển hơn 900 chỉ tiêu bổ sung; Trường ĐH Xây dựng thông báo xét nguyện vọng bổ sung với 700 chỉ tiêu; Trường ĐH Lao động & Xã hội xét tuyển với gần 900 chỉ tiêu; Trường ĐH Tài chính – Marketing xét tuyển bổ sung với hơn 1.200 chỉ tiêu…
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh đăng ký tối đa 4 ngành vào 2 trường trong đợt đầu xét tuyển. Nhiều thí sinh điểm cao trúng tuyển cả hai ĐH nên tỷ lệ ảo rất lớn.
Thống kê tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển cho thấy đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1.
Điều đó dẫn đến thực tế nhiều trường ĐH top đầu thường tuyển đủ chỉ tiêu ngay đợt 1 trong những năm trước như ĐH Bách Khoa, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TPHCM, ĐH Ngoại thương, Học viên Ngoại giao, Học viện Tài chính… đã phải công bố xét tuyển bổ sung trong năm nay với số lượng không nhỏ.
Với quy chế tuyển sinh năm nay, mỗi thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được phép đăng ký tối đa vào 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành nên dù không trúng tuyển nguyện vọng 1 vẫn còn rất nhiều cơ hội trúng tuyển vào trường yêu thích ở lần xét tuyển bổ sung khi có trường hạ điểm chuẩn để có thể lấy đủ chỉ tiêu.
Thí sinh có nhiều lựa chọn đồng nghĩa áp lực đối với nhiều trường ĐH tăng lên khi phải cạnh tranh để thu hút thí sinh. Đặc biệt với các trường top dưới, ngoài công lập “cuộc đua” lại càng quyết liệt hơn.
Theo quy định, trong các đợt xét tuyển đợt bổ sung, mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển.
Thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc bằng phương thức trực tuyến hay theo phương thức khác do trường quy định đáp ứng yêu cầu của quy chế.
Các trường sẽ công bố kết quả xét tuyển nguyện vọng bổ sung trước ngày 5/9 và trước 17 giờ ngày 7/9, thí sinh phải nộp Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường nhập học để xác nhận sẽ học tại trường. Nếu thí sinh nộp giấy này qua đường bưu điện, thời gian sẽ tính theo dấu bưu điện.
Bắt đầu từ 11/9, các trường còn chỉ tiêu sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 3. Thời gian xét tuyển đợt này kéo dài đến hết ngày 21/9. Kết quả đợt này được công bố trước ngày 24/9… ngày 15/11 là thời hạn cuối cùng xét tuyển của đại học là 20/10 và của cao đẳng năm nay.
Phương Linh
Nguồn: congluan.vn