Ngày 15/7, khi kỳ thi đánh giá tư duy của trường Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra với hơn 7.100 thí sinh tham dự. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết việc chủ động tạo ra một kỳ thi tuyển sinh đầu vào, ít phụ thuộc kết quả thi tốt nghiệp THPT là mong muốn từ lâu. Trong nhiều năm, trường đã xây dựng ngân hàng câu hỏi, công tác chuẩn bị và truyền thông để lần đầu tổ chức thi đánh giá tư duy vào năm 2020.
Theo ông Điền, các câu hỏi của đề thi tư duy được phân hoá theo các mức độ, nhưng chỉ dành 20% cho thông hiểu (mức dễ). So với mức 50-60% của đề thi tốt nghiệp THPT, ông Điền khẳng định đề đánh giá tư duy có độ phân hoá cao hơn, dành phần lớn nội dung cho mức độ vận dụng và vận dụng sáng tạo. "Sẽ không có chuyện 'mưa' điểm 9, 10 thi tư duy, và điểm chuẩn không tràn lan ở mức 27", ông Điền cho hay.
Các năm tới, phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn được Đại học Bách khoa Hà Nội duy trì, chiếm khoảng 20-30% tổng chỉ tiêu. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh tại các vùng, miền, đặc biệt những em không thể tiếp cận, di chuyển tới địa điểm tổ chức thi tư duy.
Tuy nhiên, tại một số ngành cạnh tranh cao, thuộc các nhóm như Tự động hoá, Công nghệ thông tin, trường sẽ không tuyển sinh từ kết quả thi tốt nghiệp mà "khả năng cao" dành toàn bộ chỉ tiêu cho thi đánh giá tư duy. "Trường phải chọn lựa gắt gao thì mới có nguồn sinh viên chất lượng, nhất là ở những ngành khó, tỷ lệ đào thải cao", ông Điền nói.
PGS TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Hằng
Thực tế, ngay từ đề án tuyển sinh năm 2022, dù vẫn sử dụng ba phương thức, trường Bách Khoa chỉ tuyển thí sinh từ thi đánh giá tư duy và xét tuyển tài năng, không dành chỉ tiêu cho kết quả thi tốt nghiệp THPT tại các ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (chương trình tiên tiến), An toàn không gian số (chương trình tiên tiến), Công nghệ thông tin (Global ICT và Việt - Pháp),
Bài thi đánh giá tư duy diễn ra trong 270 phút, gồm một phần bắt buộc và hai phần tự chọn. Trong đó, thí sinh làm phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu trong 120 phút. Phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) thi trong 90 phút. Phần tự chọn 2 là Tiếng Anh thi trong 60 phút hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS.
Thí sinh làm bài trên giấy, các câu hỏi là trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi tốt nghiệp THPT. Riêng môn Toán và Tiếng Anh có phần tự luận để đánh giá cách tư duy và khả năng trình bày. Việc đưa tự luận vào môn Tiếng Anh là điểm mới so với kỳ thi năm 2020.
Về tổng thể, ông Điền đánh giá đề thi đánh giá tư duy được thiết kế để kiểm tra nhiều kỹ năng của thí sinh, gồm đọc hiểu các văn bản kỹ thuật, ngoại ngữ, tính toán, cách trình bày... "Một khi đã trúng tuyển Bách khoa bằng kỳ thi này, thí sinh có thể yên tâm vì các em đủ khả năng theo được chương trình đào tạo khắt khe của trường", ông Điền khẳng định. Trường Bách khoa Hà Nội cũng hướng tới việc sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy là nền tảng để tuyển sinh đại học.
Năm nay, khoảng 20 trường đăng ký sử dụng kết quả thi tư duy để xét tuyển đại học chính quy. Theo ông Điền, kỳ thi này có thể hữu ích cho nhiều đại học, đặc biệt là những trường nhóm công nghệ, kỹ thuật.
Thanh Hằng