Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) tối 12/5 cho biết đây là bước chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, nhằm thực hiện nghị quyết 57 của Trung ương về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
VNU đã tham khảo kinh nghiệm các đại học tiên tiến trên thế giới để xây dựng một quy chế đào tạo riêng. Tổng số tín chỉ của chương trình không thay đổi nhưng quá trình đào tạo được tổ chức lại, để sinh viên giỏi có thể học và tốt nghiệp sớm.
Cụ thể, thời gian đào tạo chuẩn sẽ là 3 năm với 3 học kỳ mỗi năm, thay vì 4 năm với hai kỳ mỗi năm như hiện tại. Sinh viên được tạo điều kiện điều chỉnh tiến độ học tập và cá nhân hóa lộ trình học.
Ngoài các học phần lý luận chính trị và kiến thức chung được giảng dạy bằng tiếng Việt, phần lớn học phần chuyên môn, bao gồm cả khóa luận tốt nghiệp, sẽ sử dụng hoàn toàn tiếng Anh. Điều này nhằm trang bị cho sinh viên khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Ngoài ra, sinh viên được tiếp xúc nghiên cứu khoa học từ sớm bằng cách tham gia vào các nhóm do giảng viên chủ trì, giúp hình thành tư duy nghiên cứu và định hướng phát triển học thuật lâu dài.
Để rút gọn chương trình trong 3 năm, VNU sẽ ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, vào quá trình giảng dạy và học tập. Các hình thức học gồm: trực tiếp, trực tuyến, làm việc nhóm, tự học có giám sát hoặc cá thể hóa hoàn toàn theo năng lực từng sinh viên.
Những sinh viên có năng lực vượt trội có thể tốt nghiệp cử nhân sau 2,5 năm, liên thông thẳng lên trình độ tiến sĩ.
Đại học Quốc gia Hà Nội chưa công bố chi tiết ngành học và thời gian triển khai chương trình này. Dự kiến, số sinh viên theo diện này khoảng 500-1.000 mỗi năm.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU
Trước đó, Đại học Quốc gia Hà Nội có chương trình Ươm tạo tài năng bậc trung học phổ thông (VNU 12+) nhằm thu hút học sinh giỏi, tạo nguồn cho lĩnh vực khoa học cơ bản. Học sinh được định hướng nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học, học trước một số môn, từ đó rút ngắn chương trình ở đại học.
Trên thế giới, nhiều đại học có mô hình tương tự. Chẳng hạn, tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, các tài năng đặc biệt có thể theo học từ 13-14 tuổi, đến 16-18 tuổi tốt nghiệp đại học, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ.
Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có 12 trường thành viên, có quy mô đào tạo thuộc diện lớn nhất cả nước.
Theo tổ chức xếp hạng Times Higher Education (THE) ngày 23/4, VNU trong nhóm 501-600 châu Á. Còn trên bảng xếp hạng đại học theo nhóm ngành của QS hồi tháng 3, VNU xếp hạng 451-500 thế giới về Kỹ thuật và Công nghệ, hạng 351-400 về Toán học...
"Mô hình trên khi thành công sẽ tạo nền tảng để Đại học Quốc gia Hà Nội mở rộng hợp tác với các đại học uy tín trên thế giới và vươn lên mạnh mẽ trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế", đại diện trường cho biết.
Dương Tâm