Nhiều gia đình tự hào khi có con cái học giỏi, không cãi lời, không gây chuyện, nói chung là ngoan. Một đứa trẻ "ngoan" theo định nghĩa truyền thống như vậy là đứa trẻ biết nghe lời, lễ phép, chăm chỉ học hành và không khiến người lớn phiền lòng. Nhưng rồi có những lúc, chính những cha mẹ từng tự hào ấy lại thấy trong lòng trống rỗng. Bởi càng lớn, con cái càng trở nên xa cách. Con không nói lời yêu thương. Không chia sẻ điều gì. Không khóc, không nổi giận, cũng chẳng ôm lấy họ một lần nào nữa.
Tình yêu thương nếu không được nói ra sẽ trở thành thứ khô cứng
Một trong những sai lầm phổ biến trong việc nuôi dạy con cái ngày nay là đánh đồng sự vâng lời với tình cảm chân thành. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng: "Chỉ cần con học giỏi là được. Con không cần nói lời hoa mỹ, chỉ cần chăm chỉ là bố mẹ vui rồi". Nhưng chính suy nghĩ đó lại âm thầm bóp nghẹt nhu cầu được thể hiện cảm xúc của đứa trẻ.
Theo chuyên gia tâm lý học phát triển Dr. Becky Kennedy (Mỹ), trẻ em không được dạy cách thể hiện tình cảm sẽ lớn lên với cảm giác lạc lõng trong chính những mối quan hệ gần gũi nhất. Khi không có môi trường an toàn để nói ra lời yêu thương từ nhỏ, con sẽ ngại ngùng, vụng về, thậm chí cho rằng bày tỏ tình cảm là điều… yếu đuối.
Và thế là, một đứa trẻ biết vâng lời nhưng không biết nói lời yêu thương sẽ dần trở thành người lớn có trách nhiệm nhưng lạnh nhạt với cảm xúc của chính mình và của người khác.

Yêu thương là thứ nên được nói thành lời (Ảnh minh họa)
Nhiều bạn trẻ trưởng thành nói rằng: "Em biết ơn bố mẹ, em rất thương họ, nhưng… em không nói ra được"/ "Tôi mấy chục tuổi đầu nhưng chưa bao giờ nói nổi câu cảm ơn hay yêu bố mẹ"... Câu "Con yêu bố mẹ" nghe đơn giản nhưng với một số người, lại nghẹn ở cổ suốt mấy chục năm. Bởi ngay từ nhỏ, họ đã học cách "im lặng là ngoan", "kìm nén là chín chắn", "lạnh lùng là trưởng thành".
Tâm lý học gọi đây là "trái tim bị kìm nén cảm xúc" - một hiện tượng phổ biến trong những gia đình Á Đông nơi tình yêu được thể hiện bằng hành động (nấu ăn, mua đồ, trả học phí…) nhưng hiếm khi được nói thành lời. Vấn đề là, hành động thì cần trí nhớ nhưng lời nói lại cần cảm xúc. Và khi không có ai dạy cách chạm vào cảm xúc, nhiều người sẽ dần đánh mất ngôn ngữ của trái tim.
Khi tình cảm bị "thể hiện lệch", hệ quả là cả nhà đều thấy cô đơn
Cha mẹ nghĩ con không biết yêu. Con lại nghĩ cha mẹ không cần yêu. Cả hai bên cùng lặng lẽ hy sinh và chờ đợi, nhưng không ai thật sự chạm được đến người kia. Mối quan hệ trở nên giống một "cái máy hoạt động tốt", mọi thứ duy trì theo cách máy móc, chỉ cần đủ tiền bạc, đủ ăn, đủ mặc nhưng thiếu ấm áp.
Một nghiên cứu dài hạn của Đại học Harvard (The Grant Study) từng kết luận: "Điều khiến con người hạnh phúc và khỏe mạnh nhất suốt cuộc đời không phải thành công, cũng không phải tiền bạc mà là chất lượng các mối quan hệ thân mật".
Nếu đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không có ngôn ngữ tình cảm thì kể cả sau này nó có giỏi giang đến đâu, trái tim vẫn có nguy cơ trở nên rỗng tuếch vì không biết cách yêu và được yêu.
Vậy làm sao để con nói "Con yêu bố mẹ"? Câu trả lời là phụ huynh phải nói trước!
Câu "Con yêu bố mẹ" không tự nhiên xuất hiện. Nó là kết quả của một hành trình được sống trong yêu thương có tên gọi, có cử chỉ, có ôm, có ánh mắt dịu dàng. Nếu cha mẹ chưa từng nói "Bố mẹ thương con" thì rất khó đòi hỏi con thể hiện điều ngược lại.
Đừng đợi đến khi con cái trưởng thành rồi bắt đầu hối tiếc vì trái tim biết học giỏi nhưng không biết yêu ai.