Phan Huy An, 23 tuổi, nhận tin trúng tuyển vị trí kỹ sư phần mềm của Google hôm 14/5, ba ngày trước khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Kỹ thuật máy tính, Đại học Illinois Urban Champaign (UIUC). Theo xếp hạng đại học QS 2026, UIUC trong top 70 thế giới. Điểm trung bình học tập của An là 3.89/4.

"Tôi như muốn vỡ òa trong niềm hạnh phúc vì trước đó từng muốn bỏ cuộc", anh An chia sẻ.

An là cựu học sinh chuyên Vật lý, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Sau khi giành giải nhất thi học sinh giỏi quốc gia, năm 2020, anh nhận được học bổng 100% để học ngành Kỹ thuật điện tại Đại học VinUni. Vào năm thứ ba, An ứng tuyển chương trình liên kết của trường với UIUC, giành học bổng thạc sĩ.

an-1751210746-2276-1751212194.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bZZP8xGXLMHv_1TRifkPFA

Phan Huy An tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh cho biết ngành học ở cử nhân và thạc sĩ có khá nhiều điểm giao nhau, đặc biệt là ở các môn nền tảng như vi xử lý, cấu trúc máy tính, lập trình nhúng, tín hiệu số, hoặc hệ thống nhúng. Song, anh gặp khó khăn với các môn thiên về lập trình nâng cao hoặc hệ điều hành.

Nhờ nền tảng về Kỹ thuật điện, An hiểu sâu hơn về phần cứng và các nguyên lý hoạt động ở mức thấp của hệ thống. Suốt một năm đầu, anh tìm kiếm tài liệu, học các kiến thức mới để nắm bắt tốt hơn.

Chàng trai Nghệ An cho hay xác định sẽ ở lại làm việc nên sau khi sang Mỹ, anh lên kế hoạch, liên hệ với các du học sinh Việt Nam để tìm hiểu thông tin và học hỏi. An nhìn nhận muốn kiếm được việc, anh cần xin thực tập tại một công ty Mỹ từ hè năm thứ nhất để lấy kinh nghiệm, có kỹ năng lập trình, luyện bài kiểm tra ở các hãng công nghệ và chuẩn bị hồ sơ tốt.

Ngay học kỳ đầu tiên, An gửi hồ sơ (CV) cho hàng trăm công ty, song không có kết quả. Đọc lại phần mô tả của các công việc, anh nhận ra CV của mình chưa ổn khi liệt kê quá nhiều dự án. An sau đó lựa chọn các chi tiết phù hợp cho từng công việc ứng tuyển, thử nghiệm với nhiều kiểu CV và cố gắng tóm gọn nội dung trong một trang giấy.

Một tháng sau, An được ba công ty công nghệ, trong đó có Qualcomm và Marvell, mời phỏng vấn. Cuối cùng anh trúng vị trí thực tập sinh kỹ sư máy tính của Marvell, từ tháng 5 đến tháng 8/2024.

Vừa học vừa thực tập, An còn dành một tiếng mỗi ngày để tự luyện các đề kiểm tra và câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng tìm được trên mạng.

"Tôi tự làm, trả lời, tự nói và ghi âm để nghe lại rồi điều chỉnh. Tôi duy trì việc này suốt hai năm qua như một thói quen", An nhớ lại. Nhờ đó, anh dần cải thiện kỹ năng diễn đạt, phong thái khi nói chuyện.

Tháng 10 năm ngoái, An bắt đầu rải hồ sơ xin việc, tổng cộng khoảng 300-400. Ngoài kết quả học tập bậc thạc sĩ, CV của An còn thể hiện kinh nghiệm nghiên cứu thời đại học và nhiều dự án liên quan tới phần mềm máy tính khi học thạc sĩ như thiết kế bộ vi xử lý RISC-V, xây dựng hệ điều hành Linux giống như Windows...

Nhưng chờ 5-6 tháng, An vẫn không được công ty nào hồi âm. "Tôi nản, lúc đó đã xác định về nước xin việc", anh kể. Dù vậy, anh giữ thói quen luyện tập kỹ năng qua các bài kiểm tra tuyển dụng, vì nghĩ nếu không xin được việc ở Mỹ thì vẫn có ích khi về.

Tháng 3 năm nay, anh An lần lượt nhận thư mời phỏng vấn của 4 công ty, gồm Google, Apple, Amazon và Nvidia.

Theo anh An, để trở thành nhân viên chính thức của Google, ứng viên cần trải qua ba vòng. Ở vòng đầu tiên, anh An phải làm bài kiểm tra lập trình trực tuyến. Vượt qua, anh tiếp tục vào vòng lập trình trực tiếp dưới sự giám sát của ba giám khảo và trả lời câu hỏi của họ. Trong vòng cuối - phỏng vấn, giám khảo thứ tư hỏi về các tình huống trong quá khứ để xem cách ứng viên giải quyết vấn đề.

An nhìn nhận nhờ việc rèn luyện hàng ngày, anh quen dạng các câu hỏi và có sự sẵn sàng, bình tĩnh hoàn thành tốt các yêu cầu. Khoảng một tuần sau, anh nhận thư báo đỗ song phải qua ba lần phỏng vấn nữa để tìm đội, nhóm. Cuối cùng, anh được nhận vào nhóm làm về hệ điều hành của đồng hồ thông minh.

"Tôi như muốn vỡ òa trong niềm hạnh phúc vì trước đó từng muốn bỏ cuộc", anh An chia sẻ. Ngoài Google, anh cũng nhận được thư mời làm việc của Amazon.

Thầy Nguyễn Văn Định, Phó giám đốc chương trình Kỹ thuật Điện và Máy tính, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Đại học VinUni, từng dạy An hai môn học và hướng dẫn đồ án tốt nghiệp với chủ đề "Điện toán biên không máy chủ". Thầy cho hay đồ án của An được hội đồng đánh giá cao nhờ sự đổi mới và sáng tạo trong cách tiếp cận vấn đề.

Theo thầy Định, An trầm tính, không quá sôi nổi trong lớp nhưng mỗi khi được đặt câu hỏi, học trò luôn đưa ra những câu trả lời sâu sắc và có chiều sâu tư duy. Ông ấn tượng với An ở sự kiên trì, khả năng tự học nổi bật và bền bỉ trong quá trình nghiên cứu.

Từ trải nghiệm của mình, An cho rằng bí quyết là luôn trau dồi các kỹ năng và trong tâm thế sẵn sàng để khi có cơ hội có thể nắm bắt được ngay.

"Đừng ngại nộp vào những nơi mình muốn vì phải thử mới biết sai ở đâu để sửa", An nói. Anh sẽ bắt đầu công việc tại Google vào tháng 7.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022