Bỏ thi tốt nghiệp là “hy sinh” chất lượng giáo dục phổ thông

Sau khi nghe đại biểu trao đổi về các vấn đề của giáo dục hiện nay, phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề: “Tại sao chúng ta cứ loay hoay với chuyện thi cử, không chỉ là thi tốt nghiệp THPT, mà cả chuyện kiểm tra đánh giá, hệ luỵ của nó là dạy thêm học thêm, loạn sách tham khảo?”. Rồi Phó Thủ tướng nói: “Câu trả lời rất đơn giản, vì chúng ta chưa thực sự trung thực!”.

Theo Phó Thủ tướng, sở dĩ phải khổ sở với câu chuyện tuyển sinh ĐH nhiều năm nay (dù bây giờ đã nhẹ đi rất nhiều) nhưng mãi vẫn không đạt được như các nước phát triển là bởi giáo dục Việt Nam chưa trung thực. Vì vậy nên không thể đánh giá khách quan, không thể mở cửa trường ĐH cho người học vào thoải mái và siết chặt đầu ra.

Thực tế từ góc độ đánh giá ở bậc phổ thông và kết quả thi tốt nghiệp THPT 9 môn năm nay cho thấy có độ vênh nhất định. Đặc biệt có môn thi còn chênh tới hơn 4 điểm. Thậm chí có địa phương có môn học điểm trung bình học bạ đứng đầu nhưng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT lại áp chót hoặc điểm thi đứng đội sổ nhưng điểm học bạ lại nhảy lên top đầu.

photo1660620548562-16606205488732027918467.jpg

Bao giờ giáo dục Việt Nam hết loay hoay chuyện thi, học thêm, SGK? Ảnh: Như Ý

TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho hay, sự không trung thực trong giáo dục thể hiện rõ nhất ở bệnh thành tích. Ngành giáo dục có nhiều mặt tốt nhưng những yếu kém phải được chấp nhận, tiếp thu nghiêm túc.

TS. Lê Viết Khuyến phân tích thêm, hiện nay, ở cấp phổ thông của Việt Nam chưa có cơ chế kiểm định. Trong khi đó, trên thế giới, nếu không có kiểm định giáo dục phổ thông thì không có nước nào liều lĩnh thả nổi cho các trường ĐH xét tuyển theo hình thức “đánh trống ghi danh”. Thậm chí dù đã có kiểm định nhưng cũng phải rất thận trọng, không phải trường nào cũng có thể tự chủ. Nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT trong khi cơ chế tuyển sinh chưa có, bệnh thành tích vẫn tồn tại thì theo TS. Lê Viết Khuyến, đó là sự “hy sinh” chất lượng của cả hệ thống đào tạo 12 năm. Việc đòi hỏi bỏ kỳ thi tốt nghiệp là cách ăn theo, bắt chước các nước, Việt Nam chưa làm được. Quản lý thi tốt nghiệp THPT vẫn là tập trung quản lý nhà nước, không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp.

“Kết quả giáo dục phổ thông mắc bệnh thành tích rất lớn, tiêu cực trong giáo dục phổ thông đã trở nên thâm căn, cố đế; thậm chí ở kỳ thi tầm quốc gia, Bộ GD&ĐT đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đảm bảo kỳ thi an toàn nhưng vẫn có những tiêu cực xảy ra như ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang”.

TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định các địa phương phải có một kỳ thi tốt nghiệp chung. Học bạ mang tính cục bộ từng trường phổ thông dù có chuẩn mực nhất định về việc đó nhưng độ vênh giữa các trường rất khác biệt.

Chưa thể “đánh trống ghi danh” vào ĐH

TS. Lê Viết Khuyến cho hay, việc ghi danh vào học phải đáp ứng điều kiện đủ của mỗi trường. Việc đánh giá tuyển sinh ĐH hiện quá lộn xộn với 20 phương thức tuyển sinh. Ông cho rằng, Bộ GD&ĐT đã không làm tốt vai trò quản lý nhà nước, không thể lấy lý do tự chủ mà có thể đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển làm rối kỳ tuyển sinh chung.

hny-8590-2038-16606208200211144819343.jpg

Học sinh, sinh viên ở nước ta vẫn phải học thêm, thi cử nặng nề Ảnh: Như Ý

PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhìn nhận: “Nếu không chọn lựa bằng cuộc thi đầu vào, số lượng đào thải rất lớn. Đặc thù của Việt Nam là thà trượt ĐH còn hơn đứt gánh giữa đường. Học không hoàn thành ĐH phải làm lại từ đầu là vấn đề rất hệ trọng ở Việt Nam”.

Ông Điền cho biết các nước phát triển phải có một thời gian khá dài mới có thể “đánh trống ghi danh” khi tuyển sinh ĐH. Vấn đề này không chỉ riêng ngành giáo dục có thể làm được. Ngoài kỹ thuật là công nhận tín chỉ giữa các trường, học ở trường này không hoàn thành có thể ghi danh trường khác, miễn các tín chỉ đã học, còn vấn đề thay đổi cơ chế tài chính của các trường ĐH. Mở đầu vào, thách thức của các trường là sẽ phải đón nhận một lượng lớn sinh viên năm thứ nhất, cơ sở vật chất đáp ứng thế nào để khi siết đầu ra, số lượng sinh viên giảm dần qua các năm học. Đây là vấn đề mà chưa có trường ĐH nào ở Việt Nam có thể sẵn sàng đối mặt khi thực hiện mở đầu vào tuyển sinh.

“Những thách thức trên được giải quyết thì có thể “đánh trống ghi danh” vào ĐH. Nhưng trên thế giới hay ở Việt Nam, một số trường top vẫn phải có đánh giá riêng để lựa chọn người học phải có năng lực học tập nhất định để có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo”, PGS. Điền nói thêm.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022