Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, nêu ý kiến trên tại ngày hội học sinh, sinh khởi nghiệp SV Startup, hôm 20/4.

Ông cho biết tập đoàn rất quan tâm việc đào tạo nhân lực, bản thân và một số lãnh đạo tham gia hội đồng trường, hội đồng khoa học của một số trường đại học. Nhiều sinh viên, giảng viên các trường đến công trình của tập đoàn để học tập, thực hành. Ngược lại, Đèo Cả cũng kết hợp với một số trường tổ chức các lớp cao học, MBA (quản trị kinh doanh) cho nhân sự.

Điều khiến ông băn khoăn là nhiều giảng viên còn hạn chế về kỹ năng thực tế nhưng lại được phân công giảng dạy những môn có tính ứng dụng cao, đòi hỏi kinh nghiệm thực chiến. Ông lấy ví dụ môn Quản lý dự án, người đứng lớp chưa từng quản lý một dự án nào nhưng lại dạy cho những cán bộ, kỹ sư đã phụ trách hàng trăm công trình trên cả nước.

"Các trường cần tổ chức các đợt đánh giá, phân loại năng lực định kỳ hàng năm để từ đó có cơ sở bổ sung kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên", ông đề xuất.

5b5ca668d8f06bae32e1-174524043-4469-7338-1745240560.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qH6r6Hy3rGOiUL1SyeQYNw

Ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên trong tại SV Startup, ngày 19/4. Ảnh: Tô Hùng

Ngoài ra, ông Hoàng nhận thấy cơ sở vật chất và môi trường học tập ở các trường chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn đại học, cao đẳng thiếu phòng thí nghiệm, xưởng thực hành và môi trường trải nghiệm thực tế. Sinh viên có ý tưởng tiềm năng nhưng chỉ dừng lại trên giấy.

Các trường cũng quan tâm phối hợp với doanh nghiệp nhưng mối liên kết này thường lỏng lẻo. Chương trình đào tạo nhìn chung nặng lý thuyết, chưa chú trọng thực hành, kỹ năng mềm nên khi sinh viên tốt nghiệp, đi làm, doanh nghiệp phải mất thời gian đào tạo lại.

"Chúng tôi đã phối hợp với trường đại học để hình thành viện nghiên cứu, đào tạo, nhưng khi đụng chạm đến nhu cầu đầu tư, nhập khẩu chương trình hay tuyển dụng người giỏi, điều chỉnh chương trình thì khó khăn bởi các thủ tục hành chính", ông Hoàng cho hay.

Từ thực tế trên, ông kiến nghị cơ quan quản lý xác định rõ ưu tiên bố trí ngân sách hoặc cho phép xã hội hóa đầu tư vào các hạng mục thiết yếu như trang thiết bị, phương tiện thực hành và yếu tố con người để việc đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông cho rằng doanh nghiệp có thể đồng hành với nhà trường ngay từ khâu xây dựng chương trình, đào tạo kỹ năng, thực hành. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công nhận và sử dụng cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia của doanh nghiệp là một phần nguồn lực đào tạo cho các trường đại học.

"Việt Nam không thiếu người trẻ tài năng, nhưng họ cần một hệ sinh thái hỗ trợ cho họ để khơi dậy, phát huy năng lực. Chúng tôi hiểu rằng bồi dưỡng nguồn nhân lực là phục vụ cho tương lai cho đất nước và của chính doanh nghiệp", Chủ tịch Đèo Cả nói.

Trong bài chia sẻ với sinh viên trước đó, ông Hoàng khuyên họ cần "học đi trước khi học chạy". Ông kể thời sinh viên từng nghỉ học để kinh doanh, nghĩ rằng sớm lao vào thực tế sẽ rút ngắn con đường đến thành công. Nhưng sau nhiều phen chật vật, ông nhận ra khi thiếu hụt nền tảng tri thức cơ bản, mọi cố gắng, nỗ lực cũng khó bù đắp được. Sau đó, ông quyết tâm quay lại trường, nghiêm túc học tập.

"Đi học trên giảng đường mà còn không tới nơi tới chốn thì con đường nào có thể đưa các em đến những đột phá lớn trong sự nghiệp, nhất là trong thời đại tri thức tạo ra giá trị như ngày nay?", ông Hoàng nhấn mạnh.

Theo ông, bên cạnh trình độ, sinh viên có thái độ tốt sẽ có nhiều cơ hội được hướng dẫn, giúp đỡ. Đây là yếu tố quyết định các em tiến xa đến đâu.

Tập đoàn Đèo Cả được đánh giá là "ông lớn" trong ngành giao thông, có 20 công ty thành viên, chia thành 5 khối ngành nghề như đầu tư, dự án, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư nước ngoài với hơn 6.000 cán bộ, nhân viên. Chủ tịch tập đoàn Hồ Minh Hoàng sinh năm 1972, là kỹ sư điện, thạc sĩ quản trị kinh doanh, cựu sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022