Hồi bé, con gái tôi bản tính vốn hiền lành, nhút nhát. Khi vào cấp 1, con cũng mong muốn có nhiều bạn, được tham gia các hoạt động văn nghệ hay hoạt động nhóm nhưng vốn tính nhút nhát nên không dám mở lòng với các bạn cũng như không dám đề đạt nguyện vọng của mình.
Biết tính con như thế, nhưng tôi cũng chưa nghĩ ra cách nào để giúp con vượt qua trở ngại của bản thân. May mắn, khi con học lớp 2, được gặp cô giáo mà chủ nhiệm mà có lẽ tình yêu thương của cô đã thay đổi hoàn toàn tính cách của con gái tôi. Cô không chỉ quan tâm đến con mà đến từng học sinh trong lớp.
Dịp đó, để chuẩn bị cho chương trình văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bình thường như các lớp khác chỉ chọn đội văn nghệ khoảng 10 em có chút năng khiếu hay thích ca hát. Nhưng ở lớp con tôi thì khác, cô “bắt” cả lớp cùng tham gia, con nào hát tốt hơn thì ở nhóm hát, con nào biết nhảy múa thì vào nhóm phụ họa, còn những bạn như con gái tôi, thì vào đội vỗ tay và hát bè.
Dù tính nhút nhát, nhưng khi được cô chọn vào đội văn nghệ của lớp, con vui mừng ra mặt. Về nhà con cũng tập hát, múa tưng bừng và háo hức chuẩn bị quần áo, phụ kiện cho ngày biểu diễn. Sau đợt tham gia văn nghệ, con gái tôi vui vẻ, hòa đồng hẳn và đã dám đề đạt, thể hiện mong muốn của bản thân với mọi người.
Đến nay, gần 10 năm trôi qua, nhưng tôi và con vẫn cảm thấy rưng rưng mỗi khi nhắc đến cô. Chính sự yêu thương của cô đã làm thay đổi con gái tôi từ một đứa trẻ nhút nhát thành một đứa trẻ tự tin, có chính kiến và dám thử thách bản thân để làm những việc quá khả năng của mình.
Trong bất kỳ môi trường nào, sự yêu thương luôn đem lại những hiệu ứng tích cực. Còn trong môi trường giáo dục, yêu thương lại càng cần hơn bao giờ hết. Tình yêu thương có thể làm thay đổi hoàn toàn một con người theo hướng tích cực, như con gái tôi là một ví dụ.
Sự việc thí sinh ngủ quên bị 0 điểm môn Anh Văn xảy ra tại điểm thi Trường chuyên Phan Ngọc Hiển.
Ngược lại, nếu cuộc sống không có yêu thương mà toàn là sự lạnh lùng, vô cảm, nhất là trong môi trường mô phạm thì hệ quả thực sự nguy hiểm, thậm chí là gây ra những hệ lụy đau lòng. Có lẽ đến tận bây, giờ mọi người vẫn chưa thể nào quên được câu chuyện cháu bé bị bỏ quên trên xe ở trường quốc tế Gateway. Nếu những người làm nghề trồng người ở đây có tình yêu thương, khi điểm danh thấy cháu bé vắng mặt không rõ lý do người ta đã tìm mọi cách để biết vì sao chứ không vô cảm để cháu chết trên xe một cách đau lòng như vậy. Chỉ sau vụ việc này không lâu, lại xảy ra vụ nam sinh lớp 4 trường tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội) bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón học sinh. May mắn, cháu bé tỉnh dậy, đập cửa, nhờ người dân trợ giúp đưa ra ngoài…
Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc thí sinh ngủ quên trong phòng thi bị điểm 0 ở Cà Mau. Theo lý giải của Trưởng điểm thi và Giám thị coi thi hôm đó thì họ đã làm đúng quy chế, bởi cán bộ coi thi không thể nhắc nhiều lần vì làm như thế sẽ ảnh hưởng các em khác đang tập trung làm bài. Đặc biệt, vào phòng thi, Giám thị chỉ có thể nhắc nhở chung, không thể nhắc riêng một thí sinh nào…
Dù cho Giám thị và Trưởng điểm thi giải thích là đúng quy chế, nhưng tôi vẫn cảm thấy tiếc nuối. Không phải vì tiếc cho thí sinh là học sinh giỏi mà bị lỡ làng tốt nghiệp do ngủ quên, vì với học sinh trong đội tuyển của một trường chuyên, thì việc năm sau thi lại để đạt điểm cao là khá dễ dàng.
Mà tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng, ngộ nhỡ hôm đó không phải thí sinh buồn ngủ, mà em bị bệnh gục xuống không tỉnh lại nữa thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Nếu trong phòng thi, những người coi thi thực sự có tình yêu thương, có lẽ họ đã không để một học sinh “ngủ” lâu đến thế mà không cần biết lý do. Việc đánh thức em dậy để phòng tránh trường hợp xấu về sức khỏe có thể xảy ra chắc chắn là việc làm có thể thông cảm được.
Chợt nghĩ về yêu thương mà con gái tôi đã được thầy cô trao tặng, tôi lại thầm nuối tiếc, giá như thí sinh đó cũng gặp những người thầy như thế ở trong phòng thi, có lẽ mọi chuyện đã khác.
Và quan trọng hơn, cảm nhận của em về cuộc sống này cũng sẽ đẹp đẽ hơn rất nhiều./.