Đứa trẻ dù ngoan hay hư, thành công hay thất bại vẫn mãi được cha mẹ yêu thương, chở che. Nhiệm vụ của người làm cha, làm mẹ là giáo dục con cái trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, có nhiều bậc cha mẹ làm ngơ trước những vấn đề mà con mình mắc phải. Họ không làm tròn trách nhiệm khiến đứa trẻ nhận thức sai lệch, gây ra những hành vi xấu, ảnh hưởng không tốt tới tương lai của chính đứa trẻ, của gia đình và xã hội.
Trên thực tế, có rất nhiều đứa trẻ ngỗ nghịch đến từ nguyên nhân gia đình, từ cách dạy dỗ của cha mẹ. Bởi trong quá trình trẻ trưởng thành, cha mẹ chỉ cần lơ là, không chú ý tới các biểu hiện nhỏ trong thay đổi tính cách và hành động của trẻ rất dễ khiến trẻ sẽ đi sai hướng, tự hủy hoại bản thân.
Câu chuyện dưới đây chắc chắn sẽ khiến nhiều bậc làm cha, làm mẹ phải suy ngẫm.
Bí quyết giáo dục nằm ở một từ giúp các con "hoá rồng, hóa phượng"
Hei Xiaolong quê tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Ông từng giữ chức Tổng giám đốc công ty Máy bay Hughes ở Hoa Kỳ, kiêm Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Acer Đài Loan (Trung Quốc). Và ông cũng là một trong những Phó chủ tịch của một số chương trình văn hóa và giáo dục ở Đài Loan. Ông Hei Xiaolong có sự nghiệp thành công nhưng về phương diện nuôi dạy con cái thì lúc đầu không suôn sẻ.
Ông Hei Xiaolong có tất cả là 4 người con, gồm 3 con trai và 1 con gái. Ngoại trừ người con trai cả biết nghe lời thì 3 người con còn lại đúng là nỗi rắc rối thực sự. Thậm chí, đôi khi ông thấy những đứa trẻ như cơn ác mộng của cuộc đời ông.
Ông Hei Xiaolong được nhiều người ngưỡng mộ vì nuôi dạy nên những đứa trẻ thành công
Một lần khi cả nhà đang đi mua sắm tại siêu thị, cậu con trai thứ hai của ông Hei Xiaolong đã lén lút ăn cắp 1 đôi găng tay rồi bỏ vào túi. Hành vi này đã bị nhân viên siêu thị bắt quả tang. Quá bất lực và xấu hổ, vợ của ông Hei Xiaolong bật khóc ngay tại chỗ. Bà trách móc bản thân không biết mình đã nuôi dạy con như thế nào mà để con gây ra hành vi sai lệch, không chấp nhận được như vậy.
Còn cô con gái thứ ba của ông Hei Xiaolong là người thích ăn diện ngay từ nhỏ. Càng lớn, cô bé càng đua đòi, thích mặc những trang phục lòe loẹt, đủ màu sắc. Cô bé không nghe lời cha mẹ, thường xuyên có hành vi chống đối. Sau khi vào cấp 2, thành tích học tập của cô bé sa sút, nảy sinh tình cảm với một vài người bạn khác giới.
Cậu con trai út có thành tích học tập không đến nỗi tệ, nhưng tính cách quá mạnh mẽ, luôn tự cho mình là giỏi nhất và không nghe lời cha mẹ, thầy cô.
Thời điểm các con trong độ tuổi nổi loạn, vợ chồng Hei Xiaolong "đau đầu", nhiều lúc bất lực vì không dạy được con. Không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng, áp lực. Nhiều người xung quanh còn cho rằng các con của ông Hei Xiaolong đã "hỏng", không thể thay đổi.
Thế nhưng bây giờ, cả 4 con của ông Hei Xiaolong đều thành công, đi đúng hướng, thi đỗ vào các trường đại học nổi tiếng với thành tích đáng ngưỡng mộ. Và sau tất cả những biến cố thăng trầm, có thể thấy được quan điểm nuôi dạy con của ông Hei Xiaolong hoàn toàn đúng đắn.
Thật ra, ông không có quan điểm gì cao siêu mà tất cả chỉ gói gọn trong 1 từ, đó là "CHẬM".
Ông Hei Xiaolong tin rằng chỉ có cách chậm lại, không nóng nảy trong việc nuôi dạy những đứa trẻ, biết kiểm soát cảm xúc bản thân, thường xuyên tâm sự để thấu hiểu con thì mới đạt được kết quả như mong muốn.
Và thực sự ông Hei Xiaolong đã thực hiện từng bước một trong việc dạy bảo những đứa con. Ông dành nhiều thời gian trò chuyện để hiểu mong muốn của con, tôn trọng quyền lựa chọn mà con đưa ra. Trên cơ sở đó, ông hướng dẫn và truyền cảm hứng để các con vững đi trên con đường chinh phục ước mơ phía trước.
Và kết quả của quá trình chậm rãi, cẩn thận đó là cả 4 người con của ông đều trúng tuyển vào những trường đại học nổi tiếng thế giới. Vì vậy, có thể thấy quan niệm nuôi dạy con của ông Hei Xiaolong rất đúng đắn, khoa học và đem lại hiệu quả cao. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo để quá trình nuôi dạy con trở nên dễ dàng hơn.
Ông Hei Xiaolong đã cảm hóa những đứa con ngỗ nghịch
Cha mẹ nên "chậm" thế nào để giáo dục con hiệu quả?
1. Đừng so sánh gia đình mình với gia đình người khác
Nếu cha mẹ muốn chậm lại để đạt hiệu quả trong việc giáo dục con cái, thì điều đầu tiên phải làm là đừng so sánh gia đình mình với gia đình người khác.
Cha mẹ đừng nên đặt con lên bàn cân với những đứa trẻ khác để so sánh kết quả học tập hay tính cách... Bởi cụm từ "con nhà người ta" vừa làm trẻ khó chịu, tủi thân, vừa khiến cha mẹ cảm thấy lo lắng với việc học của con mình. Từ đó, cha mẹ sẽ sinh tâm lý khắt khe, bắt ép con phải học cho bằng bạn bằng bè.
2. Cho con không gian được tự do phát huy năng lực
Cha mẹ đừng nên hạn chế trẻ. Đó là cách cha mẹ đang hủy hoại sự năng động và sáng tạo ở trẻ. Hãy là cha mẹ thông thái, cho con mình không gian thoải mái, được tự do sáng tạo, vui chơi và kết bạn. Bởi chỉ có như vậy, trẻ mới có thể lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc và không hình thành tâm lý chống đối.
3. Cha mẹ đừng dồn toàn bộ tâm trí vào con
Đối với cha mẹ, con cái là tài sản quý giá, vì thế trẻ thường được bao bọc, chở che. Nhưng cha mẹ cần hiểu, sau này khi khôn lớn, trẻ cũng sẽ có một cuộc sống cho riêng mình và phải tự lập, tự kiểm soát và xử lý mọi vấn đề.
Vì thế, cha mẹ không nên dồn toàn bộ tâm trí vào con, hãy cho mình chút không gian riêng. Và cha mẹ nên hiểu rằng, con cái ắt tự có phúc của riêng mình, cha mẹ chỉ cần làm tròn trách nhiệm trong việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ.
Chỉ khi cha mẹ có thể chậm lại, chứng kiến quãng thời gian trưởng thành của con, là người bạn đồng hành, là người thầy nhân từ thì đứa trẻ mới vững bước trên hành trình tiến về phía trước. Trẻ mới có nhiều cơ hội thành công, cảm thấy cuộc đời tươi đẹp và ý nghĩa.