Ngoài việc được biết đến là một người sếp tâm lý, tận tụy thì Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến còn nổi tiếng với vai trò "định hướng" khi thường xuyên đưa ra những lời khuyên công việc hữu ích cho các bạn trẻ.

photo-3-16808432581781987958742.jpg

Sếp Hoàng Nam Tiến

Mới đây, xuất hiện trong chuỗi sự kiện của show truyền hình thực tế Whose Chance – Cơ Hội Cho Ai, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến đã tiếp tục có phát ngôn gây chú ý.

Cụ thể, một bạn sinh viên đã đặt câu hỏi: "IT vẫn là vua của mọi nghề. Trong tương lai, IT có thực sự là một kỹ năng sẽ cần thiết với mọi ngành nghề hay không?".

Trước câu hỏi này, sếp Tiến đã có những chia sẻ liên quan. Bên cạnh đó, ông cũng có thêm nhận định riêng về những ngành nghề có triển vọng trong tương lai và những ngành có khả năng bị trí tuệ nhân tạo "gây sức ép" lớn, trong đó phải kể đến như: Giáo viên, luật, y tế, marketing, tài chính, kế toán.

Điển hình, sếp Hoàng Nam Tiến có lấy ví dụ chứng minh về ngành Kế toán: "Tập đoàn chúng tôi có 60.000 người, nhưng chỉ có 6 kế toán, nếu mà bình thường các công ty khác cần 200 kế toán. Hiện tại, hệ thống tự động chạy hết, chúng tôi chỉ duy trì 6 kế toán ở tập đoàn, tất nhiên ở các công ty thành viên vẫn có kế toán. Nhưng tại một tập đoàn 60.000 người chỉ có ngần ấy kế toán thì bạn đủ hiểu áp lực lớn như thế nào".

Đến đây, nhiều người có ý định theo học ngành Kế toán hay thậm chí cả những sinh viên đang theo học ngành này không khỏi hoang mang. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, một trong số đó phải kể đến thắc mắc: "Liệu ngành học này đã thất thế hay chưa?".

Ngành Kế toán liệu đã thất thế?

Hiện nay, chỉ cần gõ chữ "top những ngành nghề thất nghiệp" là đã có vô vàn những ngành nghề được liệt vào danh sách này, trong đó ngành Kế toán luôn ở vị trí đầu bảng. Thật ra, đây không phải là những thông tin suông thiếu kiểm chứng mà theo số liệu thống kê từ năm 2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Kế toán – Kiểm toán là một trong những ngành nằm trong nhóm dư thừa lao động.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngành Kế toán "thất thế". Bởi theo"Bản tin thị trường lao động Việt Nam Quý III năm 2022" của ban biên tập Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát hành, nhóm ngành Kế toán - Kiểm Toán lại có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất hiện nay. Đây là kết luận dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, Cục việc làm và Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

Kết luận trên dường như càng được hậu thuẫn hơn phần nào khi tỷ lệ sinh viên ngành Kế toán ra trường có việc làm luôn ở ngưỡng rất cao. Cụ thể, theo "Bảng báo cáo tình hình việc làm của sinh viên" năm tốt nghiệp 2021 của trường Đại học Ngoại thương, tỷ lệ sinh viên ngành Kiểm toán - Kế toán của trường tốt nghiệp có việc làm luôn là 97,80%. Còn đối với Học viện Tài chính - một trong những trường top đầu cả nước về đào tạo ngành Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, có tới 98,39% sinh viên đã có việc làm sau một năm tốt nghiệp, trong đó tỉ lệ có việc làm cao nhất là Quản trị kinh doanh và ngành Kế toán.

photo-2-1680843254640776919100.jpg

Sinh viên Học viện Tài chính

Có thể thấy, xét về khía cạnh cầu nhân lực, ngành Kế toán vẫn nằm trong nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao. Ngành Kế toán dù nguồn cung cao, tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng nhu cầu tuyển dụng cũng cao. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có nghịch lý như vậy?

Đầu tiên là ở khía cạnh "nguồn cung cao", chỉ riêng trong số hơn 400 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam, có tới hơn 200 trường có đào tạo chuyên ngành kế toán và kiểm toán. Các trường có đủ mọi hệ đào tạo và cấp bậc đào tạo, từ trung cấp, cao đẳng, liên thông đại học, đại học chính quy, cao học và đào tạo tiến sĩ với đủ các hệ chính quy, tại chức, đào tạo từ xa. Mỗi năm có hàng vạn sinh viên, học sinh chuyên ngành kế toán, kiểm toán ra trường.

Tiếp đến là "tỷ lệ thất nghiệp cao", theo thông tin phản hồi từ các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự cho bộ phận kế toán có đến 80% - 90% những sinh viên được tuyển dụng chưa có khả năng tiếp cận ngay được với công việc của một "kế toán" thực sự. Hầu hết sinh viên Kế toán ra trường phải đào tạo, hướng dẫn lại. Chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo chưa đáp ứng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Theo nghiên cứu "Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" năm 2021 của tác giả Dương Thị Thiều, cả nước hiện nay có 2.037 kiểm toán viên, khoảng trên 1.000 kế toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề. Số lượng này là quá thấp so với nhu cầu thực tế của thị trường (cần khoảng 7.000 kế toán viên, kiểm toán viên).

photo-1-16808432473251260453308.jpg

Hiện nay chỉ có khoảng trên 1.000 kế toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề

Như vậy, xét một cách tổng thể, nguồn nhân lực ngành Kế toán hiện nay đang ở trong tình trạng thừa về số lượng song lại hạn chế về chất lượng. Điều này thể hiện ở nhiều khía cạnh như: biểu hiện năng lực, chất lượng của nhân lực trong quá trình tìm kiếm việc làm, khả năng ngoại ngữ yếu, hiểu biết về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa quốc gia còn hạn chế, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và tính chủ động công việc chưa cao, thiếu kỹ năng mềm...

Làm sao để các kiểm toán viên tương lai không bị thụt lùi?

Từ thực trạng trên, để không bị thụt lùi lại phía trong trong thị trường việc làm khắc nghiệt như hiện nay thì các Kế toán viên tương lai cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phát triển toàn diện bản thân, chẳng hạn như:

- Am hiểu, vận dụng và sử dụng công nghệ linh hoạt vào trong công việc để tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng dịch vụ.

- Không ngại khó, ngại khổ khi phải tiếp thu với những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mới. Hiểu rõ bản chất và nắm vững nguyên tắc ứng xử trong lĩnh vực chuyên môn, vận dụng khả năng nhìn nhận vấn đề để có thể phân tích và đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp.

- Yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp cũng là yếu tố rất quan trọng khi mọi công việc đều có thể xử lý bằng công nghệ: bảo mật thông tin khách hàng, tôn trọng sự thật... Bởi suy cho cùng, một trong những điều mà AI không thể thay thế được con người đó là những nội tại bên trong.

- Các kế toán viên cần am hiểu về hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế. Có khả năng sử dụng ngoại ngữ thuần thục và sở hữu các chứng chỉ hành nghề quốc tế.

- Không chỉ tập trung phát triển kỹ năng cứng, mà các kiểm toán viên tương lai cần trau dồi các kỹ năng mềm như: Làm việc nhóm, nói trước đám đông, khả năng thuyết trình...

Tổng hợp

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022