Ở mỗi nước có cách nuôi dạy trẻ khác nhau và rất đặc biệt.

1. Trẻ mẫu giáo ở Ý học làm mộc bằng búa và cưa

Trong các trường mầm non theo phương pháp giáo dục sớm Reggio Emilia, trẻ em được khuyến khích phát triển kỹ năng toàn diện thông qua sự gắn kết với thiên nhiên. Cảnh tượng phổ biến mà bạn có thể quan sát được khi ghé thăm một trong số những trường học này là trẻ em đang dùng búa để đóng đinh và dùng cưa để xẻ gỗ, nhằm tạo ra những tác phẩm độc đáo của riêng mình.

photo-3-1670309913024693785019.jpg

Peter Moorhouse, một chuyên gia về giáo dục mầm non cho hay, phương pháp Reggio Emilia tạo ra rất nhiều cơ hội tương tự để trẻ thể hiện bản thân. Kỹ năng sử dụng búa và cưa thuần thục của các em khiến nhiều bậc phụ huynh kinh ngạc.

Gỗ và các dụng cụ làm mộc ở đây đóng vai trò như công cụ giáo dục giúp trẻ tăng cường khả năng sáng tạo, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề và tập trung hoàn thành nhiệm vụ.

2. Trẻ em Pháp ăn uống như người lớn

Bạn sẽ khó tìm thấy thực đơn dành cho trẻ em tại các nhà hàng ở Pháp. Tương tự, tại bất kỳ sự kiện đặc biệt nào, trẻ em Pháp cũng không được xếp bàn riêng với các lựa chọn đồ ăn và thức uống khác người lớn.

Trẻ em Pháp nhìn chung ăn uống khá ngoan ngoãn, đáp ứng hầu hết nhu cầu dinh dưỡng của chúng thông qua ba bữa chính và một bữa ăn nhẹ hàng ngày. Trẻ ngồi cùng bàn với gia đình để ăn tối, thường được bày biện khăn trải bàn và những món y hệt bố mẹ.

Ngay cả bữa trưa ở trường cũng có xu hướng bao gồm bốn món phục vụ theo phong cách nhà hàng, và học sinh có tối thiểu 30 phút để thưởng thức bữa ăn một cách ngon miệng.

photo-2-1670309903054834133945.jpg

Karen Le Billon, tác giả một cuốn sách về trải nghiệm của mình ở đất Pháp sau khi cùng gia đình từ Canada sang định cư, chia sẻ với BBC rằng việc người Pháp dạy trẻ theo cách này đã giúp hạn chế tình trạng kén ăn ở trẻ. “Người Pháp tin rằng trẻ em có thể học cách ăn và yêu thích tất cả món ăn”, cô nói.

Theo Le Billon, thay vì nói với trẻ rằng một loại thực phẩm nào đó là thực phẩm bổ dưỡng hay ra lệnh cho trẻ phải ăn nó, bố mẹ Pháp thường khuyến khích trẻ nếm thử bởi vì nó có vị ngon.

3. Trẻ em Nhật Bản tự đi bộ đến trường

Chương trình truyền hình nổi tiếng “Old Enough” (Con đã lớn khôn) phản ánh văn hóa nuôi dạy con ở Nhật Bản, khi ống kính camera dõi theo hành trình thực hiện những nhiệm vụ như đi mua đồ ở hàng tạp hóa của trẻ từ 2-5 tuổi. Chúng làm điều đó một mình, với sự giám sát của người lớn từ xa để đảm bảo an toàn.

Thực tế, việc trẻ em Nhật Bản sử dụng giao thông công cộng hoặc đi bộ đến trường một mình từ lớp 1 không phải là điều gì quá xa lạ. Trong những không gian kín và an toàn như trường học, trẻ cũng được giao những nhiệm vụ luân phiên như dọn dẹp lớp học, cọ nhà vệ sinh, phục vụ bữa trưa cho bạn cùng lớp.

4. Trẻ sơ sinh ở Scandinavia ngủ trưa ngoài trời

Ở Đan Mạch và một số quốc gia mùa đông dài, bạn sẽ dễ bắt gặp cảnh tượng hàng loạt xe đẩy được đặt bên ngoài quán cà phê, trẻ sơ sinh vẫn nằm ngủ trong đó yên bình. Phụ huynh Đan Mạch tin rằng không khí trong lành giúp trẻ ngủ ngon hơn và cũng tốt cho sức khỏe của chúng. Họ ngồi thưởng thức đồ uống trong quán cà phê hoặc trong nhà, để mắt đến con từ chiếc bàn cạnh cửa sổ.

Cách nuôi trẻ này diễn ra ở Đan Mạch và Phần Lan qua nhiều thế hệ, tuy nhiên không phù hợp với mọi quốc gia. Năm 1997, bà mẹ Đan Mạch Annette Sorensen để con bên ngoài một nhà hàng ở thành phố New York (Mỹ) để vào ăn uống với bạn đời, kết quả cô bị bắt và tạm thời mất quyền nuôi con.

Độ an toàn của không gian công cộng là yếu tố quan trọng nhất để chính quyền cho phép phụ huynh làm điều này.

5. Trẻ em Ý thường đi ngủ muộn

Không có gì lạ khi bạn nhìn thấy một gia đình đẩy xe quanh quảng trường vào lúc 8, 9 giờ, thậm chí 10 giờ đêm. Người Ý ăn tối muộn, và trẻ thường ăn cùng người lớn như ở Pháp. Do đó, các hoạt động chung của gia đình sau đó cũng sẽ kết thúc muộn hơn.

Nghiên cứu cho thấy trẻ em Ý nhìn chung ngủ ít hơn so với trẻ em ở các quốc gia Pháp cho đến khi 6 tuổi, nhưng chúng được tạo thói quen và môi trường giúp giấc ngủ ít bị gián đoạn đáng kể.

6. Trẻ Ấn Độ được chăm sóc bởi nhiều thế hệ gia đình

Cách nuôi dạy con cái theo chủ nghĩa cá nhân rất phổ biến ở Mỹ, khác xa với nhiều nơi như Ấn Độ, với triết lý chăm sóc theo chủ nghĩa tập thể.

Trong một nghiên cứu về các gia đình Ấn Độ kéo dài hàng thập kỷ, nhà nhân chủng học Susan Seymour đã công nhận người Ấn có thói quen để một đứa trẻ được chăm sóc bởi nhiều thành viên, nhiều thế hệ trong gia đình.

photo-1-1670309878279214452904.jpg

Thay vì được mẹ chăm sóc cả ngày, những đứa trẻ Ấn Độ được chuyển từ người thân này sang người thân khác, kể cả các thành viên nhỏ tuổi, để người mẹ có thể thực hiện các nghĩa vụ khác của mình.

“Trẻ em thường lớn lên trong các gia đình nhiều thế hệ”, bà nói. Văn hóa này cũng phổ biến ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

7. Người cha ở bộ lạc Aka đảm nhận nửa công việc chăm trẻ

Trên khắp thế giới, việc chăm sóc nhu cầu của trẻ nhỏ thường được gắn liền với hình ảnh người phụ nữ. Tuy nhiên, đã có tiền lệ nam giới đảm nhận một phần đáng kể nhiệm vụ này. Trong bộ lạc du mục Aka ở trung tâm châu Phi, các nhà nhân chủng học quan sát thấy những người cha dành 47% thời gian để chăm sóc con nhỏ.

Các vai trò có thể hoán đổi cho nhau linh hoạt. Phụ nữ Aka cũng đi săn trong khi đàn ông nấu nướng và ngược lại.

Mặc dù vị trí lãnh đạo cao nhất của bộ lạc thuộc về nam giới, nhưng cũng không có gì lạ khi bắt gặp hình ảnh một đứa trẻ đang ngậm núm vú của cha trong khi mẹ đi làm việc khác.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022