Theo đại diện từ Trường mầm non và tiểu học Quốc tế Sài Gòn Pearl (ISSP), sự tự tin của trẻ được hình thành từ những trải nghiệm thực tế, sự nỗ lực, cố gắng và cả khó khăn, thất bại. Cha mẹ có thể từng bước giúp trẻ xây dựng niềm tin vào bản thân bằng cách tạo môi trường khám phá, thể hiện bản thân,.
Trao quyền lựa chọn
Trẻ nhỏ thường tỏ ra kiên nhẫn hơn trong những việc yêu thích. Do đó, để trẻ phát triển sự tự tin, cha mẹ có thể bắt đầu từ việc cho phép con lựa chọn mọi thứ theo sở thích, từ trang phục, đồ chơi, món ăn hằng ngày đến lớp học năng khiếu về thể thao, hội họa hay âm nhạc.
Khi trẻ hứng thú với một điều gì, não bộ sẽ hình thành mục tiêu cụ thể và không ngừng cố gắng để hoàn thành. Việc trao quyền cho con đồng nghĩa cha mẹ đang cho trẻ cảm giác được tôn trọng, cảm nhận thế nào là niềm vui khi đạt thành quả và tạo lập thói quen chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình.
Học sinh ISSP trong tiết học tự chọn. Ảnh: ISSP
Lựa chọn của trẻ có thể đúng hoặc sai. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, cha mẹ nên quan sát, động viên và cho trẻ những lời khuyên hữu ích khi cần, thay vì quyết định thay. Phụ huynh cũng không nên quá lo lắng khi con gặp khó khăn vì những điều này sẽ rèn cho trẻ kỹ năng tự giải quyết vấn đề, củng cố sự tự tin và giúp con khám phá, phát triển khả năng đặc biệt.
Tạo môi trường thể hiện bản thân
Đại diện từ ISSP cũng nhận định, trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn khi sinh hoạt trong môi trường có điều kiện để thể hiện bản thân, chứng tỏ năng lực và cảm nhận những đóng góp của mình có giá trị.
"Cha mẹ có thể giúp trẻ củng cố sự tự tin từ những việc làm nhỏ: để con giúp đỡ dọn bàn ăn, tưới cây, chăm sóc thú cưng, dọn dẹp giường ngủ, tủ quần áo...", đại diện trường chia sẻ.
Giáo viên tại ISSP khuyến khích học sinh thể hiện quan điểm, năng lực bản thân. Ảnh: ISSP
Dạy trẻ cách thể hiện bản thân cũng là chủ đề thứ hai trong sáu chủ đề liên ngành thuộc chương trình Tú tài Quốc tế bậc Tiểu học (chương trình IB), chương trình giáo dục uy tín, đang được áp dụng ở 157 quốc gia trên thế giới. Trường mầm non và tiểu học Quốc tế Sài Gòn Pearl (ISSP) - trường quốc tế tại Bình Thạnh, TP HCM là ứng cử viên giảng dạy theo khung chương trình này.
Theo đó, xuyên suốt năm học, học sinh tại đây tham gia rất nhiều hoạt động cộng đồng, mang ý tưởng, sáng kiến của mình giúp đỡ những đối tượng khó khăn, trẻ em yếu thế. Trong đó có chương trình ngoại khóa trồng lúa ở Tà Lài, mang gạo thu hoạch gửi tặng tổ chức trẻ em đường phố.
Sắp tới, trường dự kiến tổ chức chương trình "hội chợ từ thiện" vào tháng 12 với nhiều hoạt động như: ca nhạc, múa hát, triển lãm, đấu giá gây quỹ, mở các quầy hàng bán sách vở quần áo cũ. Doanh thu từ chương trình sẽ quyên góp cho các tổ chức nuôi dạy trẻ khuyết tật, khó khăn, cơ nhỡ...
Học sinh ISSP tham gia hoạt động ngoại khóa tại Tà Lài. Ảnh: ISSP
Thầy Jason Barton - điều phối viên chương trình Tú tài Quốc tế bậc Tiểu học tại trường quốc tế ISSP cho biết, là một trường ứng cử viên giảng dạy chương trình này, ISSP mang tới cho học sinh cơ hội hiểu trách nhiệm liên quan đến tư duy quốc tế và đánh giá cao lợi ích khi làm việc cùng mọi người vì mục đích cộng đồng.
"Khi nhìn thấy những hành động hữu hình mình thực hiện tạo ra sự khác biệt, các em sẽ thấy mình là tác nhân thay đổi có năng lực, chủ động và tích cực", ông nói thêm.
Khen ngợi nỗ lực thay vì thành tích
Lời khen của cha mẹ, thầy cô tạo nên sức ảnh hưởng rất lớn đến sự tự tin của trẻ. Tuy nhiên, một lời khen không đúng sự thật sẽ hại nhiều hơn lợi. Điều này dẫn tới trẻ dễ sinh ra cảm giác tự mãn hoặc mất niềm tin vào những lời khen. Cả hai tình huống đều dẫn đến kết quả không còn động lực cố gắng.
Trẻ sẽ tự tin nhất khi có cảm giác được yêu thương, tin tưởng. Vì vậy, thay vì chỉ tập trung khen ngợi thành tích, năng lực, phụ huynh nên ghi nhận từng nỗ lực nhỏ của con ngay cả khi con thất bại. Điều đó sẽ giúp trẻ trui rèn sự bản lĩnh, sẵn sàng đương đầu mọi thử thách để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Thiên Minh