Tại hội thảo "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" với chủ đề "Chọn yêu thương - Chọn hạnh phúc", các chuyên gia phân tích, sau hai năm đại dịch, trường học tại Việt Nam cần hướng đến xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc.

Trên thực tế, nhiều hiệu trưởng, giáo viên tại Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm cách thức và giải pháp để giảm bớt áp lực; hỗ trợ giải quyết vấn đề bạo lực học đường; xây dựng môi trường học tập an toàn, yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu vì mục tiêu phát triển sáng tạo, nhân cách. Do đó, với nội dung xoay quanh ngôi trường hạnh phúc, hội thảo đã thu hút hơn 400 hiệu trưởng từ 50 tỉnh thành.

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện, cả nước có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông. Họ là người có vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên ngôi trường cho học sinh sáng tạo, cảm thấy được tôn trọng.

"Một hiệu trưởng hạnh phúc có thể xây dựng môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên phổ thông. Giáo viên sẽ mang đến hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh. Các em hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh. Như vậy, điều tốt sẽ lan tỏa trong xã hội", ông nói thêm.

-5829-1664252473.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rVYuTTDXn0Ge6pz6ZlReBw

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: VTV7

Chương trình còn được điều phối bởi GS. Peck Cho từ Đại học Korea (Hàn Quốc) kiêm cố vấn giáo dục của Chính phủ nước này và GS. Hà Vĩnh Thọ - nhà sáng lập Học viện Eurasia vì hạnh phúc và an lạc.

Với trải nghiệm làm việc cùng các nhà quản lý giáo dục, giáo viên Việt trước đây, GS. Peck Cho đánh giá việc thiết kế khung chương trình là chưa đủ. Giáo viên cần xây dựng thêm trải nghiệm giáo dục cho học sinh. Khung chương trình là yếu tố tập trung vào nội dung giảng dạy. Trong khi đó, "trải nghiệm giáo dục" là cách dạy học thúc đẩy học sinh chủ động tham gia, tạo động lực và sáng tạo.

"Thiết kế khung chương trình bản chất giống như một hoạt động tác động nhận thức, còn trải nghiệm giáo dục tác động đến cảm xúc", ông giải thích.

-9745-1664252473.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uenRYnxGS262GgldPzOnjA

GS. Peck Cho từ Đại học Korea kiêm cố vấn giáo dục của Chính phủ Hàn Quốc. Ảnh: VTV7

Giáo sư người Hàn Quốc cũng cho rằng một quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần trở thành một "chú ngựa ô" vượt qua các nước có điều kiện kinh tế vững mạnh hơn, thay vì chỉ đi theo dòng chảy phát triển thông thường.

Đồng quan điểm, GS. Hà Vĩnh Thọ đánh giá nền giáo dục Việt Nam hiện nay có những phẩm chất rất tốt, thể hiện ở điểm số PISA cao. Tuy nhiên, khi thế giới, xã hội, thị trường việc làm thay đổi, nền giáo dục cũng phải chuyển mình để thích ứng với những tình huống mới này, chuẩn bị cho thế hệ tương lai kiến thức, kỹ năng và tâm thế để đối mặt với thách thức của thời đại.

Dựa trên nghiên cứu khoa học, ông đưa ra 5 nhu cầu cơ bản của trẻ để phát huy tối đa tiềm năng, bao gồm: nhu cầu sinh lý; bình ổn cảm xúc; hòa nhập và chấp nhận xã hội; học tập và phát triển; các giá trị đạo đức. Theo đó, giáp viên cần nắm các giai đoạn phát triển của trẻ. Với từng thời điểm, cha mẹ, giáo viên và nhà giáo dục có thể áp dụng các chiến lược và phương pháp phù hợp nhất để hỗ trợ sự tiến bộ của trẻ.

-1699-1664252473.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fUDnAqmXED2p6tRk_Oyjxw

GS. Hà Vĩnh Thọ - nhà sáng lập Học viện Eurasia vì hạnh phúc và an lạc. Ảnh: VTV7

Sau hội thảo, nhiều hiệu trưởng đã lên kế hoạch triển khai các áp dụng cho đơn vị của mình. Trong đó, thầy Ngô Phi Công - Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Trà Mi (Quảng Nam) chia sẻ, đơn vị sẽ bắt đầu từ việc nhỏ nhất như lắng nghe cảm xúc của đồng nghiệp và học sinh, cùng nhau chăm sóc tốt khuôn viên trong trường...

Ông muốn xây dựng một ngôi trường không có bạo lực học đường, hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể của bất kỳ cá nhân nào. Đồng thời, theo ông, trường học nơi thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia và yêu thương.

"Giáo viên không chỉ truyền tải kiến thức văn hóa, mà còn dạy đạo đức làm người, lối sống lành mạnh, biết quan tâm và giúp đỡ mọi người", ông nói thêm.

-4001-1664252473.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_LqNgpzMaFgOgrxCxW1IaQ

Chương trình có sự tham gia của hơn 400 hiệu trưởng từ 50 tỉnh thành. Ảnh: VTV7

Hội thảo "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" được tổ chức tại tại Furama Resort, Đà Nẵng vào ngày 24-25/9. Chương trình được thực hiện dưới sự khởi xướng của VTV7 - Kênh truyền hình giáo dục quốc gia và thương hiệu LOF của Công ty cổ phần Sữa Quốc tế IDP đồng tổ chức.

Bà Phạm Đặng Minh Loan - CEO của IDP chia sẻ tại hội thảo, để hạnh phúc trở thành một nền tảng vững chắc, mỗi cá nhân cần gieo nhân hạnh phúc, tạo nên giá trị riêng cho môi trường xung quanh để lan tỏa những điều tốt đẹp. Trong tương lai, đơn vị tiếp tục xây dựng những chương trình song hành giữa hai lõi giá trị tinh thần và hành động trong chuỗi "Cùng Kun làm việc tốt mỗi ngày", "Lead With Lof".

Thùy Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022