Bùi Minh Đức, 30 tuổi, là học viên thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Massachussetts, Mỹ. Trong hơn 10 năm làm việc, trải qua nhiều công ty và tổ chức, anh Đức chia sẻ bốn cách giúp sinh viên mới ra trường chuẩn bị kinh nghiệm trong hồ sơ xin việc.
Hiện nay, không ít công ty tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm với người mới ra trường, hoặc ưu tiên người có kinh nghiệm. Vậy tân cử nhân có gì để đáp ứng họ?.
Đi làm thêm là giải pháp đầu tiên. Thời điểm chưa có chuyên môn vững vàng, những công việc làm thêm phổ biến là gia sư, nhân viên bán hàng, phục vụ trong nhà hàng, quán cafe. Khi có kiến thức tốt hơn về chuyên môn, bạn có thể tìm các công việc liên quan. Với một số ngành nghề như thiết kế, nội dung, nhiều bạn có thể tự tin nhận các công việc "freelance" (làm việc không bị gò bó về thời gian, địa điểm) từ khi còn đi học.
Nhà tuyển dụng thường ưu tiên ứng viên với kinh nghiệm liên quan đến chuyên môn ngành học. Dẫu vậy, tôi tin rằng kinh nghiệm từ các công việc như bồi bàn, pha chế cà phê vẫn tốt bởi các bạn có nhiều cơ hội va chạm thực tế, tiếp xúc với nhiều người, cũng như hiểu giá trị của đồng tiền.
Lựa chọn việc đi làm thêm trái ngành hay tập trung vào việc học phụ thuộc vào nhu cầu của từng người. Thời sinh viên, ngoài công việc gia sư và freelance, tôi dành thời gian còn lại để tập trung cho việc học cũng như tham gia các tổ chức, câu lạc bộ.
Bùi Minh Đức, du học sinh Việt Nam ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đi thực tập là cách thứ hai để sinh viên bổ sung kinh nghiệm. Giải pháp này dễ dàng hơn so với việc tìm kiếm các công việc đúng chuyên môn, vì đa số công ty không trả lương cho thực tập sinh hoặc trả mức tối thiểu.
Theo tôi, đừng chờ tới kỳ thực tập bắt buộc trong chương trình học (thường là kỳ 2 năm thứ tư). Việc cân đối thời gian để đi thực tập sớm hơn giúp bạn có tới 1-2 năm kinh nghiệm khi mới ra trường. Nhiều công ty lớn có chương trình thực tập hè cho sinh viên. Đây cũng là cách họ tìm kiếm các ứng viên triển vọng.
Ba là tham gia các câu lạc bộ sinh viên. So với trước, các hoạt động này đã không còn thu hẹp trong những chương trình tình nguyện mùa hè hay hiến máu nhân đạo. Những hoạt động nhằm phát triển các kỹ năng lãnh đạo, tổ chức dự án, kiến thức chuyên môn của sinh viên ngày càng nhiều. Qua đó, sinh viên được thực làm và mở rộng mối quan hệ.
Tôi thấy kinh nghiệm từ các nơi này đôi khi có giá trị hơn việc thực tập tại một số công ty. Chẳng hạn khi tham gia một câu lạc bộ hướng dẫn tour miễn phí cho khách nước ngoài, tôi cải thiện được khả năng tiếng Anh và cách xử lý các tình huống phức tạp. Với một câu lạc bộ khác, tôi được rèn luyện kỹ năng quản lý dự án, làm việc với đối tác, tổ chức sự kiện...
Thứ tư, bạn có thể lấy kinh nghiệm từ những dự án cá nhân hoặc khởi sự kinh doanh. Tôi cho rằng đây là những kinh nghiệm thực tiễn, giá trị nhất vì bạn phải chịu trách nhiệm về dự án của mình.
Lựa chọn công việc, hoạt động nào để làm giàu kinh nghiệm cho bản thân tuỳ thuộc vào nhu cầu, thời gian và năng lực của mỗi người. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng cùng một công việc nhưng mỗi người lại nhìn nhận, có bài học kinh nghiệm khác nhau. Đôi khi, điều quan trọng nằm ở cách bạn thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy điều bạn đã học được, không nhất thiết phải là các công việc "xịn" hay những công ty lớn mới đem lại cho bạn kinh nghiệm đáng giá.
Tôi từng kể kinh nghiệm đi du lịch hết 63 tỉnh, thành khi ứng tuyển vào một công ty du lịch. Những trải nghiệm đó giúp tôi có cái nhìn bao quát về du lịch Việt Nam cũng như thấu hiểu hơn về văn hoá - con người - cuộc sống ở mỗi vùng đất. Không phải ai cũng có những trải nghiệm như vậy, quan trọng là cách bạn thuyết phục nhà tuyển dụng.
Bùi Minh Đức