Chính phủ cho phép trường đại học nước ngoài thành lập cơ sở trong các khu kinh tế đặc biệt dọc theo biên giới Thái Lan khiến nhiều chuyên gia giáo dục nước này lo ngại, theo Bangkok Post ngày 22/5. Theo ông Arnond Sakworawich, giảng viên về khoa học tiên đoán và quản lý rủi ro tại Đại học Thống kê Ứng dụng thuộc Học viện Phát triển Quốc gia (Nida), điều này sẽ khiến nhiều trường đại học trong nước gặp nguy hiểm.
Thị trường giáo dục đại học của Thái Lan bị thu hẹp trong nhiều năm do sự chuyển đổi nhân khẩu, mức sinh từ cao giảm xuống thấp. “Hiện chỉ có khoảng 600.000-700.000 đứa trẻ ra đời mỗi năm ở Thái Lan, so với con số một triệu của 30 năm trước. Cục Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDB) cũng dự đoán số người thuộc nhóm tuổi đi học (0-21) sẽ giảm xuống còn 20% dân số vào năm 2040, mức giảm kỷ lục so với 62% năm 1980”, ông Arnond cho biết.
Năm 2016, NESDB đưa ra số liệu 704.050 trẻ ra đời ở Thái Lan. Trong thời gian nhập học năm ngoái, các trường đại học có 150.000 chỉ tiêu ở nhiều ngành học cho sinh viên, nhưng chỉ có 80.000 người nộp đơn thi tuyển. Con số này là lời kêu gọi thức tỉnh 170 trường đại học trên cả nước.
“Khi thị trường đang thu hẹp và bạn cho phép có thêm nhiều đối thủ hơn, chắc chắn mức cạnh tranh càng bị đẩy lên cao. Tôi nghĩ kịch bản xấu nhất là trong vòng một thập kỷ tới, 3/4 đại học ở Thái phải đóng cửa vì không có khả năng cạnh tranh với những trường nổi tiếng và trường nước ngoài”, ông nói thêm.
Đại học Thammasat đang tính đến việc cân bằng các khoa, ngành để tồn tại. Ảnh: Best Masters |
Pong-In Rakariyatham, nhà nghiên cứu về tuyển sinh đại học cho biết đã nhận thấy sự sụt giảm đáng kể về số lượng sinh viên và những thay đổi trong thị trường lao động có khả năng gây ra tác động lớn.
“Xu hướng xã hội mới có thể khiến một số chuyên ngành trở nên lỗi thời, vì vậy những trường muốn giữ vững tài chính có thể phải đóng một số chương trình giảng dạy nhất định. Các chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội có thể sẽ ra đi trước”, ông trăn trở.
Somwang Phithiyanuwat, học giả của Hội Hoàng gia cũng cho rằng các nhà quản lý trường đại học cần bắt đầu suy nghĩ về sự thay đổi số lượng sinh viên ở mỗi khoa để tồn tại. “Sinh viên bây giờ thích nghiên cứu các lĩnh vực khoa học tự nhiên hơn xã hội, do đó tôi nghĩ các trường đại học cần giảm chuyên ngành khối xã hội”.
Đại học Thammasat danh tiếng bậc nhất Thái Lan cũng không nằm ngoài nguy cơ bị đào thải, bắt đầu ý thức được số lượng sinh viên giảm dần và đang tìm cách cân bằng. Trường nghĩ đến việc thu hẹp hoặc thậm chí đóng cửa một số chuyên ngành xã hội quan trọng như luật, báo chí và truyền thông đại chúng.