Không phải ai sinh ra cũng đều hiểu hết kỹ năng của người làm cha mẹ, điều này cần được chỉ dạy và tích lũy kinh nghiệm trong nhiều năm. Và mỗi đứa trẻ sinh ra cũng đều mang cá tính riêng biệt, nên không phải cách dạy nào cũng đúng đối với tất cả. Tuy nhiên, trẻ em cũng là đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là qua lời nói. Sai lầm trong cách dạy con không phải là điều đáng trách, nhưng việc lựa chọn những từ ngữ phù hợp để dạy con cũng là cách giúp con trưởng thành tốt nhất.
Dưới đây là những câu nói của cha mẹ vô tình khiến con bị tổn thương mà bạn nên tránh.
“Ở tuổi của con, bố/mẹ còn làm được nhiều hơn thế”
So sánh không hẳn là cách tốt giúp tạo động lực cố gắng cho con, đôi khi điều này lại khiến những đứa trẻ cảm thấy mình thấp kém và vô dụng. Đặc biệt, nếu bạn so sánh con với chính mình, người đang làm cha mẹ, còn có thể làm cho tổn thương của con nhiều hơn gấp bội. Chúng có thể bị mặc cảm tâm lý và nghĩ mình không xứng đáng có được tình yêu thương từ phía cha mẹ.
Nếu việc so sánh diễn ra liên tục sẽ khiến đứa trẻ bị căng thẳng, hạ thấp lòng tự trọng của chúng và thậm chí có thể trở thành lý do khiến chúng trở nên xa cách cha mẹ.
“Bố/mẹ đã nói với con rồi mà”
Khoe khoang rằng bạn biết kết quả ý tưởng của con sẽ không giúp ích gì cho chúng là một bước cản lớn giảm thiểu sự sáng tạo. Chính điều này có thể khiến con tự cảm thấy mình không nên có bước đột phá mà cứ mãi sống theo khuôn khổ. Trong xã hội ngày nay, người có sự sáng tạo luôn tạo ra nhiều thành tựu hữu ích cho công việc và cuộc sống.
Tất nhiên không phải lối đi riêng nào cũng tạo nên sự khác biệt và dẫn tới con đường thành công. Nhưng việc kìm hãm sự phát triển và sáng tạo của con từ khi chúng còn nhỏ là điều không nên làm. Thay vào đó, bạn nên chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho con và động viên chúng vượt qua khó khăn, không sợ thất bại.
“Sao con không bằng một góc con nhà người ta”
Đem con mình đi so sánh với những đứa trẻ khác dường như là một xu hướng tất yếu và tự nhiên trong suy nghĩ, cảm xúc ở nhiều bậc phụ huynh. Điều này xuất phát từ việc nhiều cha mẹ luôn có mong muốn con phải biết nhìn thành tích của người khác mà phấn đấu cho “bằng bạn bằng bè” mà quên mất rằng con sẽ dễ tổn thương khi nghe cha mẹ so sánh mình với những bạn bè khác. Dẫu biết rằng không phải cha mẹ nào cũng có ý xấu khi nói ra câu này và cũng chỉ nhằm đẩy mạnh tinh thần cho con, nhưng cách làm này chỉ gây thêm áp lực cho con, đôi khi còn khiến con trở nên tiêu cực với bạn bè hơn.
Hãy để trẻ hiểu rằng con phải cố gắng hết sức để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Cũng hãy để con tự tin với những ưu điểm khác biệt riêng. Đừng gieo vào lòng trẻ sự ghen ghét, hơn thua, hiếu thắng với bạn bè khi con còn quá nhỏ.
“Bố/mẹ đang bận”
Guồng quay của xã hội luôn khiến những ông bố, bà mẹ phải tất bật lo cơm áo gạo tiền, lo sự nghiệp, lo chuyện gia đình. Vì thế, họ không thể tránh khỏi những lúc bận rộn và cũng cần có những phút giây được yên tĩnh nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu những câu như “Đừng làm phiền bố/ mẹ”, “Bố/mẹ đang bận, con đi ra chỗ khác chơi” thường xuyên xuất hiện nếu trẻ cần tới sự giúp đỡ của cha mẹ, thì đây sẽ là cách gián tiếp tạo nên một bức tường ngăn cách bạn với con cái.
Sự từ chối nói chuyện và chia sẻ liên tục từ bạn có thể khiến cho trẻ dần bị tổn thương và sinh ra trầm cảm và cho rằng cha mẹ không muốn lắng nghe mình, nghĩ rằng mình là một mối phiền toái và không ai cần mình nữa, dẫn tới việc chúng có xu hướng ít chia sẻ và bày tỏ với bố mẹ khi lớn lên.
Thay vào đó, cha mẹ hãy dành thời gian để chia sẻ với con và nếu quá bận, hãy nhẹ nhàng giải thích lý do rồi hẹn con nói chuyện khi bạn đã xong việc.
“Bố/mẹ không tin con”
Trẻ em ở độ tuổi hiếu động đôi khi có thể gây ra những rắc rối không đáng có. Hầu hết khi đối mặt với những rắc rối ấy, cha mẹ thường chất vấn và có nhiều lời mắng mỏ, kèm theo các câu khẳng định như “Con đang nói dối”, “Bố/mẹ không tin những gì con vừa nói”. Những câu nói này sẽ là “con dao” gây tổn hại nghiêm trọng tới mối quan hệ của cha mẹ và con. Điều này có thể dẫn tới việc trẻ không còn tin tưởng vào cha mẹ mình và không còn muốn chia sẻ, tâm sự bất cứ chuyện gì của bản thân.
Để tránh làm con tổn thương, cha mẹ hãy chú ý tới những lời nói của mình, cần tôn trọng, tin tưởng và hiểu được những việc trẻ làm.
“Đừng để bố/mẹ xấu hổ vì con”
Đây là một câu nói phổ biến khi cha mẹ mong muốn con phải làm tốt nhất một điều gì đó. Và nếu việc làm của con gặp thất bại sẽ phải nghe những lời mắng mỏ khiến trẻ cảm thấy tự ti, không xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cha mẹ, dẫn tới tự nghĩ mình là người vô dụng.
Vì thế, thay vì tạo áp lực cho con bằng cách khiến trẻ sợ sệt, các bậc làm cha mẹ nên nhẹ nhàng động viên con cố gắng hết sức và tự tin vào chính mình.
“Con nên làm tốt hơn thế”
Mục đích của câu nói này là khiến trẻ thấy có lỗi, xấu hổ và thay đổi nhưng thực ra câu nói này lại đẩy trẻ vào thế phòng thủ, bị suy giảm sự tự tin, thậm chí trở nên ít nghe lời hơn.
Giải pháp nhằm hạn chế câu nói trên là bạn nên tập trung vào hướng giải quyết. Nhờ đó, cha mẹ sẽ cho trẻ có cơ hội được thực hành giải quyết các vấn đề và sửa lỗi của chính mình. Trẻ cũng sẽ chủ động nghĩ về những cách ứng xử nên đưa ra ngay từ đầu.
Người lớn đã từng làm trẻ con, nhưng trẻ con lại chưa từng được làm người lớn. Những trải nghiệm của con trẻ luôn ít ỏi và chúng cần phải được tích lũy dần dần theo năm tháng. Là những người đi trước và là chỗ dựa vững chắc, cha mẹ nên lựa lời nói và hành động để dạy con mà tránh làm chúng phải gánh chịu tổn thương tâm lý tới suốt cuộc đời.