PGS.TS Lê Đình Tùng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, cho biết như trên, tối 13/1.

Hà Nội dẫn đầu, và tăng hàng năm. Năm 2024, thủ đô có 479 học sinh đỗ, chiếm khoảng 26,86% tổng số thí sinh đỗ vào trường. Thanh Hóa đứng thứ hai với 219 học sinh. Kế đến là Nam Định và Nghệ An với lần lượt 163 và 77 học sinh. Tính giai đoạn từ 2022 đến 2024, top dẫn đầu không thay đổi.

Ngoài ra, những tỉnh, thành thường góp mặt trong top 10 trong ba năm qua là Bắc Giang, Ninh Bình, Phú Thọ.

Hạng Năm 2022 Năm 2023 Năm 2024
Tỉnh, thành Số lượng Tỉnh, thành Số lượng Tỉnh, thành Số lượng
1 Hà Nội 255 Hà Nội 337 Hà Nội 479
2 Thanh Hoá 114 Thanh Hoá 145 Thanh Hoá 219
3 Nam Định 98 Nam Định 107 Nam Định 163
4 Nghệ An 72 Nghệ An 68 Nghệ An 77
5 Phú Thọ 50 Phú Thọ 55 Bắc Giang 67
6 Hải Dương 47 Bắc Giang 54 Ninh Bình 62
7 Bắc Giang 46 Vĩnh Phúc 53 Phú Thọ 53
8 Thái Bình 39 Hải Dương 52 Vĩnh Phúc 53
9 Hưng Yên 38 Ninh Bình 42 Bắc Ninh 49
10 Ninh Bình 31 Hải Phòng 39 Hải Phòng 48

Ông Tùng cho biết Hà Nội luôn dẫn đầu về số lượng thí sinh trúng tuyển đến từ một số lý do như nhu cầu học các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe cao hơn, số học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế nhiều và đăng ký tuyển thẳng vào trường.

Từ năm 2021, ngoài xét thuần điểm thi tốt nghiệp THPT, trường có phương thức xét kết hợp điểm thi với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Thí sinh có chứng chỉ sẽ được áp dụng mức điểm chuẩn thấp hơn không quá 3 điểm đối với ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt và Điều dưỡng chương trình tiên tiến.

"Nhiều học sinh Hà Nội có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng đem lại lợi thế", ông Tùng nhìn nhận.

Với Thanh Hoá, ông Tùng cho biết do trường có phân hiệu tại địa phương này nên thu hút được nhiều thí sinh. Các tỉnh, thành khác trong top 10 đều là những địa phương có truyền thống hiếu học, chất lượng giáo dục cao.

y-hn-jpeg-1736824713-173682472-5206-8020-1736824887.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=S_R9PH2PvJOv_pqMgpRTqQ

Học sinh tham gia trải nghiệm một ngày làm sinh viên Y Hà Nội, tháng 4/2024. Ảnh: Fanpage nhà trường

Đại học Y Hà Nội là trường hàng đầu đào tạo khối ngành sức khỏe của cả nước. Điểm chuẩn ba năm qua từ 19 đến 28,83, cao nhất là ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt. Mức 19 thường chỉ áp dụng với 1-2 ngành đào tạo kỹ thuật viên xét nghiệm hay phục hồi chức năng ở phân hiệu Thanh Hóa.

Hiện, trường đào tạo 13 ngành gồm Y khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Điều dưỡng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng và Tâm lý học.

Từ năm 2025, Đại học Y Hà Nội dự kiến mở hai ngành mới là Kỹ thuật hình ảnh y học và Công tác xã hội.

Trường giữ ổn định các phương thức xét tuyển, gồm: xét tuyển thẳng, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA).

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022