“Đã bao lâu rồi bạn chưa dành thời gian cho bản thân?”, nếu đặt câu hỏi này với một người phụ nữ, có thể đối phương sẽ phải chờ rất lâu để nghe được câu trả lời “Vài tháng” hoặc “Đã lâu rồi”.
Nghiên cứu của Psychiatric Times chỉ ra rằng khoảng 1/4 công dân trên thế giới sẽ mắc bệnh tâm thần vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Trong đó, 1/5 phụ nữ có nguy cơ mắc các hội chứng lo âu, trầm cảm so với chỉ 1/8 nam giới.
Hiện nay, nhiều quốc gia và các môi trường khác nhau vẫn còn tồn tại sự khác biệt về giới trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần và cung cấp phương pháp điều trị.
Bên cạnh đó, nhóm phân tích còn tìm ra các yếu tố cụ thể ảnh hướng đến tâm lý của nữ giới bao gồm căng thẳng kéo dài do đảm đương nhiều trọng trách, phân biệt đối xử, chênh lệch lương và một số nguyên nhân khác như tỷ lệ nghèo đói, suy dinh dưỡng, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục.
Theo bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc quản lý nguồn nhân lực của HSBC Việt Nam, xã hội hiện đại tạo thêm nhiều cơ hội cho phụ nữ, nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều áp lực cho họ. Vì thế, bà cho rằng sức khỏe tinh thần (mental well-being) nên là một vấn đề quan trọng trong mọi cuộc tranh đấu bình đẳng giới.
Báo cáo Khoảng cách giới Toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố vào tháng 7/2022 cho thấy chỉ số về bình đẳng giới của Việt Nam tăng 4 bậc so với năm 2021, vươn lên vị trí 83/146.
Đặc biệt, chỉ số đánh giá việc phụ nữ tham gia và có cơ hội tham gia vào các hoạt động kinh tế, cho dù có giảm nhẹ so với năm trước đó, nhưng cũng giúp Việt Nam được xếp thứ hạng khá tốt, thứ 31/146.
Bà Trần Thị Nguyệt Oanh chia sẻ về vấn đề sức khỏe tinh thần cho phụ nữ. Ảnh: NVCC. |
Tâm lý "việc nhà là của phụ nữ"
Một trong những điểm quan trọng được bà Oanh quan tâm là sự khác biệt giữa nam và nữ trong việc chịu đựng căng thẳng.
Theo WEF, kể từ năm 1990 đến năm 2019, các rối loạn tinh thần, lo âu và trầm cảm ở phụ nữ toàn cầu chênh lệch lớn với nhóm còn lại.
Khi so sánh mức độ trải qua những cảm xúc tiêu cực của nữ giới trong năm 2020 và năm 2021, dữ liệu còn nhấn mạnh rằng phụ nữ đã chịu đựng sự căng thẳng, lo lắng, buồn bã và tức giận cao hơn 4% so với nam giới.
“Là một người làm công tác nhân sự, tôi may mắn được lắng nghe nhiều chị em tâm sự. Đối với họ, công việc là một phần quan trọng trong cuộc đời, giúp họ thăng tiến, khẳng định bản thân, hỗ trợ kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, gia đình và đặc biệt là con cái cũng là phần không thể thiếu.
Với người phụ nữ, chúng ta vẫn luôn muốn được nấu những bữa ăn ngon lành cho gia đình, không yên tâm khi để người giúp việc chăm sóc con cái của mình và còn rất nhiều việc khác cần đảm đương”, bà nhận xét.
Bà Oanh nói thêm khi vừa chăm sóc gia đình, vừa nỗ lực trong công việc, năng lượng mà người phụ nữ cần bỏ ra sẽ nhiều hơn, với quỹ thời gian cũng hạn hẹp hơn. Những lúc như vậy, họ thường quên mất việc chăm sóc cho bản thân, mà quan trọng hơn hết, chính là sức khỏe tinh thần.
Bà Simran Toor, Giám đốc điều hành của SG Her Empowerment, một tổ chức phi lợi nhuận về trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ, cũng đồng tình với ý kiến trên. Với bản năng quán xuyến việc nhà, nữ giới được xem là những người chăm sóc chính trong gia đình và thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn “cánh mày râu”.
“Trách nhiệm càng nhiều, gánh nặng tinh thần với họ càng lớn hơn. Đến một lúc quá tải, họ sẽ nhanh chóng bị kiệt quệ”, bà Toor chia sẻ.
Ngày càng có nhiều phụ nữ bị quá tải với khối lượng công việc trên công ty và gia đình. Ảnh: Medical News Today. |
Jingjin Liu (38 tuổi), người sáng lập Zazazu, công ty khởi nghiệp về công nghệ giúp phụ nữ giải quyết các vấn đề như sức khỏe, hành vi vi phạm và phân biệt giới tính, cho biết phái đẹp vẫn được kỳ vọng sẽ đảm đương nhiều trọng trách một cách dễ dàng.
“Khi thừa nhận mình đang gặp khó khăn, họ hay tỏ ra tự ti, xấu hổ hoặc sợ bị coi là không đủ năng lực để xử lý các nhiệm vụ và kiểm soát mọi thứ”, Liu nói và cho biết thêm cô từng bị quá tải 2 lần.
Tình trạng này dẫn đến “Cuộc chia tay vĩ đại” - theo hồi chuông cảnh báo từ dữ liệu Women In The Workplace 2022 của công ty tư vấn McKinsey & Co - được thu thập vào tháng 10/2022.
Vài tháng gần đây, những người phụ nữ đảm nhận vai trò lãnh đạo trên thế giới đang tìm lối thoát cho chính mình.
Điển hình là quyết định nghỉ việc của Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành của Meta, sau 14 năm cống hiến; Susan Wojcicki, giám đốc YouTube, từ chức sau 25 năm làm việc; Amy Hauk, giám đốc điều hành thương hiệu tại Victoria's Secret & Co., cũng chọn cách rời đi.
Trong lĩnh vực chính trị, hai trong số những nữ lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Nicola Sturgeon, Bộ trưởng đầu tiên của Scotland, đã bất ngờ tuyên bố từ chức với lý do kiệt sức.
Hướng đến công bằng giới
Theo các chuyên gia, quản lý tình trạng kiệt sức là một vấn đề không đơn giản với các cá nhân, tập đoàn và thậm chí cả xã hội.
“Phụ nữ nhận thức được sự nguy hiểm của tất cả chứng bệnh tâm lý, nhưng thực tế không cho phép họ được ngồi yên hoặc thực hiện các biện pháp chăm sóc bản thân cho đến khi nam giới sẵn sàng đảm nhận vai trò chăm sóc gia đình hoặc giáo dục con cái”, Jingjin Liu lưu ý.
Trong nhiều năm qua, thế giới đã luôn đấu tranh để tạo ra những cơ hội bình đẳng cho nữ giới. Nỗ lực đó phần nào đã mang lại những thành quả tích cực hơn cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo bà Oanh, cần thừa nhận rằng phụ nữ và nam giới có nhiều khác biệt, về mặt tâm lý hoặc cả về những ưu tiên của họ trong cuộc sống. Do vậy, đây là lúc khái niệm bình đẳng giới (gender equality) cần nâng cấp thành công bằng giới (gender equity).
Các doanh nghiệp cần cải thiện chính sách phù hợp cho nhân viên nữ để hỗ trợ họ nhiều hơn. Ảnh: New York Times. |
Theo bà giải thích, một cơ hội được trao đồng đều cho cả hai phái chưa chắc mang lại kết quả tốt đẹp như nhau.
Công bằng giới sẽ tính đến những khác biệt giữa nam và nữ, cho phép chúng ta cung cấp những sự hỗ trợ phù hợp với đặc tính từng giới nhằm giúp họ đạt được thành công.
Hiểu rõ được điều này, lãnh đạo nhân sự tại các doanh nghiệp sẽ có thể cải thiện và nâng cao chất lượng các chương trình phúc lợi (well-being) cho nhân viên, đặc biệt là nhóm nhân sự nữ.
Các cuộc đối thoại trực tiếp giữa người quản lý và nhân viên sẽ giúp họ hiểu hơn về những vướng bận, khó khăn của cấp dưới, từ đó có những hành động hỗ trợ phù hợp.
Những chương trình tư vấn đặc biệt dành cho nữ giới, hay các gói chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng giúp họ nhận thức sâu hơn về vấn đề này, nhờ vậy có thể điều chỉnh cuộc sống và giải tỏa cảm xúc bản thân tốt hơn.
Ngoài ra, các công ty cần phải đánh giá khách quan trong việc cắt giảm nhân sự và không nên phân biệt đối xử vì nguyên nhân giới tính, tình trạng hôn nhân hoặc trách nhiệm gia đình.
“Hy vọng các doanh nghiệp, tổ chức, xã hội và nhất là bản thân phụ nữ sẽ quan tâm chăm sóc đến sức khỏe tinh thần một cách nghiêm túc hơn. Đó chính là một trong những bước quan trọng trên hành trình của xã hội chúng ta tiến đến công bằng giới”, bà chia sẻ.
Cảm xúc tiêu cực tuổi 20
The Inner Game of Tennis là tác phẩm nổi tiếng được viết bởi Gallwey - một huấn luyện viên tennis chuyên nghiệp ở miền nam California. Đây cũng là cuốn sách giúp Bill Gates thoát khỏi thói quen tự trách khi gặp thất bại và hình thành phong cách lãnh đạo của ông. "Đó là cuốn sách hay nhất về tennis mà tôi từng đọc, và những lời khuyên sâu sắc trong đó có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh khác của cuộc sống", nhà sáng lập Microsoft viết.