1-17266318815891652004399.jpg

Từ trái sang: Soobin Hoàng Sơn, Tự Long, Cường Seven biểu diễn tiết mục Trống cơm

Là rapper Binz hát điệu chèo cổ xưa miền Bắc Đào liễu lại mặc áo dài tơ nhiễu đỏ, giày sneaker trắng, phối cùng điệu nhảy hip-hop của Tiến Đạt.

Rồi Trống cơm của Soobin, Tự Long và Cường Seven thành "hit" mới mẻ, làm mưa làm gió trong lễ khai giảng ở các trường học, với tiếng đàn bầu đã được đương đại hóa, viral trên mạng.

Glocalisation là thuật ngữ kết hợp giữa globalisation - toàn cầu hóa và localisation - địa phương hóa. Đây là khái niệm cốt lõi giúp hiểu về cách thế giới hiện đại vận hành, không chỉ áp dụng cho lĩnh vực kinh tế hay thương mại mà trong cả văn hóa, nghệ thuật và truyền thông.

"Toàn cầu hóa địa phương" - thế giới làm từ lâu

Ai mà ngờ rằng những bài hát dân gian, phổ biến đến mức nhàm chán với nhiều người, lại có thể gây sốt trong giới trẻ đến vậy. Nhạc truyền thống cũng có thể "cool" đến vậy sao?

Ca sĩ Soobin có lần nói rằng việc làm mới, giao thoa giữa các bài hát xưa cũ với hiện đại, kết hợp nhạc cụ mang bản sắc dân tộc đã được đón nhận, mở ra cho bạn những dự án có âm nhạc dân gian đương đại.

Nhưng đây không chỉ là xu hướng của riêng Việt Nam mà là xu hướng lớn trong giới âm nhạc toàn cầu bây giờ khi mà âm nhạc trở thành hình thức văn hóa năng động và linh hoạt nhất, vượt qua biên giới, hòa trộn những ảnh hưởng bốn phương. Một xu hướng tinh tế hơn đã xuất hiện: glocalisation - toàn cầu hóa địa phương.

Trích tiết mục Trống cơm trong Anh trai vượt ngàn chông gai

Nhiều thập niên qua, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc không ngừng đương đại hóa văn hóa truyền thống của họ, tạo nên những tác phẩm hiện đại tiếng trong nước và lan tỏa khắp thế giới.

Một ví dụ thành công nhất về glocalisation trong âm nhạc là K-pop.

Như BTS, BlackPink kết hợp những ảnh hưởng từ nhạc pop, hip-hop hay EDM phương Tây vào các bài hát của họ nhưng vẫn giữ nguyên ngôn ngữ, phong cách, giá trị Hàn Quốc, tạo nên một bản sắc âm nhạc độc đáo, pha trộn giữa cá nhân, dân tộc và toàn cầu.

Họ có thể hát bằng tiếng Anh, nhưng bản sắc Hàn Quốc vẫn rõ nét trong từng MV, trang phục, và thậm chí là thông điệp truyền tải.

Ở Nhật Bản, những nghệ sĩ trẻ như Yoshida Brothers hiện đại hóa nhạc cụ truyền thống shamisen, kết hợp với nhạc hiện đại thu hút cả khán giả trong nước lẫn quốc tế.

Điều này cho thấy glocalisation không chỉ là một xu hướng thoáng qua mà là một phần thiết yếu của sự phát triển văn hóa toàn cầu.

Hay các nghệ sĩ như J Balvin và Bad Bunny đã đưa phong cách reggaeton, vốn có nguồn gốc Panama và Puerto Rico với nhịp điệu Latin Mỹ và dancehall Caribbean, thành các bản hit quốc tế như Mi Gente và Dákiti.

Album Twice as Tall của Burna Boy, giành giải Grammy, là đỉnh cao của glocalisation, với các bản nhạc kết hợp nhịp điệu của Tây Phi với pop, hip-hop và dancehall toàn cầu, với phong cách Afrobeats vừa mang tính địa phương vừa mang tầm quốc tế.

Tờ Billboard viết rằng "Glocalisation" đang đưa âm nhạc địa phương lên các bảng xếp hạng toàn cầu. Các bản hit tiếng Anh từng thống trị, nhưng dần bị các nghệ sĩ biểu diễn bằng ngôn ngữ địa phương thay thế.

Và Việt Nam cũng bắt đầu

3-1726631881597199190402.jpg

Hoàng Thùy Linh đã glocalisation với Để Mị nói cho mà nghe từ khá lâu rồi

Sự thành công của Trống cơm "phiên bản Soobin" cho thấy các nghệ sĩ chọn đúng hướng đi.

Khán giả không chỉ đón nhận mà còn tự hào khi văn hóa dân tộc được thổi hơi thở đương đại, trở nên gần gũi, hợp thời với "gu" của gen Z.

Một sự kết hợp vừa đủ giữa cũ và mới, giữa dân tộc và toàn cầu.

Không chỉ Soobin, Hoàng Thùy Linh là cái tên tiên phong cho glocalisation trong âm nhạc Việt.

Các ca khúc Để Mị nói cho mà nghe hay See Tình khiến người nghe bất ngờ vì cách tiếp cận mới lạ.

Giai điệu bắt tai, vũ đạo cuốn hút, lồng ghép nhạc điện tử, pop, và các yếu tố thị giác hiện đại, và yếu tố Đạo Mẫu, làm nên sản phẩm âm nhạc vừa truyền thống vừa thời thượng, có sức hút với khán giả trong nước nhưng vẫn theo kịp xu hướng toàn cầu.

Nhưng xu hướng glocalisation ở Việt Nam đang giai đoạn sơ khai, nên còn nhiều thử thách, vấp ngã.

Các thử nghiệm táo bạo không thể tránh khỏi có lúc thất bại. Khi các nghệ sĩ cố gắng cân bằng giữa tính địa phương và sự hấp dẫn toàn cầu, họ có thể đối mặt với các chỉ trích "bán mình", chiếm đoạt văn hóa, hoặc làm loãng di sản văn hóa.

Tranh cãi về nguồn gốc hai con nghê màu xanh trên sân khấu bài Đào liễu gần đây là một ví dụ về thách thức dễ xảy ra đối với glocalisation.

trong-com-1-1726628270458680360403.jpg

Dù rất được khen với Đào liễu nhưng team của Binz vẫn bị tranh cãi bởi sự xuất hiện của hai con nghê xanh

Nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ

Làm glocalisation không đơn thuần là thay đổi vài yếu tố âm nhạc hay trang phục. Để thực sự thành công, nghệ sĩ cần hiểu sâu về văn hóa, lịch sử, và tâm lý khán giả.

Một sai sót nhỏ trong cách diễn giải văn hóa truyền thống có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực từ dư luận và truyền thông.

Các thử nghiệm không khéo léo có thể bị cho là phá vỡ hoặc lệch lạc giá trị truyền thống. Đó là tại sao hành trình glocalisation không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Có lẽ vì thế mà team Soobin đã khôn ngoan mời nghệ sĩ chèo Tự Long tham gia để có thể thực hiện việc làm mới giá trị truyền thống một cách tinh tế, thông minh, không chỉ hay mà còn phải đúng, làm hài lòng khán giả hiện đại nhưng không làm mất lòng những người yêu mến văn hóa dân tộc nguyên bản.

Một rủi ro nữa là nguy cơ "chiếm đoạt văn hóa" xuất hiện khi các yếu tố âm nhạc toàn cầu được tích hợp vào văn hóa địa phương mà không có sự hiểu biết hoặc tôn trọng ngữ cảnh gốc.

Sử dụng sai lệch các biểu tượng, phong cách hoặc chủ đề từ các nền văn hóa khác có thể gây ra phản ứng tiêu cực. Justin Bieber, Gwen Stefani hay Katy Perry là những ca sĩ từng bị cáo buộc chiếm đoạt văn hóa.

Tuy nhiên cũng có tranh luận rằng những ca sĩ nổi tiếng có thể mang lại sự chú ý và tôn vinh các bản sắc văn hóa đa dạng.

Việc bảo tồn bản sắc văn hóa khi kết hợp các yếu tố toàn cầu là thách thức lớn. Nếu không cẩn thận, bản sắc âm nhạc địa phương có thể bị lu mờ, gây chỉ trích vì mất đi nét độc đáo riêng. Vì thế, những nghệ sĩ chơi với glocalisation đều phải nhạy cảm với sắc thái văn hóa và thúc đẩy sự đa dạng văn hóa.

Để glocalisation bền vững

Soobin và Hoàng Thùy Linh là một thế hệ mới dám dấn thân, dám đổi mới và dám tự hào mang văn hóa Việt Nam vào dòng chảy toàn cầu. Đó chính là tương lai của nền văn hóa sáng tạo Việt Nam: tự tin, độc đáo và không ngừng phát triển.

Để glocalisation thực sự phát triển và bền vững, chúng ta cần tạo ra một không gian cởi mở hơn cho sự sáng tạo văn hóa.

Nghệ sĩ cần được trao cơ hội để thử nghiệm, kết hợp các yếu tố truyền thống và hiện đại, không bị bó buộc trong những khuôn khổ cứng nhắc.

Chỉ khi có không gian để tự do sáng tạo, văn hóa Việt mới có thể phát triển theo đúng tiềm năng của mình và tạo ra những sản phẩm văn hóa không chỉ dành cho người Việt mà còn có thể lan tỏa ra thế giới.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022