z4200237784662_153142bfd8106c88aedb57cb765bbe9f.jpg

Kim Kardashian bị cho là đem lại xui xẻo đến hai đội bóng PSG (Pháp) và Arsenal (Anh) khi có mặt trên khán đài, theo dõi hai CLB này thi đấu vào ngày 17&19/3.

Cô chị nhà Kardashian không được biết đến với tư cách một CĐV hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, vậy nên sự xuất hiện lập tức gây tò mò. Và khi hai đội bóng mạnh đều thua một cách khó hiểu trước những đối thủ yếu hơn vào ngày Kim có mặt trên sân vận động, ngôi sao truyền hình thực tế bỗng nhiên trở thành nhân vật bị đổ lỗi.

"Cô ta hiếm khi xem bóng đá và không phải là fan của môn thể thao này, nhưng vừa ám cả Arsenal lẫn PSG. Có lẽ hai đội bóng này nên cấm cô ta đến sân", một người hâm mộ chia sẻ. Nhiều CĐV khác cũng bày tỏ tương tự.

Thực tế, Kim Kardashian không có sự liên quan hay có tác động trực tiếp nào tới kết quả trận đấu. Về cơ bản, Kim cũng chỉ là một trong số hàng nghìn khán giả khác có mặt trên sân để xem bóng đá.

z4200240159073_f7e24e4123016adee6f16a443a02d05c.jpg

Kim Kardashian trên khán đài theo dõi trận đấu giữa PSG và Rennes.

Chưa cần bàn đến những vụ việc hiếp dâm, quấy rồi tình dục, nơi nạn nhân là nữ giới vẫn bị đổ lỗi là ăn mặc thiếu kín đáo hay đi về khuya một mình, việc coi phụ nữ là đối tượng gây ra sự xui xẻo, chịu trách nhiệm cho thất bại hay tội lỗi của nam giới vẫn xảy đến thường xuyên, hàng ngày.

Vật tế thần

Trước câu chuyện của Kim Kardashian, không khó để bắt gặp những câu chuyện CĐV hay giới truyền thông lấy phụ nữ làm "con dê tế thần" cho những thất bại khó hiểu, ngoài dự kiến của các nam cầu thủ.

Tại giải đấu World Cup mới nhất vào cuối năm ngoái, sau khi đội tuyển Đức lần nữa phải thu dọn hành lý về nước ngay từ vòng bảng, tờ báo Bild của nước này đưa ra lời lý giải cho thất bại này: vợ và bạn gái các cầu thủ. “Có vấn đề gì với dàn WAGs của chúng ta vậy?” là tiêu đề của bài viết trên Bild.

Tờ báo thắc mắc về việc những người phụ nữ không ra ngoài và tiệc tùng ở Qatar trong thời gian diễn ra World Cup. Họ thậm chí bị chỉ trích là kém sôi nổi như dàn WAGs Anh và xứ Wales - những người dường như có thể “uống cạn Qatar”, theo New York Post.

Sự đổ lỗi vô lý này gợi nhắc đến quá khứ của dàn WAGs Anh tại World Cup 2006. Khi đó, hình ảnh dàn "hậu phương" của đội tuyển dạo phố, vung tiền mua sắm và tiệc tùng ở thị trấn của Đức bị cho là khiến các cầu thủ “Tam sư” xao nhãng, dẫn đến kết cục bị loại ở tứ kết - thành tích bị đánh giá là "thảm hại" với kỳ vọng ban đầu.

Người Anh tức giận, ngoài chỉ trích màn thể hiện của các cầu thủ, CĐV cùng báo giới tiếp tục trút cơn thịnh nộ lên dàn WAGs, gọi họ là "chất độc tự nhiên" cho đội tuyển.

wagsb.jpg

Dàn WAGs của tuyển Anh tại World Cup 2006 là tâm điểm chú ý của truyền thông, sau đó trở thành đối tượng hứng chịu chỉ trích.

"Đám đông đổ lỗi"

Bên ngoài sân cỏ, những trường hợp nữ giới bị quy kết trách nhiệm cho những sự việc họ không tham gia cũng không hề thiếu, song song với đó là những suy nghĩ, quan điểm cổ hủ về phái nữ.

Năm ngoái, ở Nhật Bản, phụ nữ gầy gò bị cảnh báo sẽ dễ đẻ ra trẻ ốm yếu, mắc bệnh, gây tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng dân số. Vấn đề của suy nghĩ này bị chỉ ra là nó ngầm đổ lỗi cho phụ nữ vì tỷ lệ sinh giảm, thay vì tìm hiểu các lý do chính khác khiến nhiều người từ chối sinh đẻ.

Cuối năm 2016, dư luận Hàn Quốc phẫn nộ sau khi chính phủ thiết kế một biểu đồ hiển thị số lượng phụ nữ sinh đẻ ít hay nhiều, tùy theo khu vực. Khu vực nào có ít trẻ con ra đời bị xếp hạng là kém nỗ lực trong việc khuyến khích sinh con.

Những người phản đối chỉ trích tấm biểu đồ giống với "số liệu thống kê những con bò cái cấp cao" và làm tăng áp lực lên phụ nữ bằng cách khuyến khích người xem tự hỏi “tại sao có nhiều người không chịu sinh con trong khi rất nhiều người khác có thể".

Ở khía cạnh niềm tin, những người mê tín còn cho rằng khi ra khỏi cửa mà gặp phụ nữ thì không may hoặc đi thăm "bà đẻ" vào dịp lễ Tết là tự rước vận xui vào người.

unnamed_1_1_900x600.jpg

Nữ giới dễ dàng bị đổ lỗi từ những vụ việc họ là người trong cuộc cho đến các vấn đề họ không hề tham gia.

Tại một số nơi châu Á, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt bị xem là gây ô uế cho gia đình, dù đây là sự thay đổi sinh lý bình thường ở cơ thể nữ giới. Nhiều bé gái khi "đến tháng" bị đuổi đến sống trong những túp lều tạm bợ, thiếu sự chăm sóc vệ sinh cần thiết.

Với mục đích "tránh gây tủi nhục", phụ nữ không được đi chùa, không đến lễ hội, không được vào bếp nấu ăn hay thậm chí không được phép chạm vào đàn ông trong gia đình.

Phụ nữ dễ dàng bị đổ lỗi

Thói quen đổ lỗi cho phụ nữ đã tồn tại từ rất lâu, vẫn đang phổ biến và còn bị bình thường hóa trong xã hội. Theo Cosmopolitan, đây là phản ứng thường thấy sau một vụ việc gây chú ý: đám đông sẽ tìm một người phụ nữ để tấn công và trút giận lên họ, với khuôn mẫu hành vi rằng các cá nhân luôn muốn tìm lời giải thích cho lý do mọi thứ không hoàn hảo, đi chệch dự đoán ban đầu.

Verilymag đi tìm nguyên nhân đám đông hay đổ lỗi cho phụ nữ. Theo đó, nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nhiều khả năng thừa nhận họ đã mắc sai lầm (não bộ của phụ nữ nhận ra nhanh hơn nam giới khi mắc sai lầm).

Nhưng ngay cả khi phụ nữ nhạy cảm hơn với việc mắc lỗi, xu hướng tự trách bản thân này cũng rõ ràng trong các nghiên cứu liên quan đến tổn hại do người khác gây ra cho nữ giới, không phải bởi chính họ.

Nhà trị liệu tình dục và các mối quan hệ Esther Perel nhận định: “Khi phụ nữ bị lên án, điều đó cũng ngụ ý rằng đàn ông chỉ là những ‘con tốt’ bất lực và không có tội. Về cơ bản, chúng ta buộc phụ nữ phải chịu trách nhiệm về hành động của cả hai bên”.

Còn nhà sử học tâm lý Shannon Hannaway phân tích: "Trong thế giới chúng ta đang sống, đàn ông và phụ nữ được xã hội hóa theo cách không đổ lỗi cho đàn ông, còn phụ nữ bị đặt trách nhiệm không cân xứng lên vai ngay từ khi còn nhỏ. Các nghiên cứu phản ánh rằng từ ngày học tiểu học, quan niệm các bé gái cần nghe lời, tuân thủ lời người lớn và có trách nhiệm đã hình thành

Điều này được củng cố từ đó mỗi ngày, khi trẻ em trở thành thanh, thiếu niên và sau này là người lớn, vai trò này trong xã hội được 'đóng đinh' cố định".

Sự bất công với phụ nữ luôn ẩn mình trong xã hội hiện đại

Khi nghiên cứu về nhiều mặt của đời sống như: Giao thông, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội… phần lớn dữ liệu được thu thập từ nam giới, hoặc không phân biệt giới tính khi tiến hành khảo sát. Từ đó các nhu cầu của phụ nữ không được quan tâm đúng mức. Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về bình đẳng giới. Bình đẳng không nằm ở việc đặt hai giới ngang nhau khi suy xét một vấn đề cụ thể. Sự công bằng đến từ việc nhìn nhận một cách đúng đắn về các hạn chế của phụ nữ từ đó giúp họ thể hiện hết khả năng của mình và không bị tụt lại phía sau.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022