alien-main-17241417515331894295188.jpg

Alien: Romulus đại thắng phòng vé báo hiệu series Alien sẽ còn nhiều sản phẩm mới trong tương lai - Ảnh: 20th Century Studios

Quả thật, sau thời gian dài gây ám ảnh trên màn ảnh rộng, Alien (tựa Việt: Quái vật không gian) vẫn chứng tỏ mình là một tượng đài của dòng phim khoa học viễn tưởng. 

Không chỉ lâu đời, series này còn qua tay đến 10 đạo diễn, trong đó có những cái tên huyền thoại như James Cameron, David Fincher, và Ridley Scott - cha đẻ của cả series.

Kinh điển là thế, chất lượng của Alien thì lại khá không ổn định, theo nhiều nhà phê bình, những phim tốt nhất của thương hiệu có phần bỏ xa những phần còn lại. 

Trailer phim Alien: Romulus

Hôm nay, nhân dịp Alien: Romulus đang công phá các phòng vé trên toàn thế giới, Tuổi Trẻ Online ôn lại chặng đường của Quái vật không gian sau 45 năm làm mưa làm gió trên màn ảnh rộng.

Các phim được sắp xếp theo thứ tự từ hay đến dở nhất. 

Đây cũng là cơ hội để những khán giả mới khám phá series này có thể chọn những tựa phim ưng ý thưởng thức trước khi đến rạp xem Alien: Romulus.

1. Alien (1979)

Ở vị trí số một chắc chắn là phần phim đầu tiên do Ridley Scott "thai nghén", khi xem lại Alien, ta khó lòng tin được đây là một phim làm năm 1979. 

Nhờ có hiệu ứng thực tế (practical effect), thiết kế độc đáo của các quái vật không gian và phong cách làm phim chân thật đến kinh hoàng nhưng cũng đầy chất thơ của Ridley Scott, Alien dường như chưa "già" đi một tuổi nào, có thể nói là ăn đứt nhiều phim Hollywood thời điểm hiện tại.

alien-chestburster-scene-1724140740121381232919.jpg

Quái vật nhảy ra khỏi lồng ngực phi hành đoàn xấu số là một trong những phân cảnh kinh điển nhất Alien (1979), được làm hoàn toàn từ hiệu ứng thực tế - Ảnh: 20th Century Studios

Không chỉ phần nhìn, câu chuyện về hành trình của các thành viên tàu thám hiểm Nostromo đụng độ thực thể sống đáng sợ ngoài vũ trụ cũng gửi gắm cho độc giả nhiều thông điệp về lòng tham của chủ nghĩa tư bản, sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo, khiến cho bộ phim vẫn có giá trị xem lại đến tận ngày nay. 

Ngoài ra, Alien cũng sinh ra một trong những hình mẫu nhân vật nữ nổi bật là Ripley (Sigourney Weaver đóng), góp phần truyền cảm hứng cho nhiều phim hành động do diễn viên nữ đóng chính sau này. 

2. Aliens (1986) 

Phần tiếp theo của Alien tiếp tục là một tác phẩm kinh điển, được "phù thủy" James Cameron (đạo diễn phim Kẻ hủy diệt, Avatar, Rambo...) cầm trịch. 

Kế thừa một tác phẩm xuất sắc, James Cameron vừa dành nhiều sự tôn trọng cho người đồng nghiệp Ridley Scott, vừa "phù phép" được những dấu ấn cá nhân vào trong Aliens (1986). 

ripley-fights-the-queen-in-aliens-1724140740122932655380.jpg

Cuộc chiến cuối cùng giữa Queen Xenomorph và Ripley ghi dấu ấn sâu đậm trong văn hóa đại chúng - Ảnh: 20th Century Studios

Bằng chứng là những ngôn ngữ điện ảnh tiêu biểu và chất sử thi của Ridley Scott vẫn được "bảo tồn" nhưng bộ phim lại đi theo hướng hành động, tập trung vào nhân vật chính Ripley. 

Đây cũng là lựa chọn giúp James Cameron có thể sáng tạo mà vẫn giữ được những giá trị làm nên Quái vật không gian

Kết quả, chúng ta có một phim Aliens (1986) kịch tính, nhiều pha hành động mãn nhãn (nhất là cảnh Ripley đối đầu Queen Xenomorph) nhưng vẫn giữ được độ "máu me", kinh dị mà khán giả yêu mến. 

3. Alien: Romulus

Là tác phẩm mới nhất trong loạt phim, Alien: Romulus chứng tỏ mình hiểu được những cốt lõi làm nên Alien và gửi đến khán giả một "bức thư tình" chính hiệu. 

Bằng cách tái hiện bối cảnh, gợi nhắc những tình tiết của các phần phim đầu tiên một cách khéo léo, đạo diễn Fede Álvarez cho khán giả trải nghiệm ngồi lên cỗ máy thời gian trở về thời kỳ hoàng kim của thương hiệu Quái vật không gian

b5kkn3s7uipc1-17237026293682095849820.jpeg

Thành công của Alien: Romulus đến từ sự tôn trọng dành cho những giá trị cốt lõi của nguyên tác - Ảnh: 20th Century Studios

Điểm trừ của phim là những tình tiết gợi nhắc này đôi lúc làm các fan thấy hơi "ngộp" vì tần suất, dễ gây cảm tưởng phim đang dùng những người đi trước để làm "mồi câu" hoài niệm của khán giả. 

Dù chưa hoàn hảo, Alien: Romulus vẫn có thể tự tin đứng trên lưng những người khổng lồ và mở ra kỷ nguyên mới cho series này, nhất là sau thành công của phim cả về mặt hàn lâm lẫn tại phòng vé. 

Dành cho những khán giả mới, câu chuyện của phim diễn ra ngay sau sự kiện của phần đầu tiên nên chúng ta có thể xem Alien (1979) sau đó tiến ngay ra rạp để thưởng thức Alien: Romulus

4. Prometheus

Prometheus là phần tiền truyện đóng vai trò khám phá nguồn gốc của quái vật Xenomorph, do chính cha đẻ Ridley Scott thực hiện cùng tham vọng sẽ tìm được hướng đi mới cho dòng phim. 

Tác phẩm khởi đầu tương đối hứa hẹn, với nhân vật phản diện thú vị là người máy David (Michael Fassbender thủ vai) căm ghét loài người, thông điệp triết học về sự sống cùng với nhiều câu hỏi được trả lời như:

"Ai là người đã tạo ra quái vật?"; "Chiếc tàu vũ trụ trong phần đầu là của chủng tộc ngoài hành tinh nào?"...

david-8-alien-covenant-deacon-prometheus-17241410810071692868924.jpg

Người máy David là nhân vật có nội tâm phức tạp, là một trong những kẻ phản diện nổi bật nhất series - Ảnh: 20th Century Studios

Thế nhưng càng về sau, phim lại càng "mất đà" với nhiều tình tiết vô lý và những nhân vật con người có phần ngu ngốc vẫn được các fan đem ra làm trò cười đến tận ngày nay.

Đối với nhiều người, đây vẫn là một bộ phim xuất sắc vì quả thật phim khởi đầu rất ấn tượng nên ta có thể tạm thời "tha thứ" cho phần kết có phần đáng quên. 

5. Alien: Covenant

Là phần tiếp sau Prometheus, đạo diễn Ridley Scott quyết định cược gấp đôi sự tham vọng vào phần phim này, tuy vậy, nỗ lực của ông lại thu về nhiều ý kiến trái chiều từ cả khán giả và những nhà phê bình. 

alien-covenant-17241538066171389831763.jpg

Alien: Covenant

Những hạt sạn trong tình tiết và những quyết định ngớ ngẩn của các nhân vật là điểm bị chê nhiều nhất của Alien: Covenant, hai điểm sáng của phim là David, người máy có nội tâm phức tạp từ Prometheus và sự xuất hiện hoành tráng của quái vật Xenomorph. 

6. Alien Resurrection

Alien Resurrection là một tác phẩm khá kỳ lạ, tuy thời điểm ra mắt, phim là một thất bại toàn tập cả về doanh thu lẫn phê bình.

Thế nhưng giờ đây, tác phẩm của đạo diễn Jean-Pierre Jeunet lại được nhiều người đánh giá là một cult-classic, thắng được phép thử của thời gian.

mv5bmtg0mzyyodk5ml5bml5banbnxkftztgwoda0mzkymjiv1-17241413437301945535561.jpg

Những chỉ trích nhắm vào Alien Resurrection chủ yếu đến từ việc phá vỡ hình tượng nhân vật nữ chính Ripley (phải) - Ảnh: 20th Century Studios

Phim tiếp tục đào sâu những vấn đề trong phần đầu là lòng tham của các tập đoàn tư bản cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ AI, song song với sự xuất hiện của biến thể quái vật mới có thể nói là ghê rợn bậc nhất dòng phim.

7. Alien 3

Được đạo diễn bởi David Fincher (người đứng sau nhiều phim hay như Se7en, Zodiac, Gone Girl, The Social Network, Fight Club...), Alien 3 là tác phẩm thu về nhiều ý kiến trái chiều nhất, thậm chí đạo diễn sau đó đã từ mặt luôn đứa con tinh thần của mình. 

Người ghét phim thì gọi đây là phần bị "nguyền rủa", còn người thích thì đánh giá đây là phần khắc họa sâu sắc nhất nội tâm của nhân vật Ridley. 

1800-17241407401181396525151.jpg

Cảnh quái vật không gian dí sát mặt Ripley là một trong những hình ảnh kinh điển từ Alien 3 - Ảnh: 20th Century Studios

Dù yêu hay ghét, ta vẫn không thể phủ nhận rằng phim đã sản sinh ra nhiều khoảnh khắc đáng nhớ và cho nhân vật Ripley một cái kết viên mãn. 

Lưu ý rằng danh sách này sẽ không gồm hai phim AVP: Alien vs. Predator Alien vs. Predator: Redemption vì dẫu cuộc đụng độ của hai quái vật này có thú vị, đây vẫn là hai phần phim được xếp vào hàng non-canon (không thuộc mạch truyện chính thức) của vũ trụ Alien.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022