Ngày 20/4 tới đây, Xin Chào Live Music sẽ tổ chức Hương - Live in Tokyo cho Văn Mai Hương và các nghệ sĩ khách mời tại Nhật Bản. Ngày 15/6 sẽ là Ngô Kiến Huy - Fan Meeting in Tokyo; ngày 27/9 là Bằng Kiều - Live in Tokyo. Tham vọng của Xin Chào là sẽ mang âm nhạc Việt Nam đặt chân đến ít nhất 6 quốc gia châu Á, với các chương trình đa dạng và định kỳ.
Tiền thân của Xin Chào Live Music là Top Liveshow, từ 2020 đến nay, họ đã làm khoảng 20 chương trình âm nhạc tại Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… và cả trực tuyến. Đạo diễn Vân Trình (nhà sáng lập Xin Chào) chia sẻ cùng báo Thể thao và Văn hóa về kế hoạch mang âm nhạc Việt Nam ra quốc tế.
Đạo diễn Vân Trình (giữa)
Biểu diễn âm nhạc đúng chuẩn
* Vì sao Nhật Bản lại là nước đầu tiên cho 3 live âm nhạc (TKO Concert) sắp tới?
- Vì trong 2 năm 2022 - 2023, tôi và ê-kíp Xin Chào Live Music đã khảo sát tiềm năng tại một số nước như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… để thực hiện ước mơ mang nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn ở nước ngoài một cách độc lập và chính thống. Đến khi triển khai TKO Concert, tôi mới thấy được sức hút của khán giả và cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, khi những hoạt động và dự án thử nghiệm của chúng tôi nhận được phản hồi rất tốt. Họ thật sự mong muốn được gặp gỡ, giao lưu với nghệ sĩ Việt Nam qua những live concert hoặc chương trình mang tính chất biểu diễn và tương tác giữa nghệ sĩ với khán giả.
Ngoài ra, một yếu tố giúp tôi quyết định chọn Tokyo là thị trường đầu tiên vì tôi phát hiện ra tình yêu, sự quý mến của người Nhật dành cho Việt Nam, đây cũng là một tệp khán giả tiềm năng cho các mô hình âm nhạc của Xin Chào.
* Hòa nhạc trong nhà hát sẽ khác các chương trình âm nhạc mang tính cộng đồng, lễ hội, giao lưu văn hóa trước đây. Các anh sẽ làm thế nào?
- Đầu tiên phải nói đến tiêu chí của TKO Concert khi mang chương trình đến Nhật Bản, đó là trải nghiệm thưởng thức âm nhạc. Khán giả sẽ được tận hưởng không khí âm nhạc của nhạc sống (live band - live show) và đặc biệt là sự sắp đặt về không gian, ánh sáng sân khấu, để tạo nên tổng hòa của một chương trình biểu diễn nghệ thuật thật sự.
Trải nghiệm này, đối với khán giả Việt Nam tại Nhật Bản, có thể họ sẽ chỉ có được khi đến xem các buổi biểu diễn của các nghệ sĩ Nhật Bản, hoặc nghệ sĩ quốc tế. Chính vì vậy, tại sao chúng ta không mang đến cho họ một trải nghiệm thưởng thức chính các nghệ sĩ Việt Nam và được dàn dựng bởi chính đội ngũ người Việt Nam!
Một chương trình âm nhạc của Xin Chào tại Saitama, Nhật Bản, năm 2023
* Các anh dự định mở rộng TKO Concert ra châu Á hoặc Đông Nam Á như thế nào?
- Kế hoạch lâu dài của Xin Chào chính là mở rộng TKO Concert từ Tokyo sang các thành phố khác tại Nhật Bản như Sapporo, Osaka, Nagoya…
Vì TKO Concert là định dạng dành riêng tại thị trường Nhật Bản, nên chúng tôi vẫn giữ ý tưởng chung là Xin Chào (ví dụ Xin Chào Seoul). Chúng tôi sẽ tiếp tục mang mô hình này sang các nước khác và có thể sẽ thay đổi tên gọi để phù hợp với nơi đó. Tham vọng trong năm 2025, lộ trình của Xin Chào sẽ mở rộng ra thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Riêng tại các nước Đông Nam Á, chúng tôi sẽ cân nhắc thay vì tổ chức mô hình biểu diễn trong nhà hát/tụ điểm âm nhạc thì sẽ tổ chức dưới dạng lễ hội âm nhạc Việt Nam quy mô vừa và nhỏ, dưới hình thức biểu diễn ở các công viên, quảng trường hoặc địa điểm công cộng. Dự kiến sẽ tổ chức tại Bangkok vào cuối năm 2024 này.
* Vậy tiêu chí chọn lựa một địa điểm cho TKO Concert là gì?
- Chúng tôi đã khảo sát nhiều địa điểm tại Tokyo và các thành phố lân cận, thì một tiêu chí đầu tiên để tìm kiếm chính là không gian biểu diễn phải đạt từ 600 chỗ ngồi trở lên, hoặc địa điểm phải là một nhà hát chuyên dùng để tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc. Vì các nhà hát mới đảm bảo tiêu chí về mặt không gian, kỹ thuật, kết cấu sân khấu, các phòng chức năng, cũng như đảm bảo về mặt trải nghiệm âm nhạc dành cho khán giả.
Mỗi địa điểm sẽ có một lợi thế, như không gian sang trọng, hoặc ngay bên cạnh ga tàu điện, hoặc không gian năng động - đa dạng dành cho nhiều mô hình biểu diễn khác nhau, nhưng tựu trung, tất cả những địa điểm mà tôi nhắm tới và khảo sát, cũng như lựa chọn đều mang đầy đủ các yếu tố cần và đủ để tổ chức một chương trình biểu diễn âm nhạc đúng chuẩn.
"Chúng tôi sẽ dần dần mời các nghệ sĩ Nhật Bản cùng tham gia vào chương trình, nhằm tạo mối liên kết - giao lưu, để gián tiếp giới thiệu nghệ sĩ Việt Nam đến với khán giả Nhật Bản" - đạo diễn Vân Trình.
Mơ trở thành một cầu nối văn hóa
* Có thể thấy, các anh rất tập trung vào cộng đồng Việt kiều, đây chỉ là hướng đi thiết thực và hiệu quả cho công việc, hay còn là một trách nhiệm nào đó?
- Thật ra, mô hình Xin Chào vẫn có những dự án thực hiện trong nước như quản lý nghệ sĩ, xây dựng phát triển hình ảnh, tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc lớn nhỏ khác nhau, các sự kiện âm nhạc của nhãn hàng, hoặc các chương trình đào tạo và sản xuất cho các nghệ sĩ trẻ.
Tháng 3/2023, Xin Chào phối hợp cùng Tổng cục du lịch Hàn Quốc làm chương trình âm nhạc “Xin chào Hàn Quốc - Xin chào Gangwon-do” và ghi hình tại nước này
Còn mô hình Xin Chào khi hướng đến các nước, nó đến từ ước mơ và tham vọng của tôi khi nhìn thấy một thế hệ nghệ sĩ, các đội ngũ sản xuất Việt Nam đang ngày càng tài năng, tiệm cận với ngành công nghiệp biểu diễn của nước ngoài, nhưng vẫn còn thiếu cơ hội trải nghiệm và va chạm với các thị trường ấy. Vì vậy, tôi muốn đội ngũ Xin Chào sẽ có cơ hội được trải nghiệm với nhiều môi trường, nhiều đất nước để học hỏi, tích góp kinh nghiệm, đồng thời xây dựng được một hệ thống bài bản để trở thành đơn vị uy tín của Việt Nam khi góp phần đưa nghệ sĩ Việt Nam trình diễn ở nước ngoài. Ở chiều ngược lại, sẽ tạo được tín nhiệm cho các công ty, nghệ sĩ nước ngoài khi đến với Việt Nam.
Ngoài ra, 1 trong những tham vọng lớn lao của Xin Chào chính là mang hình ảnh, văn hóa, âm nhạc Việt Nam quảng bá đến các nước. Nơi ấy, nếu có cộng đồng Việt kiều, thì càng thú vị, vì rất có thể họ cũng mong chờ những chương trình âm nhạc bài bản từ trong nước.
Ngô Kiến Huy tham gia chương trình “Xin chào Nhật Bản - Xin chào Saitama” năm 2023
* Trong tương lai, các anh có định mời các nghệ sĩ của nước sở tại tham gia cùng các nghệ sĩ Việt Nam trong TKO Concert để mở rộng đối thoại âm nhạc và khán giả không?
- Chắc chắn rồi. Trong những số sau của TKO Concert, chúng tôi sẽ dần dần mời các nghệ sĩ Nhật Bản cùng tham gia vào chương trình, nhằm tạo mối liên kết - giao lưu, để gián tiếp giới thiệu nghệ sĩ Việt Nam đến với khán giả Nhật Bản.
Lộ trình TKO Concert trong 3 năm đầu sẽ trở thành một địa chỉ uy tín dành cho khán giả yêu nhạc tại Nhật Bản và xa hơn, chính là một cầu nối văn hóa giữa 2 đất nước.
* Tham vọng của Xin Chào trong khoảng 5 năm tới là gì?
- Xin Chào sẽ là 1 trong những công ty giải trí tiêu biểu tại Việt Nam. Xin Chào sẽ đặt chân đến ít nhất 6 nước với các chương trình đa dạng và định kỳ.
Khi nhắc tới Xin Chào ở các nước, khán giả sẽ nhớ tới đó là một ê-kíp của Việt Nam, gồm những con người trẻ đang khao khát tạo dựng hình ảnh văn hóa, âm nhạc Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, tiệm cận được với ngành công nghiệp âm nhạc của châu Á.
Tôi cũng mơ Xin Chào hoặc các định dạng như TKO Concert sẽ là một gợi ý nho nhỏ để các đội ngũ sáng tạo, sản xuất, trình diễn âm nhạc của Việt Nam có thêm cảm hứng trong việc mở rộng mô hình và thị trường ra quốc tế. Tôi nghĩ âm nhạc Việt Nam đủ thú vị để ra quốc tế.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
XIN CHÀO FI'ESTA
Một trong những dự án sắp tới của Xin Chào là làm các chương trình âm nhạc kiêm quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, đặt tên là Xin Chào Fi'esta. Cụ thể là Xin Chào Sawasdee Bangkok 2024, Xin Chào Saitama 2024, Xin Chào Nihao Shanghai 2025…