Tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt, thiết thực, hiệu quả, gắn việc bảo tồn với phát triển du lịch. Ban Chỉ đạo Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vừa ban hành Kế hoạch thực hiện năm 2025.
Theo đó, Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị nghệ thuật và tầm quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ bằng nhiều hình thức như: truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, các hội, các câu lạc bộ..

Khai giảng lớp hướng dẫn 20 bản tổ Đờn ca tài tử tại huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu
Cùng với đó là duy trì tổ chức sinh hoạt, giao lưu thường xuyên tại các trường học, Câu lạc bộ, các thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn. Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức mở lớp hướng dẫn, truyền dạy 20 bản Tổ Đờn ca tài tử cho cán bộ phụ trách công tác văn hóa - xã hội, giáo viên THPT, THCS, tiểu học và hội viên các CLB sinh hoạt Đờn ca tài tử tại các phường, xã. Đưa nghệ nhân Đờn ca tài tử vào giảng dạy môn Âm nhạc và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp) tại các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Quan tâm đầu tư trang thiết bị sinh hoạt Đờn ca tài tử cho CLB và Nhà Văn hóa phường, xã.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển trên vùng đất Nam Bộ, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Bạc Liêu được xem cái nôi của bộ môn nghệ thuật này khi gắn với tên tuổi của nhạc sỹ Cao Văn Lầu - tác giả của bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!