Cuộc sống thành thị vội vã, hối hả như thể đang khéo mỗi người trong chúng ta sống vội hơn. Tất cả cứ thế cuốn đi, ồn ào và vội vã, bỗng một ngày nhìn lại, hóa ra những khoảnh khắc yên bình, sâu lắng lại trở nên đáng quý, thân thương đến vậy.
Người loay hoay tìm nơi náo nhiệt, ta mỉm cười chọn chốn bình yên
Từng là một người trẻ tất bật với cuộc sống nơi Thủ đô náo nhiệt, Sơn (26 tuổi, Ninh Bình) chọn cách gác lại tất cả để về trở về với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Lướt một vòng trên MXH, bạn sẽ gặp một kênh TikTok ghi lại những khoảnh khắc thường ngày của hai bà cháu tại một vùng quê yên bình. Kênh TikTok "Về Quê Cùng Bà" được Sơn lập ra khi quyết định rời Hà Nội về quê sống cùng bà.
"Mình sinh ra và lớn lên tại bản Mường - nơi đây mang đậm nét đẹp văn hoá và thiên nhiên của con người miền núi. Bà của mình tên là Sử, năm nay bà 82 tuổi, bà là một người hiền lành, yêu thương chăm sóc con cháu, bà mình luôn dạy con cháu hướng về nguồn cội, tổ tiên với lòng biết ơn và sự trân trọng.
Mình lớn lên cùng những câu chuyện cổ tích của người Mường do bà kể mỗi ngày. Và đến tận bây giờ khi đã là một chàng trai 26 tuổi, bà vẫn ngồi kể cho mình những câu chuyện ấy bằng tất cả sự yêu thương, chở che của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ trẻ sau này" - Sơn tâm sự.
Sau khi gác lại công việc tại Hà Nội, Sơn trở về quê, ở nhà phụ giúp bố mẹ chăn nuôi, nấu ăn cùng bà, và xây một kênh TikTok với mong muốn lan toả những điều tốt đẹp, những kỷ niệm thân thương đến tất cả mọi người.
Chàng trai trẻ và câu chuyện về quê cùng bà.
"Mình vẫn nhớ như in bữa cơm đầu tiên khi mình về quê tự tay nấu cho bà. Đó là lần mình quyết tâm thể hiện tài nấu ăn của mình sau khi xa quê lâu ngày. Mình muốn làm một bữa cơm đầy đủ như những món mà hàng ngày bà thường nấu: Canh rau, thịt kho và món xào đơn giản.
Do đã lâu không nấu ở bếp củi, mọi thứ trở nên rối tung. Rau thì chín quá, thịt kho thì khét, còn món xào thì mặn. Mình loay hoay cả buổi, vừa căng thẳng, vừa ngại vì sợ bà sẽ không ăn nổi.
Đến lúc dọn cơm, bà nhìn mình cười, không hề chê trách gì. Khi ăn, bà còn gắp liên tục và khen: 'Ngon lắm! Lâu lắm, cháu tự tay nấu cho bà ăn thế này'. Dù biết món ăn không thực sự ngon, nhưng ánh mắt và nụ cười của bà vẫn đầy tự hào, trìu mến" - Sơn tâm sự.
"Bà thành idol rồi đấy!"
Bà đã già nên không còn nhanh nhẹn và minh mẫn nên khi quay clip cùng bà, Sơn cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên tất cả những đoạn clip ấy đều là cảnh sinh hoạt hàng ngày của hai bà cháu, và ký ức tuổi thơ từ những câu chuyện bà kể, nên mọi khoảnh khắc, từng câu nói đều rất tự nhiên.
Đôi khi chỉ là khoảnh khắc hai bà cháu cùng ngồi bên bếp củi, một ngôi nhà mái ngói đơn sơ dưới cơn mưa đầu mùa, khoảng sân nhỏ thỉnh thoảng lũ trẻ hàng xóm kéo sang nô đùa... Tất cả chỉ có vậy, mà khiến biết bao người bồi hồi xúc động.
"Rất nhiều người đã nhắn gửi với mình, sau khi xem những khoảnh khắc của hai bà cháu, họ đã dành thời gian về quê thăm ông bà, người thân thường xuyên hơn và cũng có xu hướng lưu giữ lại những khoảng khắc thân thương, quý giá bên gia đình." - Sơn chia sẻ.
Từ làm kênh TikTok "Về Quê Cùng Bà", cuộc sống và công việc của Sơn có nhiều thay đổi. Ngoài việc lưu lại kỷ niệm của hai bà cháu, Sơn còn có cơ hội hợp tác với nhiều dự án văn hóa và những thương hiệu muốn lan toả giá trị truyền thống, đưa những sản phẩm đặc sản quê hương giới thiệu đến mọi miền Tổ quốc.
"Còn bà của mình, từ khi cùng mình quay clip, mỗi ngày bà đều trở nên hào hứng vui vẻ hơn. Có lần bà nói: 'Chẳng ngờ, bà già thế này rồi mà được lên tivi đấy!'. Bà cũng được nhiều người quan tâm và biết đến hơn. Các cô bác hàng xóm biết đến kênh của mình, mọi người thường chạy qua thăm bà và đùa rằng 'bà thành idol rồi đấy', khiến bà rất vui, cứ ngồi cười suốt" - Sơn chia sẻ.
Thảnh thơi đón Tết ở quê
Nếu như mọi năm, Sơn tất bật với bộn bề của cuộc sống thành thị, sát Tết mới có thời gian về quê, thì năm nay chàng trai ấy có nhiều thời gian hơn để cùng bà chuẩn bị Tết.
Sơn chia sẻ, không khí ở vùng thôn quê những ngày này cũng sôi nổi và nhộn nhịp không kém trốn thành thị, nhưng ở quê vẫn mang lại cảm giác yên bình, gần gũi. Vẫn là những phiên chợ quê như vậy, nhưng những ngày giáp Tết, mọi người hàn huyên nhiều hơn, "tay xách nách mang" đủ thứ, trên tay là cành đào nho nhỏ như thể mang Tết về sớm hơn...
Sơn chia sẻ, ở quê anh, mọi người sẽ dựng cây nêu, đây là một trong những phong tục độc đáo của bà con người Mường vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Cây nêu được dựng từ 27 Tết và hạ vào ngày Rằm tháng giêng. Cây nêu được chọn là cây tre cao thẳng có ngọn, cây nêu dựng lên để mời tổ tiên về sum họp, là biểu tượng cho sự kết nối trời đất và con người. Cây nêu vươn cao lên trời, thể hiện khát vọng cho một năm mới ấm no, hạnh phúc.
"Nhiều người cảm thấy 'Tết giờ không có không khí như ngày trước'. Cá nhân mình nghĩ, điều này không đúng hoàn toàn. Tết xưa mang đậm không khí truyền thống giản dị nhưng đầy ý nghĩa, Tết nay tuy có khác một chút vì mọi thứ hiện đại và mới mẻ hơn.
Nhưng đây vẫn là dịp để gia đình đoàn tụ quây quần bên nhau. Và quan trọng nhất, ý nghĩa của Tết nằm ở chính cách mà mỗi người trong chúng ta giữ gìn, trân trọng những giá trị tốt đẹp từ đó. Nếu mỗi người, mỗi nhà đều biết làm cách sống lại tinh thần Tết thì Tết luôn ấm áp và đáng nhớ ở bất kì thời đại nào" - Sơn tâm sự.
Ảnh: NVCC