Những loại thức ăn nguy hiểm nhất mà con người thường ăn phụ thuộc vào cách chúng ta định nghĩa. Thức ăn nguy hiểm nhất có thể là loại giết chết nhiều người nhất, khi đó thức ăn gây dị ứng hoặc hội chứng kinh niên có thể đứng đầu danh sách. Mặt khác, thức ăn nguy hiểm nhất có thể chứa chất độc đủ gây chết người chỉ với lượng cực nhỏ. Nếu xét theo cách này, ứng cử viên cho danh hiệu "thức ăn nguy hiểm nhất" bao gồm các loại đến từ vương quốc thực vật, động vật và nấm, theo Live Science.

Sắn

VNE-Food-1-1737883738-7588-1737884003.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=komZmBiG8uZrTJQuu73SWA

Rễ và lá sắn chứa chất độc cyanogenic glycoside. Ảnh: Alamy

Một thức ăn chủ chốt rất nguy hiểm khi tiêu thụ ở trạng thái tự nhiên là sắn đắng (Manihot esculenta). Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Mỹ, sắn là nguồn carbohydrate chính trong chế độ ăn của người dân ở vùng nhiệt đới. Vấn đề tiềm ẩn với sắn là rễ và lá của nó chứa chất độc mang tên cyanogenic glycoside phân hủy thành xyanua gây bướu cổ, liệt, thậm chí tử vong.

Nhiều người trên khắp thế giới vẫn yêu thích loại củ này bởi cyanogenic glycoside có thể loại bỏ bằng cách luộc sắn đã lột vỏ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngộ độc sắc giết chết 200 người mỗi năm, hàng nghìn người khác bị tàn tật vĩnh viễn do nhiễm độc xyanua ở mức thấp hơn, gây suy giảm nhận thức.

Cá nóc

VNE-Food-2-1737883848-5246-1737884003.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UsaujfjAw659pow2u4jGXg

Độc tố tetrodotoxin của cá nóc mạnh gấp 1.200 lần xyanua. Ảnh: Notes of Nomad

Trong vương quốc động vật, thức ăn nguy hiểm nhất có thể là fugu, một loại sushi từ cá nóc được tiêu thụ chủ yếu ở Nhật Bản, nơi có một quy trình bài bản để loại bỏ độc tố trong thịt cá. Vài loài cá nóc chứa chất độc chết người mang tên tetrodotoxin, theo StatPearls. Tetrodotoxin có thể gây tê liệt gần như ngay lập tức, dẫn tới suy hô hấp chỉ trong 20 phút. Tetrodotoxin độc gấp 1.200 lần so với xyanua và lượng tối thiểu để gây chết người ước tính là 2 - 3 miligram. Do đó, loại thức ăn này bị cấm ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.

Tại Nhật Bản, đầu bếp cần có giấy phép để chuẩn bị và phục vụ fugu trong quy trình đào tạo kéo dài vài năm. Đầu bếp cần làm sạch và tách nội tạng của nó, trong đó gan, ruột và tử cung là những bộ phận độc nhất. Bài kiểm tra cuối cùng là nếm chính món ăn mà họ chuẩn bị. Theo Cục Y tế Công cộng Tokyo, hàng chục người bị ốm do không làm thịt cá nóc kỹ càng mỗi năm, nhưng chỉ có vài người chết. Món sashimi cá nóc vẫn được xem như một đặc sản.

Nấm tử thần

VNE-Food-3-1737883953-8150-1737884003.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=L7kZoa02zyM_moDAhHkfBg

Nấm tử thần dễ bị nhầm với nấm cỏ tranh. Ảnh: Alamy

Nấm tử thần (Amanita phalloides) chịu trách nhiệm cho khoảng 90% ca tử vong do nấm. Là loài bản xứ ở châu Âu, nấm tử thần lan khắp thế giới như loài xâm hại. Do trông rất giống nấm cỏ tranh (Agaricus campestris), mọi người dễ hái nhầm nó. Triệu chứng nhiễm độc nấm tử thần xuất hiện trong vòng 6 - 12 giờ, bao gồm nôn mửa và tiêu chảy. Trong vòng vài ngày, người ăn nửa cây nấm hoặc nhiều hơn có thể bị suy gan hoặc suy thận, dẫn tới tử vong. Điều tệ nhất là nấm tử thần chịu nhiệt, vì vậy việc nấu chín không thể phá hủy tất cả độc tố.

Rất khó xác định số ca tử vong do nấm tử thần trên khắp thế giới do thiếu báo cáo từ phòng cấp cứu. Tuy nhiên, giới chuyên gia ước tính có khoảng 100 ca mỗi năm. Một nghiên cứu vào năm 2023 trên tạp chí Nature Communications phát hiện một loại thuốc nhuộm phát quang có thể dùng làm chất giải độc trong tương lai.

An Khang (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022