Chỉ còn hơn 1 tuần nữa thôi, chúng ta sẽ được xem những hình ảnh hào hùng nhất, mãn nhãn nhất, tái hiện lại cuộc chiến nửa thập kỷ trước và khoảnh khắc cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.
Không khí lúc này đã rạo rực lắm rồi!
Người người, nhà nhà đều háo hức sẵn sàng đón Lễ Diễu binh 30/4!
Đáng yêu làm sao cái cách giới trẻ đặt một tên gọi khác cho Lễ diễu binh 30/4 sắp tới: Concert Quốc gia! Cảm giác háo hức, rạo rực trước Lễ diễu binh 30/4 cũng hệt như cảm giác trước hồi hộp mỗi lần đi xem concert của thần tượng, điều khác chỉ là những idol trong "Concert Quốc gia" - dù chẳng son phấn tô điểm, dù không nhiều người biết rõ tên, nhưng ai cũng đẹp quá. Vẻ đẹp giản dị mà rạng ngời, oai hùng, hãnh diện. Vẻ đẹp toát lên trong ngàn ánh mắt cùng nhìn về phía trước, trong từng nhịp chân đều tăm tắp theo hiệu lệnh.
Nhiều bạn trẻ cho biết bố mẹ, ông bà đã chuẩn bị xong áo mũ in cờ Tổ quốc, khăn quàng đỏ,...

Tự hào vì cả nhà đều yêu nước! (Ảnh chụp màn hình)
Lướt mạng xã hội những ngày này, có thể thấy rõ không khí đang tưng bừng như thế nào trước ngày hội lớn của cả dân tộc. Nhiều bạn lên mạng bày tỏ niềm hạnh phúc khi cả gia đình, từ ông bà đến cha mẹ đều đang chuẩn bị những điều từ nhỏ nhất, sẵn sàng cho lễ diễu binh mừng 50 năm thống nhất đất nước. Các bài đăng với chủ đề này thường nhận được sự hưởng ứng của đông đảo dân mạng qua các lượt tương tác và những lời bình luận.
"Cả nhà mình mong ngóng đi xem diễu binh, còn hơn mình nữa. Ba mẹ đã mua sẵn mọi thứ, từ Quốc kỳ tới áo nón có hình Quốc kỳ,... Tự hào vì cả gia đình yêu nước!" , một bạn trẻ đăng trên Threads.



Các mẹ chuẩn bị xong hành trang rồi, chỉ chờ đến Lễ Diễu binh thôi! (Ảnh: @memoria.caffe_bistro)


Tự hào khi được chụp ảnh cùng các cán bộ, sĩ quan trong ngày tổng duyệt Lễ Diễu binh (Ảnh: @annene__, nongnoc__)

Rưng rưng khi xem duyệt binh (Ảnh chụp màn hình)

Và không thể không tự hào khi được góp sức cho sự kiện trọng đại này (Nguồn: @nn_linkk)
Giới trẻ dặn nhau chuẩn bị "văn mẫu" để trả lời phòng vấn, sẵn sàng thể hiện tình yêu nước với mọi người!
Trong không khí háo hức trước thềm Lễ Diễu binh 30/4, nhiều bạn trẻ còn rủ nhau chuẩn bị "văn mẫu" trả lời phỏng vấn phòng khi được lên tivi khi đi xem "Concert Quốc gia".
"Mình thực sự là đã soạn văn cho trường hợp được phỏng vấn khi đi xem diễu binh rồi. Tập nói cho lưu loát, trôi chảy, đủ bố cục rồi" - Một bạn trẻ có nickname Thảo Lảo Đảo chia sẻ trên Threads.

Quá đáng yêu rồi!
Gần tới Lễ Diễu binh 30/4, nhiều tuyến phố ở TP.HCM đã cấm và hạn chế xe qua lại để phục vụ cho lễ tổng tuyệt Diễu binh 30/4. Dù đường xá có phần tắc nghẽn, dù thời gian di chuyển hàng ngày có phần lâu hơn thường nhật, nhiều bạn trẻ vẫn thấy chẳng sao, vẫn vui cười chấp hành hiệu lệnh nhường đường, háo hức khi thấy xe trở các chiến sĩ, cán bộ đi qua.
"Dạo này đường phố rộn ràng chuẩn bị cho 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mình biết những buổi diễu hành sẽ khiến đường phố đông đúc hơn, kẹt xe nhiều hơn nhưng thực sự mình vẫn thấy rất biết ơn, hơn là khó chịu. Vì cái "kẹt xe" hôm nay chỉ là chậm lại một xíu giữa những náo nhiệt của cuộc sống hoà bình. Ngày trước, ông cha ta không được kẹt xe, mà là kẹt trong chiến tranh, bom đạn, mất mát và hy sinh đó mọi người" - Một bạn trẻ chia sẻ.

Để có khoảnh khắc kẹt xe của ngày hôm nay thì rất nhiều người đã kẹt lại ở tuổi 19 đôi mươi... (Ảnh chụp màn hình)
"Mình kẹt xe ở tuổi 26. Còn ông mình đã kẹt lại ở tuổi 25. Cụ mình, với tấm bằng “Tổ Quốc ghi công” như hình bóng con trai bên cạnh. Tấm bằng từ năm 1977 cùng tấm huy chương vẫn được treo ở gian thờ nhà mình đến bây giờ.Thế nên kẹt xe có chút thôi mà, không phiền mọi người nhỉ?" - Bạn Tha Linh chia sẻ.

(Ảnh: @thalinhh)
Chúng ta – thế hệ sinh ra và lớn lên giữa hòa bình – có thể chưa từng nghe tiếng bom nổ bên tai, cũng chưa từng phải viết những bức thư gửi đi mà không chắc có ngày nhận lại. Nhưng đâu đó trong mỗi gia đình, trong mỗi album ảnh cũ hay ánh nhìn đượm buồn của ông bà, vẫn còn những ký ức chưa phai của một thời bom đạn.
Được sinh ra và lớn lên trong thời bình là điều may mắn, nhưng mong rằng bạn sẽ không bao giờ mặc định hay tin rằng đó là điều hiển nhiên. Vì để có được hoà bình ngày hôm nay, cha ông ta đã phải trải qua hàng chục năm chiến đấu, nhiều người đã hy sinh, đã mãi mãi không thể trở về trong vòng tay của đồng đội, của gia đình vào khoảnh khắc hoà bình, khi tiếng bom đạn đã rời xa.