Nửa tháng đầu năm, thị trường phim rạp chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt tác phẩm trong nước lẫn ngoại nhập. Sau thời gian điện ảnh đóng băng vì dịch, nhiều nhà phát hành Việt liên tiếp ra mắt các phim Võ sinh đại chiến, Cậu Vàng, Em là của em, Sám hối. Trái kỳ vọng của nhà sản xuất, các tác phẩm mới nhất đều không đạt tín hiệu doanh thu sáng sủa. Võ sinh đại chiến bị rút khỏi rạp sau sáu ngày ra mắt vì suất chiếu nghèo nàn. Một số phim khác đang đối diện nguy cơ thua lỗ nặng.

cau-vang-poster-1879-1611060288.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fwZ5qfXTgJDMrV2lD44CsQ

"Cậu Vàng" nối tiếp cú trượt phòng vé của "Võ sinh đại chiến" đầu năm nay. Ảnh: Galaxy.

Sau hai tuần ra rạp, Cậu Vàng - tác phẩm lấy cảm hứng từ truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao - chỉ thu về ba tỷ đồng, theo số liệu của Box Office. Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Trần Vũ Thủy đạt doanh thu thấp so với số vốn "vài chục tỷ đồng", như êkíp công bố. Cũng khai thác đề tài võ thuật, Sám hối - Bình Minh đóng chính - đang là cú trượt phòng vé tiếp theo. Phim đạt hơn 700 triệu đồng tính đến ngày 20/1, dù đầu tư 50 tỷ đồng. Khá hơn, Em là của em - dự án hài tình cảm có Ngô Kiến Huy, Maya đóng - thu về hơn 11 tỷ đồng, song tốc độ bán vé chậm hơn Chị Mười Ba 2 của Thu Trang dù mới ra rạp. Trong một số tọa đàm điện ảnh về phim Việt gần đây, giới trong nghề mổ xẻ hiện trạng loạt tác phẩm "chết yểu" khi mới ra mắt.

Đa số nhà sản xuất chung nhận định: phim muốn ăn khách, nội dung là yếu tố tiên quyết. Nhiều tác phẩm Việt gần đây mắc điểm yếu ở khâu chất lượng. Chẳng hạn, với Cậu Vàng, ngoài những tranh cãi về việc chọn chó Shiba đóng vai chính, phim nhận nhiều lời chê bai về kịch bản lẫn kỹ thuật. Trên nhiều diễn đàn điện ảnh, khán giả chỉ ra các lỗi sơ đẳng của phim: tiếng động bị lệch khỏi hình - nhân vật Lý Cường tát tay sai nhưng vài giây sau mới có âm thanh, Binh Tư suốt ngày uống rượu nhưng thân hình cường tráng, một mình đối đầu đám đông, nhiều đoạn kỹ xảo lộ phông xanh... Phim còn bị chê về kịch bản khi cố nhồi nhét nhiều tuyến truyện: lão Hạc (Viết Liên đóng), chuyện tình mợ Ba (Băng Di), gia đình Bá Kiến (Hữu Châu)... khiến tổng thể tác phẩm chỉ là những mảnh ghép không đầu không cuối.

teaser-phim-sam-hoi-1608625228.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vq19go_D1r6Op5-ea5YX3A
Teaser phim "Sám hối"

Sự góp mặt của Bình Minh, Anh Thư không cứu được chất lượng phim "Sám hối". Video: CGV.

Tương tự, Sám hối vấp nhiều lời chê về nội dung. Tác phẩm lộ lỗ hổng kịch bản với câu chuyện người cha võ sĩ cứu con gái mắc bệnh nan y. Minh Long (Bình Minh) biết con yếu ớt nhưng vẫn cho con tập bơi để thỏa ước mơ thi ba môn phối hợp, khiến bé suýt chết đuối. Để kiếm tiền chữa bệnh cho con, Long chấp nhận bốc vác, thi đấu dàn xếp... dù vẫn còn căn hộ cao cấp. Tựa phim gây khó hiểu cho người xem, khi nhân vật chính có bản chất lương thiện, không làm gì xấu xa để phải "sám hối".

Theo nhiều người trong nghề, một kịch bản tốt có thể quyết định 50% khả năng "thắng" của phim. Lừa đểu gặp lừa đảo - phim hài, lãng mạn của Thái Lan - đang có doanh thu vượt trội hơn hẳn phim Việt ra rạp cùng thời điểm - gần 10 tỷ đồng, dù khâu quảng bá không nổi trội. Theo anh Phúc Trần - làm truyền thông phim tại TP HCM, phim cuốn hút nhờ lối dẫn dắt thú vị, kết hợp đề tài heist (trộm cắp) cùng chuyện tình qua diễn xuất của hai ngôi sao điện ảnh Thái. Trước đó, thị trường phim rạp 2020 chứng kiến sự lên ngôi của Tiệc trăng máu (180 tỷ đồng) - tác phẩm Việt có kịch bản gốc từ Italy và học hỏi nhiều tình tiết của bản Hàn.

phan-canh-binh-thai-hoa-dong-bi-hieu-nham-la-gay-trong-tiec--1606110808.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ozTEydEVqMOyY5WV1iv0Hg
Phân cảnh Bình (Thái Hòa) đóng bị hiểu nhầm là gay trong "Tiệc trăng máu"

"Tiệc trăng máu" - phim doanh thu 180 tỷ đồng của Quang Dũng - có kịch bản gốc từ Italy, được nhiều nước mua lại. Video: CGV.

Charlie Nguyễn - nhà sản xuất Người cần quên phải nhớ - khi thừa nhận thất bại của phim cũng cho rằng tác phẩm của anh có một kịch bản kém vì chỉnh sửa nhiều. Ra mắt cuối năm 2020, thu về 1,9 tỷ đồng, bộ phim - kể về một nữ nhà báo điều tra cái chết bí ẩn của cha - bị cho chưa đủ lôi cuốn khán giả. Theo Charlie Nguyễn, khi phim thất bại, nhiều nhà sản xuất thường đổ lỗi cho khâu PR, diễn viên... "Tôi nghĩ một phim thất bại vì câu chuyện chưa chạm tới trái tim khán giả. Nhà làm phim chưa kể một câu chuyện đủ hay. Gu khán giả thay đổi hàng ngày chứ không phải hàng năm. Khi làm phim, mình theo xu hướng này thì đến khi phim ra, xu hướng đã thay đổi", anh nói.

Khâu phát hành cũng thường được nhắc đến trong chuyện thành - bại của phim. Trong buổi trò chuyện hôm 17/1 tại TP HCM, ông Thái Bá Dũng - đồng sản xuất Võ sinh đại chiến - cho rằng bộ phim bị "khai tử" bởi nhà phát hành Galaxy ép suất chiếu. Những ngày đầu, phim chỉ được bố trí vào các khung giờ xấu như 8h30, 12h30, 23h30... khiến tác phẩm rốt cuộc thu về 1,3 tỷ, lỗ hơn 23 tỷ đồng. Theo đại diện êkíp, trong hợp đồng, phía nhà rạp không cam kết về số suất chiếu mỗi ngày, với lý do "còn phải xem thị hiếu khán giả" và được êkíp đồng thuận. Dù vậy, ông Dũng vẫn cho rằng, nếu phía Galaxy đảm bảo công bằng cho suất chiếu cho mỗi tác phẩm, Võ sinh đại chiến đã có kết cục khác. Đại diện Galaxy - bà Võ Thị Thùy Trang - cho biết việc cam kết giờ, suất chiếu cho bất kỳ phim nào là không thể vì phụ thuộc vào lựa chọn của khán giả.

Những năm gần đây, nhiều cụm rạp có cách vận hành mới: dễ dàng điều chỉnh suất chiếu của một phim - thay vì tuân theo cam kết như trước. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định, điều này dẫn đến hiện tượng phân cực về doanh thu: nếu phim tốt, sức hút cao, doanh thu sẽ cao ngất; ngược lại, phim ít được quan tâm càng bị tụt hậu trong cuộc đua. "Nhà phát hành có thể ưu ái cho những phim họ góp vốn, song nếu phim đó chất lượng quá yếu họ cũng không thể cứu được. Theo tôi, nhà làm phim nên chọn đối tác đáng tin tưởng. Nếu sau một dự án, cảm thấy có vấn đề, nên rút kinh nghiệm để tìm đối tác khác phù hợp hơn", anh nói.

nguoi-can-quen-4159-1611137715.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sNKHDS--dX6bqpCdnlja8w

Charlie Nguyễn (trái) và đạo diễn Đức Thịnh chấp nhận thất bại với bộ phim họ hợp tác - "Người cần quên phải nhớ". Ảnh: Lotte.

Doanh thu phim rạp bị phân hóa còn do thói quen khán giả thay đổi sau một năm dịch. Anh Phi Long (Poly) - làm truyền thông về phim lâu năm - cho rằng thời giãn cách xã hội, công chúng có quá nhiều lựa chọn với phim trực tuyến tại nhà. Khi trở lại rạp, họ khắt khe, chọn lọc hơn. Phim hay hoặc dở, hiệu ứng truyền miệng trên mạng xã hội sẽ góp phần truyền thông cho phim theo hướng tích cực hoặc tiêu cực, từ đó doanh thu giữa các phim càng cách biệt.

Với các nhà sản xuất lâu năm, không có một công thức thống nhất để phim thắng trăm tỷ. Charlie Nguyễn cho biết làm phim luôn có đặc thù rủi ro cao. Trong mỗi dự án, anh luôn nói với cộng sự rằng làm hết sức với tác phẩm, còn kết quả thế nào do ông trời tính. "Muốn thành công, chúng ta hãy làm một bộ phim mà khán giả muốn xem", anh kết luận. Đạo diễn Quang Dũng cũng thừa nhận, dù có nhiều tác phẩm thắng lợi, anh chưa bao giờ thành thạo cách thức tạo ra một "phim trăm tỷ".

bo-gia-2-5547-1611060288.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=q5MP4vWkKLwJ2RIqd8Y4rw

"Bố già" của Trấn Thành là ẩn số trong cuộc đua phim Tết 2021. Ảnh: TT Town.

Mai Nhật - Phúc Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022