* Bài tiết lộ một phần nội dung phim

Phim là dự án Việt hiếm hoi ra rạp dịp hè, giữa bối cảnh loạt phim quốc tế đổ bộ rạp trong nước. Tác phẩm đánh dấu vai chính đầu tay của Thảo Tâm - từng nổi tiếng với nhân vật cô giáo Hồng trong Mắt biếc (Victor Vũ).

trailer-phim-fanti-1690782776.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TnMluIXTPCR_l-QAsfIXug
Trailer phim 'Fanti'

Trailer phim "Fanti". Video: Lotte

Tên phim được ghép từ "fan" và "anti" - từ lóng chỉ những người hâm mộ nghệ sĩ đến mức cực đoan. Kịch bản xoay quanh nhân vật Ánh Dương (Thảo Tâm đóng) - một hot girl muốn thành diễn viên chuyên nghiệp. Có lượng người theo dõi cao trên Instagram, được mẹ - một cựu minh tinh hậu thuẫn, cô khát khao chạm đến danh vọng. Dù vậy, đường vào nghề chật vật, cô gõ cửa từng công ty quản lý nghệ sĩ để nhờ tìm vai.

Sau khi nhận được vai chính đầu tay, cô phát hiện bị một người lạ theo dõi trên mạng xã hội. Nỗi ám ảnh lan sang đời thực khi cuộc sống lẫn công việc của Ánh Dương bị người này thao túng. Cô bắt đầu truy tìm tung tích kẻ giấu mặt.

thao-tam-top-1-5434-1691317018.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=evS3UHEJndY-KowEFY_IWA

Thảo Tâm vào vai hot girl muốn vào showbiz. Ảnh: Linh Võ

Nửa đầu phim, đạo diễn Andy Nguyễn xoáy sâu vào góc tối của giới showbiz. Nhân vật chính được xây dựng phức tạp về tính cách. Một mặt, Ánh Dương tỏ ra là con ngoan, luôn nghe theo lời khuyên của mẹ. Mặt khác, cô chọn lối sống thủ đoạn, sẵn sàng "đổi tình lấy vai". Trong một tình huống, nhân vật chấp nhận ngủ với đạo diễn của dự án phim cô đang theo đuổi để kiếm một vai phụ. Khi bất mãn vì bị giao vai quá nhỏ, cô dùng chiêu trò, đe dọa người khác để đạt được mục đích. Mặt trái mạng xã hội cũng là câu chuyện được phản ánh xuyên suốt phim. Như nhiều người trẻ, Ánh Dương bị ám ảnh bởi số lượt yêu thích, theo dõi trên mạng xã hội. Cô chăm chút những tấm hình đăng trên Instagram rồi thấp thỏm đọc bình luận. Cô ẩn, xóa những nhận xét tiêu cực để trang cá nhân luôn ngập tràn lời khen. Đạo diễn chọn lối kể châm biếm về những người sống phụ thuộc vào mạng ảo, dễ bị thao túng tâm lý bởi những emoji (biểu tượng cảm xúc) tưởng chừng vô tri.

thao-tam-4-9820-1691317018.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NII8gYf0RHGOoQG1dApaPQ

Mối quan hệ giữa Ánh Dương và nhân vật đạo diễn mang góc nhìn châm biếm về một bộ phận người nổi tiếng. Ảnh: Linh Võ

Tác phẩm có ý tưởng tốt song càng về cuối, kịch bản càng đuối. Những chiêu trò theo dõi của kẻ giấu mặt ban đầu gợi được tò mò nhưng nhanh chóng nhàm chán vì lặp đi lặp lại. Xem suất diễn tối 2/8, khán giả Quang Huy (quận Bình Thạnh) nhận xét: "Cách hung thủ chơi trò 'mèo vờn chuột' với nhân vật chính không tạo được cảm giác nguy hiểm, khó đối phó".

Ở nửa cuối, mâu thuẫn chính của phim hướng về Ánh Dương và mẹ, khi cô cho rằng bản thân bị mẹ bao bọc quá mức. Đạo diễn đặt vấn đề: việc yêu thương sai cách sẽ gây ra hệ lụy gì nếu cha mẹ áp đặt con cái. Dù vậy, câu chuyện bị bẻ hướng đột ngột khiến kịch bản trở nên rời rạc. Ở phần kết, tình huống bị triển khai thiếu hợp lý. Người xem khó lòng đồng cảm với hành động của "trùm cuối" khi bất chấp đạo đức, hãm hại người khác để dàn xếp mọi âm mưu. Phim khép lại với cái kết mở, bỏ ngỏ số phận của một nhân vật phụ. Đạo diễn Đỗ Trung Hiếu đánh giá việc phim chồng chéo, đan xen tình tiết làm khán giả khó bắt nhịp, kết phim chưa giải thích được nhiều khúc mắc trước đó. Phim cũng phạm một số lỗi logic, chẳng hạn đoạn Ánh Dương livestream cảnh bị khống chế trong nhà, màn hình điện thoại sáng nhưng hung thủ không phát hiện.

thao-tam-3-4931-1691317018.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5_Lye-Z-XnwE5EmW_lfcRw

Nghệ sĩ Lê Khanh đóng vai người mẹ hết mình vì sự nghiệp của con. Ảnh: Linh Võ

Đạo diễn Andy Nguyễn lên ý tưởng viết kịch bản trong 5 năm. Trong buổi chiếu sớm tác phẩm cho truyền thông vào cuối tháng 7 tại TP HCM, anh thừa nhận tác phẩm chưa tròn trịa ở phần kịch bản. Đạo diễn cho biết để ngỏ đoạn kết nhằm khơi gợi bàn luận từ khán giả về các nhân vật. Trước dự án điện ảnh đầu tay, Andy Nguyễn từng học làm phim ở Mỹ, phụ trách dựng phim hai tác phẩm Em là bà nội của anh (2015) và Người bất tử (2017).

Diễn xuất đồng đều của dàn diễn viên là điểm cộng hiếm hoi của phim. Lần đầu đóng chính, Thảo Tâm đảm nhận tròn vai, cách khắc họa tâm lý gần gũi. Chiều sâu tính cách của nhân vật được cô thể hiện ở nhiều phân cảnh cao trào. Nhân vật Ánh Dương mang biểu cảm đa dạng, lúc rụt rè, lúng túng, khi mưu mô, thủ đoạn. Vẻ hốt hoảng của nhân vật khi phát hiện kẻ theo dõi lẻn vào nhà, bất lực khi thuyết phục điều tra viên được bộc lộ vừa vặn.

Ở tuyến vai phụ, nhân vật mẹ Ánh Dương - cựu minh tinh Thanh Thanh Hằng (Lê Khanh đóng) - là điểm sáng. Đầu phim, vai người mẹ tạo thiện cảm với giọng nói ngọt ngào, luôn ủng hộ sự nghiệp của con, là chỗ dựa cho cô mỗi khi công việc bấp bênh. Về sau, nhân vật bộc lộ tính cách thích kiểm soát, tạo áp lực với chính con gái của mình.

Sau một tuần công chiếu, tác phẩm thu về 1,6 tỷ đồng, theo Box Office Vietnam - đơn vị kiểm soát phòng vé độc lập.

Mai Nhật

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022