Nối tiếng làng võ từ khi còn trẻ
Thông tin NSND Lý Huỳnh qua đời khiến nhiều nghệ sĩ vô cùng thương tiếc. Trên mạng xã hội, các nghệ sĩ như: Trịnh Kim Chi, Việt Trinh, Trương Ngọc Ánh, Hiếu Hiền, Đức Tiến, đạo diễn Nguyễn Phương Điền... đã gửi những lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nghệ sĩ. Nhiều người trân quý gọi nghệ sĩ Lý Huỳnh là “đại võ sư”, “cây đại thụ làng điện ảnh”, “vị đạo diễn tài hoa”...
Nghệ sĩ Lý Huỳnh được nhiều người trân quý gọi là "đại võ sư", "cây đại thụ làng điện ảnh"....
“Xin vĩnh biệt người nghệ sĩ đa tài - NSND Lý Huỳnh. Một tấm gương trong nghề lẫn cách sống ngoài đời của chúng con. Xin chia buồn với gia đình anh Lý Hùng”, diễn viên Việt Trinh viết.
NSND Lý Huỳnh sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ học ở Vĩnh Long. Ngoài việc học võ với cha, Lý Huỳnh còn học võ Thiếu Lâm, võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định và Quyền Anh với các võ sư Hai Yến, Huỳnh Đạt Dân, Huỳnh Tiền.
Nhắc đến thành tích võ thuật của ông trên thượng đài, không ai không khỏi ngả mũ thán phục. Từ năm 1957 đến 1964, ông thượng đài 6 trận, thắng 3 trận, trong đó có trận đấm ngã đối thủ Lyauté Francoise - võ sĩ da đen vô địch quân đội Pháp. Ngoài ra, ông cũng thắng nhiều võ sĩ nổi tiếng Anh Thạch, Mạch Trung Phương...
Năm 1965, ông bắt đầu mở trường dạy võ, và từ đây đã đào tạo nhiều võ sĩ giỏi với tên gọi bắt đầu bằng hai từ “Lý Huỳnh” như: Lý Huỳnh Cường, Lý Huỳnh Yến... Bản thân Lý Sơn, Lý Hùng cũng được học võ với cha mình từ khi còn bé.
Năm 1973, ông công khai thách đấu với Lý Tiểu Long trên truyền hình. Sự kiện này được báo chí Việt Nam và Hồng Kông đưa tin. Tuy nhiên, Lý Tiểu Long chưa kịp nhận lời thì đã qua đời sau đó không lâu.
“Hiện tượng” hiếm của làng điện ảnh
Từ năm 1972 đến 1989, Lý Huỳnh đóng phim, trở thành người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh Việt Nam thành công. Lý Huỳnh quan niệm, đóng phim võ thuật không có nghĩa chỉ biểu diễn các màn võ đơn điệu mà diễn viên còn phải biết đi sâu vào tính cách, tâm lý nhân vật. Bởi vậy, trước khi diễn ông luôn nghiên cứu kỹ tính cách nhân vật, quan sát những mẫu người thật ở ngoài đời, hoà trộn với bản ngã, tài năng để làm vai diễn trở nên sống động.
Lý Huỳnh vai Đại uý Long phim "Mùa gió chướng".
Các bộ phim gắn với tên tuổi ông là “Long hổ sát đấu”, “Quái nữ Việt Quyền Đạo”, “Báu kiếm rửa hận thù”, “Hải vụ 709”... Sau mảng phim võ thuật, năng khiếu diễn xuất tiềm ẩn như được khai phá, nam nghệ sĩ nhanh chóng chinh phục các đạo diễn của điện ảnh lúc bấy giờ.
Một loạt vai phản diện sĩ trong những phim đề tài chiến tranh cách mạng được giao cho ông như Chuẩn tướng Bách phim “Đứa con bị từ chối”, Long “râu” phim “Con mèo nhung”, Thiếu tá Y Vế phim “Ngọn lửa Krông Jung”, Đại úy Long phim “Mùa gió chướng”... Đặc biệt là vai Trung úy Xăm gian ác trong phim “Hòn đất”.
Vai diễn nào ông cũng lột tả chân thực nhân vật. Trong nhiều vai phản diện ông đã hóa thân, có không ít vai đã giúp ông giành huy chương tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam thời đó như: Đại tá Hoàng phim “Cô Nhíp”, Đinh “Ba búa” phim “Mối tình đầu”, Đại úy Long phim “Mùa gió chướng”, Trung úy Xăm phim “Hòn đất”…
Đặc biệt, vai diễn lão nông tri điền Hai Lúa trong phim “Vùng gió xoáy” do NSND Hồng Sến đạo diễn đã làm nức lòng người hâm mộ điện ảnh, đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VI.
Nghệ sĩ Lý Hùng trong một cảnh của phim "Vùng gió xoáy".
Hình tượng nhân vật Hai Lúa mà nam nghệ sĩ đảm nhận đã in sâu trong đời sống xã hội, cái tên Hai Lúa trở thành từ cửa miệng của nhiều người để chỉ người nông dân chân chất, thật thà, bộc trực, thẳng thắn vùng quê Nam Bộ. Sau Hai Lúa, nghệ sĩ Lý Huỳnh còn có thêm vai diễn chính diện rất ấn tượng nữa là ông Hai Cũ trong bộ phim “Hai Cũ” cũng do NSND Hồng Sến thực hiện.
Khi còn sống, NSND Lý Huỳnh từng chia sẻ, trong số hơn 50 phim đã đóng, ông thích nhất 4 vai diễn là ông trùm “Ba búa” trong phim “Mối tình đầu” (đạo diễn Hải Ninh), ông Hai Cũ, Đại úy Long và đặc biệt là Hai Lúa. Ngoài đóng phim, NSND Lý Huỳnh cũng đồng thời tham gia liên kết sản xuất phim khá thành công.
Thập niên 1990, ông tiên phong trong vai trò sản xuất, tự bỏ vốn làm hàng loạt bộ phim như: “Lửa cháy thành Đại La”, “Thanh gươm để lại”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”, “Võ sĩ bất đắc dĩ”… Đây là tiền đề để ông hợp tác với các đoàn phim nước ngoài ở nhiều bộ phim tiếp theo: “Kế hoạch 99”, “Hồng hải tặc”, “Cảnh sát đặc khu”…
Khi thực hiện phim “Cảnh sát đặc khu”, ông đưa cả gia đình sang Hồng Kông cả tháng trời. Ông đổ rất nhiều công sức và tiền bạc vào bộ phim này với kỳ vọng đây sẽ là dấu son trong sự nghiệp. Nhưng không ngờ, phim ngay khi vừa phát hành đã bị ăn cắp bản quyền khiến ông lâm vào cảnh gần như mất trắng.
Không nản lòng bỏ cuộc, đầu năm 2010, Lý Huỳnh lại dồn toàn bộ vốn liếng và tâm sức để thực hiện bộ phim “Tây Sơn hào kiệt”. Phim được đầu tư lên đến 12 tỷ đồng, một con số “không tưởng” đối với bất kỳ nhà sản xuất nào thời đó.
Những năm cuối đời, nghệ sĩ Lý Huỳnh cùng các thành viên trong gia đình rất tích cực với hoạt động thiện nguyện.
Trong suốt nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật, NSND Lý Huỳnh đã tham gia gần 60 bộ phim ở cả vai trò diễn viên lẫn đạo diễn. Vai diễn nào cũng để lại những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả. Sau này, do tuổi cao sức yếu nên nam nghệ sĩ giao việc phim ảnh lại cho hai con là Lý Hùng và Lý Hương.
Theo diễn viên Lý Hùng, những năm cuối đời sức khoẻ không được tốt, nhưng NSND Lý Huỳnh rất lạc quan. Ông vẫn ước mong mình được sống lâu hơn để làm tiếp những bộ phim lịch sử mà mình tâm huyết. Ngoài ra, cứ mỗi khi có dịp, ông lại cùng các thành viên trong gia đình thực hiện các chuyến thiện nguyện, giúp đỡ các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
Hà Tùng Long