Nổi gió (1966)
Nổi gió chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm, đạo diễn Huy Thành thực hiện, đề cập đến một vấn đề thời sự cuối những năm 1960, khi nhiều gia đình có con thuộc hai phe đối lập trong chiến tranh. Trong phim, người chị là Vân (NSND Thụy Vân đóng) hoạt động cách mạng, còn em trai Phương (Thế Anh) là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa. Vì hoạt động cách mạng, Vân bị tra tấn dã man, con trai cô bị giết. Cô giả điên để dễ dàng hoạt động trong nhà lao.
Nổi gió là tác phẩm đầu tiên đoạt giải Bông Sen Vàng cho phim truyện điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất (1970), đồng thời là một trong ba phim giúp đạo diễn Huy Thành được trao Giải thưởng Nhà nước cho văn học nghệ thuật năm 2007. Theo cuốn Lịch sử điện ảnh Việt Nam, đây là phim truyện đầu tiên về cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống Mỹ.

Trích đoạn Vân bị địch tra tấn, đốt 10 đầu ngón tay trong "Nổi gió". Video: Viện phim Việt Nam
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972)
Bộ phim của đạo diễn Hải Ninh xoay quanh cuộc sống ở hai bên giới tuyến chia cắt Việt Nam thời chống Mỹ. Nhân vật trung tâm là Dịu (Trà Giang) - một người phụ nữ ở lại bờ Nam khi chồng tập kết ra Bắc. Chị trở thành bí thư chi bộ và nhiều lần bị chính quyền miền Nam bỏ tù.
Trên báo Công an Nhân dân, biên kịch Hoàng Tích Chỉ cho biết kịch bản được ông lên ý tưởng sau khi gặp một nữ bí thư chi bộ ở miền Nam sang bờ Bắc công tác.
Tác phẩm đánh dấu vai diễn đỉnh cao của nghệ sĩ Trà Giang. Ở Liên hoan phim Quốc tế Moskva 1973 (Nga), bà giành giải Nữ diễn viên xuất sắc, còn tác phẩm đoạt giải của Hội đồng hòa bình Thế giới. Theo đạo diễn Hải Ninh, minh tinh Mỹ Jane Fonda khi xem cảnh chị Dịu đẻ trong tù đã thốt lên: "Tôi nghĩ các bà mẹ Mỹ cũng cần xem hình ảnh này". Diễn viên Lâm Tới cũng gây ấn tượng trong vai tên phản diện có học thức.

NSND Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh trong "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm". Video: VFS
Mùa gió chướng (1978)
Phim đề tài chiến tranh do đạo diễn Hồng Sến chỉ đạo, nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản theo truyện ngắn cùng tên của ông. Tác phẩm miêu tả tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Nhân vật chính là Châu (Nguyễn Phúc) và Năm Bờ (Minh Đáng), hai chiến sĩ quân Giải phóng được cử về công tác tại một địa phương ở miền Tây Nam Bộ. Tại đây, Châu làm quen với Bé Ba (Thúy An), cô giao liên xinh đẹp. Năm Bờ cũng gặp lại người yêu là Sáu Linh (Thùy Liên), chỉ huy du kích tại địa phương. Họ chuẩn bị bắt tay vào cuộc chiến chống càn trong lúc địch lên kế hoạch dồn dân lập ấp, "tát nước bắt cá". Phía bên kia chiến tuyến là đại úy Long (Lý Huỳnh), người tích cực tổ chức các cuộc hành quân càn quét. Trong một lần chiến đấu, Châu hy sinh, Năm Bờ bị bắt giữ. Sáu Linh cùng các chiến sĩ và bà con đột nhập vào nhà bắt sống Long, buộc hắn phải thả Năm Bờ và tuyên bố đầu hàng cách mạng.
Mùa gió chướng đoạt Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ năm, nhận bằng khen của Liên hoan phim Ả Rập và châu Á năm 1979.

Áp phích phim "Mùa gió chướng". Ảnh: Hãng phim Giải Phóng
Cánh đồng hoang (1979)
Cánh đồng hoang là một trong những phim nổi tiếng của điện ảnh cách mạng. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng biên kịch, Trịnh Công Sơn viết nhạc, Nguyễn Hồng Sến làm đạo diễn. Tác phẩm từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá như Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1980, Huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Moskva 1981.
Kịch bản lấy bối cảnh vùng Đồng Tháp Mười thời chiến, xoay quanh vợ chồng Ba Đô (nghệ sĩ Lâm Tới), Sáu Xoa (Thúy An) cùng con nhỏ trong một căn chòi nhỏ giữa dòng nước. Họ có nhiệm vụ quan trọng là giữ đường dây liên lạc cho bộ đội. Giữa những trận chiến, họ phải nuôi con cũng như tìm kiếm lương thực. Quân đội Mỹ xem đây là mục tiêu quan trọng cần tiêu diệt để dập tắt kháng chiến ở khu vực này.
Nhiều cảnh quay sau này trở thành phân đoạn kinh điển của điện ảnh trong nước như vợ chồng Ba Đô cho con trai gần một tuổi vào bao nylon, buộc miệng bao lại dìm xuống nước trốn địch.

Cảnh em bé bị buộc bao nylon dìm xuống nước trong "Cánh đồng hoang". Video: Hãng phim Giải Phóng
Ván bài lật ngửa (1982)
Ván bài lật ngửa là phim truyền hình gồm tám tập về đề tài tình báo của đạo diễn Khôi Nguyên (tên thật Lê Hoàng Hoa), do Xí nghiệp phim Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (nay là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất trong những năm 1982-1987.
Tác phẩm lấy cảm hứng từ quá trình hoạt động cách mạng của anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo. Nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) viết kịch bản, có sự tham gia của các diễn viên như Nguyễn Chánh Tín (vai Nguyễn Thành Luân), ca sĩ Thanh Lan và Thúy An (vai nữ điệp viên tình báo Thùy Dung, vợ của Nguyễn Thành Luân).

Phân cảnh của Chánh Tín và Thanh Lan trong "Ván bài lật ngửa". Video: Hãng phim Giải Phóng
Biệt động Sài Gòn (1985)
Phim kể về những chiến công của đội biệt động trong kháng chiến chống Mỹ, gồm Tư Chung - trùm tình báo cùng các đồng đội Ngọc Mai, Sáu Tâm, Huyền Trang, Năm Hòa (bí danh K9). Ông Vũ Văn Nha - chủ nhiệm phim - từng cho biết sau khi ra mắt, tác phẩm thu hút hơn 10 triệu lượt khán giả ở các rạp từ Nam đến Bắc. Biệt động Sài Gòn do Xưởng phim truyện Việt Nam sản xuất, Lê Phương và Nguyễn Thanh viết kịch bản, bấm máy từ năm 1982 và kéo dài khoảng bốn năm.

Áp phích phim "Biệt động Sài Gòn". Ảnh: VFS
Ngã ba Đồng Lộc (1997)
Tác phẩm của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, kịch bản Nguyễn Quang Vinh dựa trên sự kiện có thật năm 1968 về 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Phim đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 năm 1999, giải A Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1997 và Giải thưởng của Ủy ban Bảo vệ hòa bình Triều Tiên tại Liên hoan phim Quốc tế các nước không liên kết tại Bình Nhưỡng năm 1998.

Trích phân cảnh phim "Ngã ba Đồng Lộc". Video: Viện phim Việt Nam
Giải phóng Sài Gòn (2005)
Giải phóng Sài Gòn công chiếu năm 2005, dựa trên tác phẩm Sài Gòn - Bản hùng ca của nhà văn Hoàng Hà nhưng có lược bớt một số đoạn. Phim được đầu tư 12,5 tỷ đồng và sản xuất trong 13 năm, tính từ năm 1991-1992. Hãng phim Giải Phóng sản xuất nhằm kỷ niệm sự kiện 30/4/1975. Các nhân vật chính đều là nhân vật lịch sử như Tổng bí thư Lê Duẩn (NSƯT Hà Văn Trọng), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Khương Đức Thuận), Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng (NSƯT Hoàng Quân Tạo), Đặc phái viên Bộ chính trị Lê Đức Thọ (Dương Trọng Hiếu).

Cảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trong "Giải phóng Sài Gòn". Video: Hãng phim Giải Phóng
Đừng đốt (2009)
Câu chuyện về cuộc đời liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành phim năm 2009, diễn viên Minh Hương đảm nhiệm vai bác sĩ Trâm. Tác phẩm gây tiếng vang lớn và đoạt các giải như Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 (2009), thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng.

Kết phim "Đừng đốt". Video: Viện phim Việt Nam
Mùi cỏ cháy (2012)
Tác phẩm ra mắt năm 2011 do Nguyễn Hữu Mười đạo diễn, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là biên kịch, dựa trên cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, tái hiện cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Nhân vật chính của phim gồm bốn người lính Hoàng, Thành, Thăng, Long. Vốn là sinh viên đại học, trước tiếng gọi của Tổ quốc, họ sẵn sàng gác lại mọi hoài bão để ra trận chiến đấu.

Trích đoạn phim "Mùi cỏ cháy". Video: Netflix
Dự án đoạt Cánh Diều Vàng 2011 thể loại Phim truyện điện ảnh, nhận giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần 17. Tháng 9/2012, tác phẩm được chọn là đại diện Việt Nam tranh giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar nhưng không qua vòng sơ tuyển.
Châu Anh