Khán giả khó chịu vì nhân vật bị cường điệu hoá
Trong những tập đầu tiên, bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” thực sự làm dậy sóng các diễn đàn khi xây dựng được các nhân vật, câu chuyện, tình tiết khá gần với thực tế. Đi tới đâu người ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh những nhóm người ngồi rôm rả bàn luận về bộ phim.
Trên các diễn đàn dành cho các “bà mẹ bỉm sữa” cũng liên tiếp xuất hiện những chủ đề xoay quanh nhân vật mẹ chồng, con dâu. Thậm chí, có thời điểm, cư dân mạng còn lan truyền một cách chóng mặt những tấm ảnh chế dựa trên những câu nói “bất hủ” của bà mẹ chồng trên phim.
Tuy nhiên, cho đến nay, sự hứng thú dành cho phim đang có dấu hiệu giảm dần. Một trong những lý do khiến phim bị giảm nhiệt chính là vì nhiều người không đồng tình với cách xây dựng nhân vật mẹ chồng, con dâu và con trai. Nhiều người cho rằng, 3 nhân vật này bị cường điệu hoá, nhiều tính cách phi thực tế và mâu thuẫn phim bị đẩy lên quá đà.
Độc giả Nguyễn Minh Bài chia sẻ với Dân trí: “Phim ảnh có quyền hư cấu nhưng có hư cấu gì đi nữa cũng phải dựa vào cuộc sống thực. Tiếc là phim đã quá cường điệu, đưa vào các tình tiết ít có thực và tác giả cố nặn ra theo cách nghĩ của mình. Những nàng dâu, những mẹ chồng ngày nay đâu có thô thiển đến lố lăng như trên phim. Đâu có bà mẹ chồng nào rình vợ chồng con ngủ đêm tân hôn, điều ấy chỉ có ở người tâm thần. Đâu có cô con dâu làm đến chức Biên tập viên của một tạp chí mà nói năng thiếu văn hóa với mẹ chồng đến vậy. Hình như các nhà làm phim lấy nguyên mẫu của cái thời còn mông muội thì phải…”.
Mâu thuẫn con dâu - mẹ chồng bị “vụn vặt hoá”
Một lí do khác khiến phim “Sống chung với mẹ chồng” bị khán giả lên án nữa đó là mâu thuẫn con dâu - mẹ chồng bị “vụn vặt hoá”. Đó là những xung đột mang tính nhỏ nhặt quanh “xó bếp”. Mẹ chồng lúc nào cũng tìm cách soi mói, khắt khe, áp đặt con phải làm theo ý mình… Kể cả chuyện mẹ chồng muốn con dâu sinh con cũng bị đẩy lên một cách thái quá khiến cho nhân vật mẹ chồng dần thiếu tính thực tế.
Trong khi đó, cô con dâu tên Vân lại có những hành động chống trả mẹ chồng khá đáo để, suốt ngày chỉ biết giận dỗi chồng. Anh con trai vẫn cứ nhu nhược từ đầu đến cuối, không có chính kiến, bảo vệ vợ không ra bảo vệ, phản đối mẹ không ra phản đối.
Chính sự luẩn quẩn, một màu, vụn vặt… này khiến cho tính giáo dục trong từng tình tiết phim bị nhạt dần. Thậm chí, nhiều người khẳng định phim không hề có tính giáo dục mà còn khiến mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu bị đẩy đến mức cực đoan, định kiến càng định kiến.
Độc giả Công Đoàn bình luận: “Loại hình nghệ thuật nào cũng có hai công năng cơ bản, một là giá trị nghệ thuật, hai là giá trị giáo dục... Một bộ phim chiếu trên VTV1 mà nội dung như thế chỉ khiến cho các nàng dâu coi thường mẹ chồng thôi. Cách nhìn này là đả phá quan niệm con dâu sống chung với mẹ chồng. Lũ trẻ cứ cưới nhau là đòi ra ở riêng. Nếu nội dung bộ phim này có thêm nhiều tính hài thì sẽ làm dịu quan niệm nàng dâu mẹ chồng, đằng này từ nội dung phim đến diễn xuất của các diễn viên cứng như đá, xem nhàm chán lắm rồi”.
Nhiều diễn viên diễn nhạt, không lột tả được nhân vật
Nhiều vai diễn trong phim như: Tùng (Danh Tùng), Thanh (Anh Dũng) hay Trang (Thu Quỳnh) vẫn bị chê là mờ nhạt.
Nếu trong những tập đầu của phim, Anh Dũng được khen khi thể hiện tính cách của một chàng trai mang tính cách "trẻ con", cái gì cũng hỏi mẹ, cái gì cũng răm rắp nghe theo lời mẹ, kể cả chuyện ghen tuông. Nhưng ở những tập gần đây, diễn xuất của Anh Dũng bị nhận xét là một màu, không có điểm nhấn và thiếu đột phá. Ngay cả khi tức giận với vợ và mẹ, nam diễn viên đã gồng mình để diễn nhưng biểu cảm vẫn không có nhiều thay đổi.
Vai Trang của diễn viên Thu Quỳnh dù càng lúc càng nhiều đất diễn, có cơ hội để khắc hoạ nội tâm nhân vật rõ nét hơn nhưng Thu Quỳnh vẫn chưa thể hiện ra chất nhân vật. Nhiều người có cảm giác nữ diễn viên này vẫn chưa thực sự “sống” cùng nhân vật và kỹ năng biểu cảm vẫn còn rất hạn chế.
Nhân vật Tùng do MC Danh Tùng đảm vai cũng bị cho là nhạt nhoà. Trong phim, Tùng là mẫu đàn ông yêu vợ và có trách nhiệm với gia đình nhưng không may lấy phải một người vợ tai quái, có định kiến với mẹ chồng. Tùng đã phải rất cố gắng rất nhiều để dung hòa mối quan hệ giữa hai người phụ nữ quan trọng nhất của cuộc đời. Tuy nhiên, cách diễn của Danh Tùng khiến người xem dễ bỏ qua nhân vật này vì không khắc hoạ được rõ nét nội tâm nhân vật. Đó là chưa kể đến việc Danh Tùng còn mắc khá nhiều lỗi trong việc thu thoại trực tiếp.
Một số nhân vật khác cũng bị đánh giá là diễn hơi kịch, chưa thực sự tạo nên màu sắc của nhân vật.
Lộ kịch bản phần kết phim
Cách đây mấy tuần, dư luận đã “rộ” lên thông tin lộ kịch bản phim “Sống chung với mẹ chồng” khi xuất hiện một đoạn văn bản được cho là phần kết của bộ phim. Theo đó, nội dung của đoạn văn bản này cho biết, mối quan hệ vợ chồng của Vân và Thanh sẽ tan vỡ khi xuất hiện người đàn ông tên Sơn (diễn viên Việt Anh).
Một số thông tin hậu trường cho biết, Sơn là bạn trai cũ của Vân, nhưng vì một số hiểu lầm trong quá khứ nên chuyện tình cảm đã bị đổ vỡ. Cho đến khi gặp lại, Vân đã kết hôn với Thanh, tuy nhiên do cuộc sống vợ chồng nảy sinh quá nhiều mâu thuẫn nên cả hai mau chóng "nối lại tình xưa". Còn Thanh thì ở cùng một cô gái khác tên Diệp (diễn viên Trang Cherry).
Không chỉ kịch bản bị lộ, diễn viên trong phim là Bảo Thanh và Trang Cherry còn đăng tải những hình ảnh, dòng trạng thái lên trang cá nhân ngầm chứng minh những chi tiết mà khán giả nghi vấn giống với tiểu thuyết nguyên tác là chính xác. Mặc dù phía ê-kíp bộ phim khẳng định không có chuyện lộ kịch bản hay giống hoàn toàn với nguyên tác nhưng thông qua các tình tiết đã được phát sóng thì khán giả đã từng đọc cuốn tiểu thuyết này đều nhận định cả hai có rất nhiều điểm giống nhau.
Thực tế, việc để lộ kịch bản, nhất là phần kết là điều cấm kỵ. Bởi khi đã biết được kết cục của phim, phim sẽ không còn khiến khán giả tò mò như lúc đầu.
Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” được biên kịch Đặng Thiếu Ngân phóng tác từ tiểu thuyết nổi tiếng Trung Quốc “Phù thủy dưới đáy biển” của tác giả Giả Hiểu. Những tập đầu của bộ phim được đánh giá là khá giống với diễn biến của tiểu thuyết nguyên tác.
Mạnh Tường