NSND Trung Hiếu chia sẻ rằng, trước khi chuyển qua Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Phạm Bằng có 10 năm công tác ở Nhà hát Kịch Hà Nội. Vì lẽ đó mà giữa anh với nghệ sĩ quá cố có rất nhiều kỷ niệm với nhau.

“Tôi cứ nhớ mãi ngày xưa, khi chú Phạm Bằng đóng hài Tết xong thì bận việc, không tham gia lồng tiếng được. Vậy là nhà sản xuất gọi tên lên nhờ tôi lồng tiếng cho vai của chú mà tôi hồi đó còn trẻ lắm. Cách đây hơn chục năm, lúc đó tôi trên dưới 30 thôi. Mọi người bảo: “Thôi bây giờ không tìm được ai trong làng hài lồng tiếng được cho vai của cụ Bằng cả, thôi Trung Hiếu lồng đi”. Tôi bảo: “Ối trời ơi, tôi mới 30 sao lồng được tiếng cho cụ đã gần 80 được”. Thế nhưng lần đó tôi vẫn cứ đánh liều lồng vì nhà sản xuất đang cần gấp.

pb-1-1478234109963.jpg
Nghệ sĩ Phạm Bằng và Văn Hiệp trong một tiểu phẩm hài. Ảnh: TL.

Sau này, khi gặp chú Bằng tôi bảo với chú việc tôi “mạo muội” lồng tiếng của chú, cụ bảo: “Ừ, chú nghe rồi, hay lắm. May quá, hôm đó chú bận không đi lồng tiếng được, nếu không có cháu chú không biết làm thế nào.

Rồi cách đây khoảng 5 tháng, tôi với chú còn đi uống rượu với nhau. Trong lúc “trà dư tửu hậu,” chú còn bảo tôi “Hiếu này, tao nói cho mày biết, tao là cùng quê Thái Bình với mày đấy”. Lúc đó tôi mới biết là chú cùng quê Thái Bình với tôi đấy chứ. Buổi hôm đó, hai chú cháu vẫn còn đùa vui với mấy anh em bên Bộ Quốc phòng, chú Bằng còn đọc thơ cho mọi người nghe.

Thời điểm đó chú vẫn uống được rượu bình thường, không hề có biểu hiện gì của bệnh tật cả. Bẵng đi một thời gian, cứ nghĩ chú ấy bận việc khác và đợt này lại đang chuẩn bị cho một loạt các phim hài Tết… nhưng đùng cái thì tôi nhận được tin báo chú mất. Tôi không tin chú mất nên gọi loạn hết mọi người để hỏi”, NSND Trung Hiếu nhớ lại.

Nam nghệ sĩ này cũng chia sẻ rằng, khi nghe tin nghệ sĩ Phạm Bằng mất anh rất bất ngờ và sửng sốt.

“Chú thực sự là một người nghệ sĩ tuyệt vời. Ngày tôi còn bé, cả nhà tôi đã xem phim chú đóng và mê chú rồi. Chú ấy là một trong 4 “cây hài” nổi tiếng của đất Bắc ngày xưa gồm: nghệ sĩ Trịnh Thịnh, Trịnh Mai, Dương Quảng và Phạm Bằng. 4 nghệ sĩ ấy là 4 cây hài số 1 của đất Bắc thời bấy giờ.

Khi tiếp xúc với chú tôi thấy chú lúc làm việc thì cực kỳ nghiêm túc và đôi khi khắt khe với chính bản thân nhưng ra ngoài đời lại cực kỳ chân thành, vui vẻ và cởi mở. Đấy là tố chất của một người nghệ sĩ chân chính và đáng trân trọng”, Trung Hiếu nói thêm.

NSND Hồng Vân nhớ lại thời còn làm “Gặp nhau cuối tuần”, chị chưa đóng chung với nghệ sĩ Phạm Bằng vở kịch nào nhưng lại đóng chung với nam nghệ sĩ trong rất nhiều chương trình gala.

“Lúc mới ti toe vào trường Điện ảnh, chúng tôi toàn nhìn ông từ phía xa. Đến bây giờ, tôi vẫn nhìn ông bằng con mắt đầy ngưỡng mộ của một thế hệ hậu sinh. Thời còn “Gặp nhau cuối tuần”, gala nào tôi cũng đóng chung với bác. Bác Bằng là người rất mực thước, chuẩn chỉnh. Làm việc đâu ra đó, giờ giấc chuẩn chỉnh lắm. Bác Bằng với bác Văn Hiệp ngày xưa là một cặp đấy. Không bao giờ trịch thượng đâu mặc dù nghề nghiệp của các bác quá đẳng cấp rồi. Những thế hệ như các bác bây giờ hiếm lắm, mất đi là mất luôn chứ không có người kế thừa.

ham-bang-2-1478234109999.jpg
Những tiểu phẩm hài của nghệ sĩ Phạm Bằng trong "Gặp nhau cuối năm" luôn mang đến tiếng cười đầy sảng khoái cho khán giả. Ảnh: TL.

Tôi từng đi nước ngoài với bác trong các chương trình lưu diễn ở Châu Âu, Tiệp Khắc… khoảng 4 – 5 năm trước. Tôi thấy bác cũng rất gần gũi với mọi người và dễ mến. Nghe tin bác đi tôi thấy hụt hẫng lắm. Năm nay là năm mất mát quá nhiều nghệ sĩ”, Hồng Vân tâm sự.

NSƯT Xuân Bắc kể, mấy hôm nay anh phải túc trực thường xuyên ở Nhà hát Kịch Việt Nam để cùng tập thể Nhà hát bàn chuyện lo đám tang cho nghệ sĩ Phạm Bằng. Anh kể, khi anh về Nhà hát Kịch Việt Nam công tác thì “bố” Bằng đã nghỉ hưu nhưng từ nhỏ cả gia đình đã đã rất mê những vai diễn của ông trong các bộ phim và tiểu phẩm hài trong “Gặp nhau cuối tuần.

“Tôi may mắn khi tham gia các chương trình của VTV thì được tham gia cùng bố Bằng trong các chương trình Gala, chương trình biểu diễn sân khấu để ghi hình. Chúng tôi gồm anh Quang Thắng Thắng, Vân Dung, anh Chí Trung, anh Đỗ Thanh Hải vẫn hay kể lại những câu chuyện về bố Bằng khi làm “Gặp nhau cuối tuần”. Chúng tôi vẫn hay gọi ông là bố Bằng cho gần gũi và thân thương.

pham-bang-3-1478234109980.jpg
Sự ra đi của nam nghệ sĩ đã khiến nhiều thế hệ nghệ sĩ sửng sốt và bàng hoàng. Ảnh: TL.

Bố Bằng là người có những kỹ năng ở “cảnh giới” cao độ trong việc diễn xuất. Như vở đóng cùng anh Công Lý, cụ đóng vai quan có người đưa tiền cụ quát rất to. Đáng ra là “Ai bảo cậu đưa tiền cho tôi, hả?” thì cụ quát rằng: “Ai bảo cậu, đưa tiền cho tôi?”. Câu của bố Bằng khiến mọi người cười lăn cười bò.

Bố Bằng là tấm gương lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ. Năm 83 tuổi cụ vẫn còn đóng. Bố mất đi chúng tôi cảm thấy trống vắng dù không thường xuyên làm việc cùng nhau.

Bố Bằng ra đi đã để lại niềm tiếc thương thực sự, không chỉ trong giới nghệ sĩ đâu mà với công chúng cũng thế. Những cây đa cây đề lần lượt ra đi, thế hệ của bố bây giờ căn bản đã ra đi hết rồi. Đó là lớp nghệ sĩ sống qua cả thời kỳ chiến tranh lẫn thời kỳ bao cấp, đổi mới… những vẫn còn làm được việc. Sức làm việc bền bỉ và sự đổi thay trong nhận thức. Có nhiều người bây giờ không phải ở tuổi của bố nhưng vẫn bị đóng khung trong nhận thức. 83 tuổi bố vẫn làm mọi người vẫn yêu thích… là cả vấn đề đấy”, Xuân Bắc kể.

Hà Tùng Long

Tag :, , , , , , , , ,

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022